TPHCM: Để chống ngập nước, cần hơn 500.000 tỷ đồng

00:00 12/10/2020

Từ năm 2010 đến nay, tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh số điểm ngập có giảm nhưng lại tăng 30 điểm ở khu vực ngoại thành. Tình trạng bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước ngày càng diễn ra nghiêm trọng.

moi-khi-mua-ngap-ung Mỗi khi mùa mưa đến, ngập úng luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân TP HCM

Nhằm đi tìm giải pháp cho vấn đề này, vừa qua, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố phối hợp với Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học “Các giải pháp chống ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, do địa hình Thành phố thấp, vùng có cao độ nhỏ hơn 1.3 mét chiếm 10.72% diện tích vùng trung tâm nên thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường gây ngập. Bên cạnh đó, hiện Thành phố chỉ mới nạo vét được hơn 60km/gần 5.100km hệ thống sông, kênh, rạch (chiếm hơn 1,1%).

Trong khi, tình trạng bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Bên cạnh các nguyên nhân do biến đổi khí hậu, triều cường ngày càng dâng cao, khiến cho tình hình ngập nước trên địa bàn thành phố diễn ra phức tạp. Ngoài ra, tình trạng san lấp mặt bằng, đô thị hóa các vùng đất tự nhiên thấp trũng đã làm giảm tính hiệu quả của chức năng điều tiết triều tự nhiên các vùng đất ngập nước ven sông, kênh, rạch. Hệ quả là gây khó khăn cho việc thoát nước, gây ngập úng cục bộ. Từ năm 2010 đến nay, tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh số điểm ngập có giảm nhưng lại tăng ở khu vực ngoại thành với số điểm phát sinh khoảng 30 điểm. Tại hội thảo, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết TP HCM đã xây dựng hai nhóm giải pháp phi công trình và công trình để giải quyết tình trạng ngập nước, ứng phó với biến đối khí hậu và nước biển dâng.

Về nhóm giải pháp phi công trình thì có 4 đề xuất bao gồm nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường liên kết khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị trong công tác tuyên truyền và giám sát. Về nhóm giải pháp công trình, theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020, trong vùng nghiên cứu rộng 581 km2 được chia thành 6 vùng thoát nước sẽ cần tổng nhu cầu vốn thực hiện khoảng 442.000 tỷ đồng, hiện đã đầu tư 21.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, quy hoạch hệ thống điều tiết bằng các hồ điều tiết tại các quận như khu công viên Gia Định thuộc Gò Vấp, khu Bàu Cát thuộc Tân Bình, công viên Vĩnh Lộc thuộc huyện Bình Chánh. Ngoài ra, theo quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM, với tổng diện tích vùng nghiên cứu là 968.500 ha, tổng nhu cầu vốn thực hiện khoảng 69.122 tỷ đồng, hiện đã đầu tư 3.110 tỷ đồng.

Theo kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016-2020, về ngắn hạn, TP.HCM tăng cường công tác quản lý thoát nước, xử lý các điểm ngập.Về trung hạn, TP HCM sẽ tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải. Về dài hạn, TP HCM ưu tiên đầu tư các công trình chống ngập do triều cường. Theo đó, xây dựng 8 cống kiểm soát triều, 68 cống nhỏ dưới đê, 7,8 km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và 12 km đê bờ tả sông Sài Gòn.

Ngoài ra, các ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, ngoài việc xây hồ điều tiết chống ngập, các công trình thủy lợi, van ngăn triều, cống kiểm soát triều thì cần sự phối hợp với các vùng lân cận TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là khu vực thượng nguồn của triều như Long An và Đồng Nai.

Tin và ảnh: Bình An (Văn phòng Đại diện phía Nam)