TP.HCM “siết chặt” phát triển nhà ở cao tầng tại các quận trung tâm

06:48 25/11/2020

TP. HCM sẽ hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025 ở quận 1 và quận 3 nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.

Trong báo cáo gửi UBND TPHCM về đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030”. Theo Sở Xây dựng TP. HCM, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhà ở nhiều khu vực tại TP. HCM hiện chưa được cải tạo, nâng cấp tương xứng, dẫn tới quá tải về hạ tầng chung.

Cụ thể, khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, quận 3), thành phố sẽ ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng cho các dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư thay thế chung cư cũ trước năm 1975.

Đồng thời, ở hai quận trên, thành phố sẽ hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.

TP.HCM “siết chặt” phát triển nhà ở cao tầng tại các quận trung tâm
TP.HCM “siết chặt” phát triển nhà ở cao tầng tại các quận trung tâm. (Ảnh: Minh họa)

Trong 5 năm tới, đối với các quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận (là những quận có dân số giảm trong 10 năm trở lại đây) sẽ hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.

Đối với khu vực 6 quận nội thành phát triển bao gồm: các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân sẽ ưu tiên phát triển dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến Metro số 1) hoặc khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Riêng khu vực 5 huyện ngoại thành gồm các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính; ưu tiên phát triển khu du lịch kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.

Khu vực này đến năm 2025 cũng không phát triển dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu vực chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Theo Sở Xây dựng TP. HCM, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhà ở nhiều khu vực hiện chưa được cải tạo, nâng cấp tương xứng, dẫn tới quá tải về hạ tầng chung. Trong khi đó, tốc độ phát triển nhà ở dân tự xây rất lớn, nhu cầu sử dụng hạ tầng cao nhưng tốc độ cải tạo, nâng cấp hạ tầng chưa tương xứng.

Vì vậy, thành phố sẽ hạn chế phát triển các dự án nhà ở tại các quận trung tâm, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở phải đảm bảo đồng bộ và thống nhất với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phát triển nhà ở cao tầng gắn với hệ thống giao thông ngầm, đường sắt trên cao tại khu vực trung tâm, khu vực nội thành hiện hữu.

Trước đó, đề án được đưa ra lấy ý kiến và gây nhiều chú ý từ dư luận vì đây được xem là giải pháp cứu cánh, có thể giúp TP.HCM hết cảnh tắc đường, ngập úng mà một trong những nguyên nhân chính gây ra là tình trạng quá tải hạ tầng trung tâm.

Tâm An (T/H)