Tôi viết văn bia "Đền Liệt sĩ Thái Bình"

00:00 12/10/2020

                                                           khung-canh-1-goc-chua

Tôi về quê! Năm hết Tết đến, muốn bàn với bác Cả vài việc gia đình. Nhân thể mang bộ tranh tứ quí mua ở Đông Hồ tháng trước về treo ở nhà thờ. Dịp này, mấy nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ quân đội muốn về quê tôi chơi. Anh em lâu ngày, hò hẹn nhiều lần nhưng ít có dịp, nhân tiện làm một chuyến xe luôn thể. Về quê thăm thú, vi vu ra Đồng Châu lai rai cũng thú...

Buổi trưa, chị gái tôi chuẩn bị sẵn một mâm thịnh soạn. Tôi nhớ, lúc ấy khoảng hơn mười hai giờ trưa ngày bảy, tháng mười. Vừa cầm ly rượu lên chưa kịp uống, thì bỗng điện thoại reo. Ở đầu bên kia, giọng anh Bái, Giám đốc sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh vang lên: “ Bây giờ em qua nhà bác nhé! Hôm trước hẹn với bác rồi, em đang ở Hà Nội, bác còn nhớ không?”.  “Hôm trước”, Tôi nhắc lại: “Chết tôi rồi, quên khuấy mất. Tôi vừa về quê sáng nay, dở quá! ”. “ Không sao! Thế càng hay”, Bái nói, giọng mừng rỡ: “Anh cứ ở quê, em quay về Thái Bình. Chiều nay anh em mình gặp nhau ở Đồng Châu. Em có việc nhờ đến anh. Vậy anh nhé!”... Cơm xong, tôi đưa nhà văn Đỗ Tiến Thụy, nhà thơ trẻ Đoàn Văn Mật, nhà điêu khắc Khúc Quốc Ân lòng vòng quanh làng rồi ra biển. Biển quê tôi hoang sơ, là vùng lõi thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Đáng quí nhất là sinh cảnh bãi cát ngập triều, trảng sạy và rừng ngập mặn. Là nơi kiếm ăn của các loài chim quí hiếm ven biển, trong đó có những loài chim quí đang bị đe dọa trên toàn cầu... Chiều! Đúng hẹn, anh Bái có mặt ở Đồng Châu. Bái đưa cho tôi tập tài liệu, bảo: “Tỉnh ta xây Đền thờ liệt sĩ anh ạ. Chúng em đi khắp cả nước. Đền thờ cấp huyện, xã có nhiều nhưng Đền thờ cấp tỉnh mới thấy ba địa phương làm, tỉnh mình là thứ tư. Đây là việc lớn và linh thiêng! Đền thờ đã xây gần xong, nhưng khó nhất là hai bài Văn bia, phải nhờ đến anh giúp...”. Tôi khá bất ngờ về đề nghị của Bái. Tôi là nhà thơ, viết văn, làm báo cũng đã xuất bản mười bốn, mười lăm cuốn sách văn học, nhưng viết Văn bia thì chưa từng nghĩ đến. Tôi hỏi lại : “ Sao tỉnh không đến ông Vũ Khiêu, tôi thấy chỗ nào cũng có văn bia đề tên ông ấy?”. Anh Bái nói ngay: “Ông Vũ Khiêu không được anh ạ!.. Nhờ anh thôi. Tỉnh vừa rồi tổ chức cuộc thi, sơ khảo ở tỉnh còn trung khảo phải nhờ đến Hội nhà văn Việt Nam. Anh Hữu Thỉnh, anh Vũ Quần Phương và Trần Đăng Khoa chấm. Chấm xong rồi nhưng không ổn. Chúng em làm việc với anh Hữu Thỉnh. Anh ấy đưa ra hai phương án : một là tổ chức cuộc thi viết văn bia toàn quốc;  hai, đề nghị một danh sách mười lăm nhà văn trong cả nước để tỉnh liên lạc nhờ họ giúp, trong đó có anh. Anh ấy bảo, anh là người của tỉnh, đầu tiên. Em mừng quá! Người cùng quê lại biết anh lâu rồi. Anh phải giúp tỉnh thôi...” Tôi băn khoăn chưa biết phải nói thế nào, thì anh Bái tiếp: “Anh cứ cầm mấy bài Văn bia đã được Hội nhà văn trung khảo về đọc lại, được ý nào lấy ý ấy rồi biên tập  thành hai bài Văn bia mới, thời gian gấp lắm rồi, chỉ còn hơn một tháng nữa là khánh thành. ..”. Tôi bàn với anh Bái: “Hay cứ khánh thành Đền thờ, còn Văn bia  tổ chức cuộc thi, bao giờ tìm được bài hay dựng bia sau”. Anh Bái giãy nảy: “Không được anh ơi! Anh phải viết thôi, bia dựng sau dở lắm...”. Tôi không nói gì, lặng lẽ cầm tập bản thảo Văn bia mở ra đọc lướt...Tôi chưa từng viết Văn bia, nhưng chuyện làm Văn bia thì có biết. Ví như Văn bia Sài Gòn- Gia Định, người ta tổ chức cuộc thi tới hai năm. Khi kết thúc ông Vũ Khiêu đoạt giải nhì còn nhà thơ Dương Trọng Dật và Lê Quang Trang đoạt giải ba. Văn bia tỉnh Đắc Lắc, Văn bia Nguyễn Thị Định ở Bến Tre, Văn bia tỉnh Vĩnh Phúc cũng vậy. Họ đều tổ chức cuộc thi trong cả nước, dù tốn kém và mất thời gian, nhưng đấy là việc buộc phải làm. Những thứ khác có thể sửa chữa nhưng Văn bia thì không. Chữ khắc vào đá  ngàn năm trơ ra đó. Chuyện không đơn giản, vội vàng được... Về Hà Nội, tôi bỏ lại cuốn sách lịch sử đang viết dở về thời kỳ chúa Trịnh Cương để tập trung vào Văn bia. Chuyện này quả thực qúa sức. Nhưng tôi không làm thì ai làm? Nhà văn Việt Nam không hiếm tài năng, nhưng ít người viết Văn bia. Mà muốn viết, họ phải cần thời gian thâm nhập thực tế, tạo nguồn cảm xúc, nghiên cứu lịch sử và xã hội Thái Bình; trong khi với tôi, tất cả những thứ đó đã có sẵn trong tâm khảm. Mình không viết sẽ bị trách, lương tâm cũng cắn rứt... Vậy là gạt mọi chuyện sang một bên. Viết ! Ý chí đó thôi thúc trong tôi. Tôi lao vào đọc thêm tài liệu về Thái Bình. Trong năm ngày đầu, tôi đọc lại bộ Đại việt sử toàn thư để tìm cảm hứng cổ xưa. Rất may khi đó tôi có nhiều bạn bè nồng nhiệt cổ vũ. Họ giúp tôi sưu tầm những bài Văn bia từ hàng ngàn năm trước tới thời hiện đại. Có tài liệu đọc, suy ngẫm và học cách viết của người xưa...Cũng không hiểu sao, những ngày ấy, trong tôi bừng lên những sáng tạo mạnh mẽ... Ngày mười ba, tháng mười, tôi thắp hương trên ban thờ tiên tổ rồi ngồi vào bàn. Bắt đầu viết Văn bia thứ nhất “ Thái Bình vùng đất văn hiến”. Tôi viết liên tục, viết rồi dập, rồi bỏ, lại viết, lại dập xóa, lại bỏ, cứ như thế suốt từ chín giờ sáng cho đến tận mười giờ đêm thì xong...Ngày hôm sau người tôi mệt bã, xương cốt đau nhừ, đầu óc rỗng không. Tôi xếp bài Văn bia một chỗ, sang Bát Tràng uống rượu cùng một người bạn. Hôm sau nữa tôi dậy sớm, tắm rửa, ăn sáng, ngồi viết tiếp Văn bia thứ hai “ Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”. Như có dòng suối nguồn xiết chảy. Tôi viết một mạch tám tiếng đồng. Kết thúc cả hai bài Văn bia, tôi xếp lại rồi về Bắc Ninh chơi. Sau đó liên tục nhiều ngày liền, ngày nào tôi cũng mở hai Văn bia ra đọc, biên tập, chỉnh sửa lại... Một buổi chiều, tôi điện cho Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương nhờ anh hiệu đính hai bài Văn bia của tôi. Tôi biết Trần Ngọc Vương rất bận. Anh là giáo sư hàng đầu  về Trung Quốc. Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn học trung đại và nho giáo. Nhưng vì tôi và anh là chỗ bạn bè. Vậy là cho dù đang phải bận công việc gì đó, anh vẫn nể tình nhận lời. Tôi nói với anh Vương, việc đã gấp, không còn thời gian nữa, nên ngay tối đó, tôi đi tắc xi đến thẳng nhà anh. Chúng tôi ăn uống qua quýt rồi mở hai bản Văn bia ra đọc. Chúng tôi đọc từng chữ, từng dấu phảy, dấu chấm. Mở từ điển so sánh đối chiếu những tên người, tên đất, những cụm từ cổ xưa dùng cho Văn bia rồi đính chính lại. Hơn mười giờ đêm việc mới tạm ổn... Sáng sớm hôm sau, anh Bái điện thoại hỏi về tình hình Văn bia. Tôi hẹn anh ngày hai mươi nhăm lên Hà Nội xem lại, có góp ý gì tôi chỉnh sửa luôn rồi chuyển về cho tỉnh. Chiều ngày hai mươi sáu, chị Hải phó Chủ tịch tỉnh và anh Bái lên nhà tôi. Ba anh em đọc lại, rà soát kỹ lưỡng từng câu chữ, bỏ bớt và bổ sung một số cụm từ hợp với quê hương Thái Bình. Tôi tiếp thu ý kiến chỉnh sửa lại cẩn thận. Sau đó anh Bái cho người lên lấy Văn bia về chuyển cho từng đồng chí trong Thường vụ tỉnh ủy đọc và góp ý, trước khi chính thức thông qua... Cuối tháng mười một, anh Bái lên Hà Nội chuyển lại cho tôi hai bài Văn bia, trong đó có một số chỗ cần sửa chữa, thêm bớt nhỏ. Chủ yếu là những từ các anh ngại đụng chạm. Tôi tiếp thu ý kiến các anh Thường vụ tỉnh, sửa chữa, hoàn thiện  đâu vào đấy... Việc viết hai Văn bia như thế coi như đã xong. Tôi chỉ còn việc chờ tỉnh sắp xếp kế hoạch để chúng tôi về, chính thức thông qua ... Ngày mười một tháng mười một, Anh Bái điện thoại cho tôi báo đúng ngày mười sáu, tháng mười một, Thường vụ tỉnh ủy sẽ họp thông qua hai Văn bia, mời chúng tôi về. Hôm ấy cũng là ngày bên Hải Phòng tổ chức Hội thảo lớn về Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Anh Vương đang dự họp ở đó. Khi xe lên Hà Nội, chúng tôi ghé qua Hải Phòng đón anh Vương, nhân tiện mời luôn anh Thuân ( anh Thuân nguyên là chuyên gia nghiên cứu về Văn bia hàng đầu hiện nay), cùng về dự. Tôi muốn có thêm những nhà nghiên cứu tầm cỡ và chuyên sâu dự họp. Ý kiến của họ sẽ làm tăng giá trị đích thực của Văn bia. Cho dù ý kiến của họ thế nào cũng chỉ có lợi chứ không hại gì. Văn bia là câu chuyện muôn đời chứ có phải việc một sớm một chiều đâu mà ngại. Thế là đoàn chúng tôi, ngoài tôi là trưởng đoàn còn có Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương, Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Khắc Thăng và nhà điêu khắc Khúc Quốc Ân ( anh Ân là người từng xây dựng nhiều công trình nghệ thuật cấp nhà nước, và cũng là người rất có kinh nghiệm về tổ chức các cuộc thi viết Văn bia...), đi trên một chiếc xe bốn chỗ ngồi về Thái Bình... Ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi buổi chiều hôm thông qua Văn bia là mọi người  tập trung cao độ trí lực, làm việc nghiêm cẩn, tham gia và góp ý kiến xác đáng từng từ, từng chữ. Mở đầu cuộc họp, anh Vượng, trưởng Ban tuyên giáo tỉnh đọc bản góp ý, đề nghị tác giả sửa chữa một số từ và cụm từ sao cho phù hợp với thực tế, phù hợp với Thái Bình, phù hợp với thời đại chúng ta đang sống. Tôi tiếp thu và giải trình, một số chi tiết cần trao đổi lại để làm sáng rõ ý tưởng của tác giả. Hôm ấy, anh Vương, anh Thuân, anh Ân và các anh trong thường vụ lần lượt nêu ý kiến bổ sung rất có ý nghĩa. Cuộc họp kéo dài hơn hai giờ đồng hồ. Anh Sinh- Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chủ trì. Anh cẩn thận đọc lại từng câu, từng chữ trong Văn bia, đề nghị mọi người tham gia, bổ sung, xong câu nào  thông qua luôn câu ấy, rất bài bản, chi tiết và cẩn trọng...Kết thúc cuộc họp, anh Sinh nói: Có được hai Văn bia này thật đáng quí, nó vượt hơn cả điều chúng ta mong đợi... Còn giáo sư Văn bia Đinh Khắc Thuân quả quyết: Văn bia này quá hay rồi, không còn gì băn khoăn nữa. Chúng tôi ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Có cảm giác như vừa làm xong một công việc hệ trọng của đời người. Trước khi ra về, anh Vượng, trưởng Ban tuyên giáo tỉnh nắm chặt tay tôi : Khi nào về Thái Bình bác nhớ điện thoại nhé. Anh em mình phải ngồi với nhau một bữa... Cho đến hôm nay, hai Văn bia Đền thờ liệt sĩ Thái Bình đã được dựng nghiêm trang ở hai bên phía trước Đền thờ. Một đồng chí nguyên là Bí thư Tỉnh ủy nói với những người về dự khánh thành Đền thờ liệt sĩ: Có thể coi toàn bộ khu đền thờ là thể xác còn Văn bia chính là linh hồn của Đền thờ, hồn vía Thái Bình ... Hôm khánh thành Đền thờ liệt sĩ, tôi đứng lặng trước anh linh của hơn năm mươi mốt nghìn anh hùng liệt sĩ tỉnh Thái Bình, trong đó có những người ruột thịt, đồng đội, bạn bè của tôi đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Một cái gì đó rất thiêng liêng, một nỗi đau  buốt nhói, xiết gào làm cổ tôi ứ nghẹn. Người dân quê tôi đời này qua đời khác sống lam lũ cùng sự vật vã thăng trầm giữa bốn bề sông biển. Nó là những khúc ca bi tráng và trữ tình về thân phận con người. Những bài văn bia, những câu ca dao, tục ngữ mà tôi đọc được đầu tiên là những tiếng hát cất lên từ thẳm sâu của trạng thái tâm thức bi tráng và trữ tình đó; nó song hành cùng với mọi niềm vui và nỗi đau khổ mà chúng tôi đã phải chịu đựng và trải qua. Và cũng bởi vì, sau những nhọc nhằn, mất mát đau thương để sinh tồn, sau những cuộc chiến tranh tàn khốc, tội ác và hận thù, người Thái Bình luôn khao khát vươn tới cuộc sống thanh bình, vươn tới vẻ đẹp, tình yêu và lòng bao dung... Tôi ngước về nơi xa, nơi ấy là biển Đông, nơi tiếng sóng muôn thuở trầm hùng, rền vang phía trước. Nó vang lên từ thẳm sâu, vang lên như một ý thức về lẽ sống và sự sinh tồn. Ôi! Mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi ngàn đời qua biết bao giông tố, thăng trầm của lịch sử, nhưng chúng tôi chưa bao giờ dừng lại, chưa bao giờ khuất phục. Dù giông tố sấm rền, dù mưa gầm bão cuốn, chúng tôi biết cách đứng lên, biết cách phải làm gì, tự tin và kiêu hãnh... [box]Văn bia: ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ Hàng ngàn năm trước, hào kiệt đất này từng phất cờ tụ nghĩa, thu phục lòng dân, sử xanh khắc tạc. Nối tiếp Vua Nam, bao thế hệ dấn mình trong lửa đỏ. Đuổi Hán, Lương, đất nước ghi ơn. Sát Thát kề vai Bến Tượng, A Sào. Thắng giặc ba phen, chiến công hiển hách, Khúc khải hoàn rạng đất Long Hưng. Xóa bỏ bất công, Hoàng công Chất dựng cờ “ bảo quốc an dân”, diệt cường hào ác bá, lập lại kỷ cương, phục hưng đất nước. Phan Bá Vành hiên ngang một cõi biên thùy, cứu độ dân đen bần hàn cơ cực. Hằng mơ thống nhất giang sơn, thái bình vạn thuở. Đất nước quặn đau, súng nổ ran trời, giặc Pháp dìm dân ta vào lầm than nô lệ. Máu người chảy dọc ngang ngõ xóm, xác người trôi lạnh buốt mặt sông Hồng, người chết rạt đường năm đói. Thù nước bầm gan, nợ nhà đứt ruột. Chí cường sôi quật khởi động trời Đông. Nếm mật nằm gai, phá kìm giết giặc. Mõ rền, trống giục bốn bề sông biển. Tiên- Duyên – Hưng, Tiền Hải đuốc sáng rực trời, lửa cháy nổi cuồng phong, khiến giặc Pháp kinh hồn khiếp vía. Giặc lại đến! Đạp núi vượt non, hơn năm mươi vạn chàng trai, cô gái Thái Bình khí phách hiên ngang, đội trời đạp đất, vượt đỉnh Trường Sơn, vai mòn nắng gió, súng đạn ngút trời, muôn giọng đồng thanh. Lớp lớp người đi như thác cuốn. Đáp tiếng gọi non sông trong cơn binh lửa. Sống hào hùng, chết lẫm liệt, chí khí kiên trung, dũng mãnh đoàn quân ra trận. Sát cánh kề vai cùng cả nước xông pha lửa đạn. Chiến trường nước bạn Lào- Miên, chớp giật sấm rền Khe Sanh- Đường 9, đạn nổ nghiêng trời năm bẩy hai Quảng Trị. Quyết tử xả thân, thế trận trùng trùng vây hãm Đồng Xoài, Lộc Ninh, Kon Tum, Bình Giã...Buôn Mê Thuột phủ đầu. Thần tốc, thần tốc tiến công, chiến dịch Hồ Chí Minh bão gầm lốc xoáy, thu về một cõi giang sơn. Hậu phương “thóc thừa cân, quân vượt mức” “ vững tay cày chắc tay súng”, Tất cả vì miền Nam ruột thịt. Hơn năm vạn người con Thái Bình nằm lại chiến trường. Lệ dường khô không thể khóc. Trên năm nghìn bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hàng vạn thương binh, thân hình tàn phế. Con mất cha, vợ mất chồng, mẹ chờ con, bao sinh linh mang trên mình dị tật... Tội ác chiến tranh, nỗi đau nát ruột xé lòng, tiếng thét bi ai cảm động trời cao đất thẳm. Non sông một mối thu về, máu xương tuổi trẻ Thái Bình vẫn rơi nơi biên cương, hải đảo. Muôn sau sử sách tạc ghi... Người còn sống tri ân người đã khuất, người hôm nay ơn đức đấng tiên linh. Ngày 8 tháng 2 năm Quý Tỵ (2013), đền thờ liệt sĩ Thái Bình khởi công xây dựng. Ngôi đền uy nghi, lồng lộng chân không vẳng lặng, chói ngời diệu lý, khí tượng thơm tho, tọa lạc đất thiêng, trang nghiêm triều phục. Nay ngày trọng, tháng lành khánh thành. Gió thu man mát, cây lá mướt xanh, cờ, phướn, hương, đăng ngây ngất. Ôi! Người đời sau kính cẩn dâng hương, ghi khắc đại ân, đại nghĩa. Vậy viết bài ký này, khắc vào bia đá, truyền mãi mai sau.

Minh rằng:

Đất mọi thời thượng võ

Danh hương khắp bãi bờ

Sử sách lưu kim cổ

Chói sáng mãi ngàn thu

Hội khí thiêng sông biển

Sinh hào kiệt anh hùng

Xả thân cơn nguy biến

Đuổi giặc cứu non sông

Nợ nước ắt phải trả

Chí hào sảng cương cường

Khí phách ngang biển cả

Đâu tiếc gì máu xương

Ôi! Anh hùng vạn kiếp

Sừng sững muôn năm qua

Người sau ai còn biết

Bi hùng khúc tráng ca

Vậy nay tạc bia đá

Khắc ghi cùng đất trời...

Ngày tốt tháng 11 năm Ất Mùi (2015) Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình dựng bia. Nhà thơ Trần Anh Thái bái soạn; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Vương hiệu đính[/box] [box]Văn bia THÁI BÌNH VÙNG ĐẤT VĂN HIẾN Dọc ngang một cõi trời Đông. Ba mặt giáp sông, tả hữu giữa trời uốn lượn. Phía trước biển Đông, muôn thuở rền vang tiếng sóng. Đồng phẳng bãi bằng, âm dương hòa hợp, quần tụ khí thiêng, anh hùng hào kiệt thời nào cũng có. Sử cũ tạc ghi, đất đai màu mỡ, gạo thóc đầy bồ, “kho của, kho người”, đồng ruộng phì nhiêu. Cuốn hút muôn dân hợp cư mở mang bồi đắp, lập làng dựng xóm, tạo thái bình thịnh vượng. Gian nan dâu bể, nảy nở tinh hoa, văn vật điển chương phát lộ, văn hóa văn minh tỏa khắp một vùng châu thổ. Hàng trăm trí thức đại khoa lẫy lừng đức nghiệp, mọi thời rạng rỡ khởi hưng. Bảng vàng, bia đá đặt tại cửa hiền. Trên mảnh đất này, tên tuổi Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Thái thường tự khanh Bùi Sĩ Tiêm, nhà bác học Lê Quí Đôn, Nhà canh tân Bùi Viện,... lưu danh kim cổ. Nghìn năm biến động, lịch sử bi hùng, thời gian bào gọt, loạn lạc chiến tranh, đền đài miếu mạo vẫn cổ kính uy nghi, vinh danh lịch sử, sừng sững thời gian. Lăng mộ, đền thờ các Vua Trần, Chùa Keo gỗ lim Đất lành thơm ngát, hoa lá thắm tươi, đây chiếu chèo, kia rối nước, muôn hình diễn xướng dân gian, tao nhân mặc khách dập dìu, tình cảnh ngất ngây, trăm vẻ hào hoa lịch lãm. Lược dòng sách sử, từ buổi nguyên sơ chống ngoại xâm, hiền tài tuấn kiệt khởi hưng chấn nghiệp, một phương hùng cứ. Thục Nương nữ tướng dựng cờ “ phù Trưng phạt Hán” lẫm liệt oai phong. Lý Bí tựa đất này làm thềm bậc dụng binh dấy nghĩa đuổi Lương, dựng nước Vạn Xuân độc lập. Bố Hải Khẩu dưới thuyền trên bến, lừng danh tướng quân Trần Lãm, rường cột cho Đinh Tiên Hoàng nương tựa, giương cờ thống nhất giang sơn, lập nên nghiệp đế. Hải Ấp đồng đất tốt tươi, dân tình trọng hậu, phát tích nhà Trần nhân minh anh vũ, khởi nghiệp đế vương, ba lần đại thắng Nguyên- Mông, lừng lẫy võ công văn nghiệp. Thế kỷ XIX cửa nát nhà tan, thống khổ lầm than con đen nô lệ. Đất lành quật khởi, cơn thịnh nộ triều dâng thác cuốn. Sáng ngời Thành phố Thái Bình, Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải bẫy chông, gậy gộc đứng lên. Đông Hưng, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà mũi tên, giáo mác phun trào phún thạch. Thế trận “ long trời, lở đất”, tráng khí ngút trời, tiếng trống năm ba mươi vọng vang sông núi. Hào khí Đông A, triệu triệu con dân...gọi mặt trời xua bóng tối đêm đen. Non sông chưa về một mối, những người con nơi “đầu sóng ngọn gió” Thái Bình lại tiếp nối lên đường. Nước bạn Lào, Miên. Quảng Trị, Tây Nguyên, Sài Gòn, Nam Bộ..., lòng yêu nước sóng cồn xốc tới. Thần tốc tiến công. Khắc dấu son qua lịch sử hào hùng. Thu về một cõi Giang sơn. Kỷ nguyên mới mở ra, phá vòng kim cô giáo điều bảo thủ, năng động đổi mới tư duy, vượt lũy cũ thành xưa, cháy bỏng ước mơ hòa cùng biển lớn. Vĩnh cửu mạch nguồn tinh khiết, chảy trong huyết quản nhân sinh, dung dưỡng non sông cây cỏ. Quả phúc vẹn toàn, mừng sao kể xiết. Muôn đời cội gốc là dân. Vậy viết lời ký kèm bài minh, khắc vào bia đá, truyền mãi mai sau.

Minh rằng:

Nghìn năm văn hiến

Hào kiệt nhân minh

Khí thiêng sông biển

Đất này địa linh

Khai phát nghiệp đế

Hiển hách võ công

Cõi bờ mở rộng

Kho thóc kho người

Đại khoa trí thức

Bia đá tạc ghi

Dâu bể hùng bi

Lừng vang muôn cõi

Công như biển lớn

Đức tựa núi cao

Nay tạc bia đá

Sáng cùng trời sao.

Ngày tốt tháng 11 năm Ất Mùi (2015) Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình dựng bia. Nhà thơ Trần Anh Thái bái soạn .Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Vương hiệu đính( 698 chữ ) [/box] Lý Nam Đế , Hà Nội, ngày đầu năm 2016     Trần Anh Thái