“Trả bài” Giám đốc Than Hà Lầm

00:00 12/10/2020

 Hôm đầu năm, tình cờ tôi được ăn cơm cùng anh Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Than Hà Lầm –Vinacomin (Than Hà Lầm) tại gia đình một cựu thợ mỏ. Những bữa cơm của gia đình thợ mỏ, dù khách lạ hay quen thì không khí cũng rất thân mật và câu chuyện của họ chủ yếu vẫn xoay quanh chuyện làm than. Bữa đó, mọi người nâng chén chúc mừng thành công của anh Cường, đã chủ trì đưa vào Hà Lầm một giàn thiết bị khai thác than hầm lò hiện đại nhất Việt Nam (gọi là cơ giới hóa đồng bộ viết tắt là CGHĐB) với công suất 1,2 triệu tấn/năm và khai thác than ở độ sâu âm 300 mét – sâu nhất so với các mỏ hầm lò ngành Than hiện nay. Tôi cũng từng làm thợ mỏ hầm lò; từng làm báo 10 năm trong ngành Than; từng chứng kiến thất bại của một số công ty khai thác than hầm lò trong việc đưa CGHĐB vào lò chợ nên thú thật, tôi chưa tin về sự thành công của Than Hà Lầm bèn hỏi nhỏ anh Cường: “Một dàn thiết bị kềnh càng nặng gần 3500  tấn. Bằng cách gì mà chỉ 40 ngày các anh vận chuyển khối thiết bị khổng lồ ấy xuống độ sâu âm 300 mét rồi lắp đặt, đưa vào hoạt động?”. Anh Cường bảo: “Có bí quyết, anh ạ”. Lại hỏi: “Dàn thiết bị ấy lắp đặt xong là hoạt động ổn định luôn, hả anh?”. Dường như đọc được mối hoài nghi trong tôi, anh Cường bảo: “Vâng, đúng thế anh ạ. Mời anh hôm nào xuống thăm, kiểm chứng”. Lò chợ CGHĐB Than Hà Lầm, công suất 1,2 triệu tấn/năm Chúng tôi đã đi và đã thấy Giữa tháng 5, chúng tôi đã xuống Than Hà Lầm. Anh Cường đi vắng. Tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Công ty cùng các anh ở văn phòng và cán bộ phòng kỹ thuật, phòng cơ điện – thành phần như một cuộc họp vậy. Sau khi tìm hiểu, lấy thông tin, số liệu từ các anh và các phòng ban chuyên môn, chúng tôi lên công trường. Đang là giữa ca. Sân công trường lác đác những người làm vệ sinh công nghiệp, dáng bé nhỏ bên những tháp giếng cao vọi. Anh Nguyễn Văn Sơn nói, cách mặt đất nơi chúng tôi đang đứng hơn 300 trăm mét, hiện có gần một nghìn công nhân Than Hà Lầm đang sản xuất. Nói đoạn, anh đưa chúng tôi vào phòng điều khiển. Điều khiến tôi ngạc nhiên là những cô gái nhỏ nhắn, mặt quấn khăn chỉ hở đôi mắt đen thẳm đang điều khiển những thiết bị mỏ khổng lồ. Anh Mai Xuân Sinh, Quản đốc phân xưởng Vận tải giếng đứng chỉ tay vào cô gái trẻ đang ngồi trước bàn điều khiển lấp lóe những nốt bấm xanh đỏ, giới thiệu “Đây là cô Phạm Thì Thơ. Ca này, qua ngón tay cô Thơ, gần bốn nghìn tấn than từ âm 300 được kéo lên mặt đất”.  Chỉ tay lên  màn hình lớn gắn trên tường, anh Nguyễn Văn Sơn giới thiệu với chúng tôi: “Tất cả các khu vực sản xuất chính ở dưới hầm lò đều đặt camera phòng nổ để truyền hình ảnh hoạt động về đây”.  Tôi nhìn lên màn hình. Toàn bộ hoạt động dưới hầm lò theo chu kỳ khép kín đang hiện lên. Kia là khu vực khai thác. Kia nữa là than cuồn cuộn qua hệ thống băng tải, đổ xuống bun ke rồi qua skip được  tời trục kéo lên mặt đất… Tôi đã từng xuống giếng Hà Lầm và được biết: Tại độ sâu âm 300, Công ty đã đầu tư 2 dàn CGĐB vào lò chợ. Lò chợ thứ nhất công suất 600 nghìn tấn/năm, tổng mức đầu tư 259 tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ tháng 3/2015. Lò chợ thứ 2 công suất 1,2 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 462 tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ tháng tháng 11/2016. Nếu trước đây thợ khai thác than ở lò chợ phải gò lưng ấn búa khoan, chờ nổ mìn xong rồi vào lò chống cuốc, rồi đạp máng, rồi è lưng đẩy goòng… vừa tốn sức, năng suất thấp và không an toàn; thì giờ đây, với dàn CGHĐB hiện đại, thợ lò khai thác than của Hà Lầm chỉ vận hành qua nốt bấm. Qua nốt bấm, đầu máy khấu cắt than rơi xuống, được thiết bị cào vơ than chuyển lên băng tải; việc chống giữ  bằng hệ thống cột thủy lực, rất an toàn. Chứng kiến thực tế dây chuyền sản xuất khép kín, nhịp nhàng của Công ty và qua các số liệu cập nhật chính xác của các phòng ban chuyên môn, chúng tôi khẳng định, Than Hà Lầm áp dụng CGHĐB vào 2 lò chợ đã thành công; công nhân Hà Lầm hoàn toàn làm chủ công nghệ hiện đại; năng suất của 2 lò chợ đều đạt và vượt công suất thiết kế; sản lượng than CGHĐB của Công ty chiếm 2/3 sản lượng toàn mỏ. Đặc biệt, cả 2 lò chợ đều đảm bảo an toàn tuyệt đối, năng suất vượt từ 3-4 lần so với khai thác bằng công nghệ truyền thống. Bí quyết thành công Trước anh Sơn và các anh cán bộ kỹ thuật, cán bộ văn phòng Công ty, tôi nhắc lại lời anh Cường, Giám đốc Công ty rằng, để có thành công như hôm nay, Công ty đã thực hiện những bí quyết gì?. Các anh đều nêu ý kiến thế này: Thứ nhất, Công ty đã chuẩn bị đầu tư rất kỹ lưỡng và chi tiết. Trong đó, việc thăm dò địa chất, đánh giá  trữ  lượng và các yếu tố của vỉa chính xác tới 88%. Đây là yếu tố quan trọng để việc đầu tư tránh rủi ro, hạn chế tối đa tình trạng lò gặp đá, gây ách tắc sản xuất như đã xảy ra tại các đơn vị khác. Thứ hai, việc đầu tư của Công ty đồng bộ, từ khâu khai thác đến khâu vận tải. Riêng hệ thống vận tải của Công ty được đầu tư bằng băng tải liên tục; khắc phục tình trạng ách tắc do năng lực vận tải không đáp ứng với công suất của thiết bị khai thác. Thứ ba, Công ty đã tổ chức vận chuyển 1450 tấn thiết bị (đối với lò chợ 600 nghìn tấn/năm ) và  gần  3500 tấn thiết bị (đối với lò chợ 1,2 triệu tấn/năm) xuống lò, qua những đường lò chật hẹp và dốc, nhưng việc vận chuyển, lắp đặt nhanh và an toàn. Là bởi, Công ty áp dụng cơ giới thay sức người. Cụ thể là vận chuyển thiết bị qua tời trục, sau đó dùng monoray, vừa giảm cường độ lao động vừa đẩy nhanh tiến độ vận chuyển, lắp đặt thiết bị. Thư tư, Công ty đã lựa chọn thiết bị phù hợp với điều kiện địa chất của mỏ. Chẳng hạn, Công ty đã rút kinh nghiệm từ việc lựa chọn động cơ di chuyển bằng thủy lực từ dàn CGHĐB lò chợ công suất 600 nghìn tấn/ năm, thay bằng  động cơ di chuyển bằng điện cho lò chợ CGHĐB lò chợ 1,2 triệu tấn,  nhằm  khắc phục sự cố do hệ thống thủy lực làm việc trong môi trường hầm lò nhiều bụi và ẩm ướt. Ngoài ra, Công ty còn lự chọn nhiều thiết bị điều khiển cho lò CGHĐB hợp lí... Thứ năm (đây là ý kiến của anh Sơn, Phó Giám đốc), rằng: Công ty xác định, trong lúc việc tuyển dụng thợ lò ngày càng khó khăn, nhu cầu sản lượng của Công ty ngày càng cao; việc cơ giới hóa hầm lò  là yêu tố quyết định sự phát triển lâu dài và bền vững của Công ty. Do đó, Công ty đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, quyết tâm đưa cơ giới hóa vào hầm lò thắng lợi. Mặt khác, Công ty đã nhận sự sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tập đoàn, của Đảng bộ Than Quảng Ninh, của Công đoàn TKV cùng các ban chuyên môn của Tập đoàn. Trong thời gian đưa cơ giới hóa vào lò, các anh lãnh đạo Tập đoàn luôn xuống Hà Lầm, vào tận gương lò để khen thưởng, động viên công nhân… Anh Mai Duy Ngọc, Chánh văn phòng Công ty hào hứng: Tôi được Giám đốc giao nhiệm vụ sắp lịch cho lãnh đạo trực ca sản xuất. Từ Giám đốc, các  Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn… đều phải theo ca chỉ đạo sản xuất. Cuối ca có báo cáo tình hình sản xuất, những khó khăn phát sinh…Từ đó, Giám đốc Công ty đã kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, khai thông nhanh ách tắc. Thưa anh Trần Mạnh Cường. Vậy là chúng tôi đã về Công ty; đã chứng kiến cách thức tổ chức áp dụng thành công việc cơ giới hóa vào hầm lò của Công ty. Giờ, tôi xin trả bài cho anh đây… 19/5/2017 Minh Cao