TP.HCM: Người dân đã có thể xem toàn bộ kết luận thanh tra trên website

00:00 12/10/2020

Chỉ cần truy cập vào trang web của Thanh tra TP người dân có thể tải về toàn văn bản thông báo kết luận với những thông tin rất chi tiết về đối tượng được thanh tra.

Mục "Công khai kết luận thanh tra" (vòng tròn đỏ) trên website của Thanh tra TP.HCM

Theo Điều 39 luật Thanh tra, kết luận thanh tra phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên trên thực tế tại TP.HCM việc tiếp cận các kết luận này không hề dễ dàng, ngay cả với các cơ quan báo chí.

Trước thực trạng này, trong cuộc họp ngày 5/4/2019, Giám đốc Trung tâm báo chí TP.HCM – ông Từ Lương từng đánh giá dù TP có nhiều nội dung thanh tra, nhưng cách cung cấp thông tin còn việc “báo trước, báo sau” hay “báo to, báo nhỏ” nên chưa tạo được hiệu ứng tốt.

Vì vậy ông Lương đề nghị Thanh tra TP.HCM cung cấp các thông tin liên quan để Trung tâm báo chí xử lý, nhằm tránh sự xung đột khi các kết luận thanh tra có thể chỉ được đưa một phần.

Tiếp tục vấn đề này, tại buổi họp về đề án xây dựng đô thị thông minh ngày 12/5 Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo TP cập nhật dữ liệu kết luận thanh tra từ năm 2016 đến nay vào kho dữ liệu dùng chung.

Theo ông đây là những dữ liệu rất tốt để tăng cường công tác quản lý nhà nước, cùng là để người dân giám sát chặt chẽ hơn. “Không công bố thì dân không biết, báo chí không biết để theo dõi, giám sát” – ông Nhân nói.

Thực hiện chỉ đạo trên của ông Nguyễn Thiện Nhân, từ ngày 7/11 đến nay nhiều kết luận thanh tra đã được đưa lên trang web của Thanh tra TP.

Trên trang web này người dân sẽ tìm đến mục “Công khai kết luận thanh tra” và tìm trong danh mục những tài liệu đã được tải lên. Tại đây tên của mỗi bài viết sẽ là nội dung chính của lần thanh tra, và người dân có thể tải toàn văn thông báo kết luận thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2010 quy định:

Điều 39. Công khai kết luận thanh tra

1. Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Hình thức công khai kết luận thanh tra bao gồm:

a) Công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo;

b) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

c) Đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp;

d) Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra;

đ) Cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và lựa chọn ít nhất một trong các hình thức công khai quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này.

Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm cung cấp kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi có yêu cầu.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc công khai kết luận thanh tra theo các hình thức quy định tại khoản 2 Điều này.

Phong Vũ