Toàn cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam: Vingroup dẫn đầu các kênh hiện đại

00:00 12/10/2020

Theo nghiên cứu vừa được công bố bởi Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, thị trường bàn lẻ Việt Nam đang trải qua thời kỳ chuyển biến toàn diện, chủ yếu nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ về mặt số lượng của các mô hình cửa hàng hiện đại, cũng như các thương vụ M&A của các tập đoàn lớn.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, thị trường bán lẻ hiện đại lại phát triển mạnh mẽ hơn ở các thành phố cấp 2, thay vì ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Tp.HCM. Tình từ năm 2017 đến hết tháng 4 năm 2019, tổng số siêu thị ở các thành phố như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng… đã tăng gần gấp rưỡi, từ 108 lên 161 địa điểm. Đồng thời, số lượng cửa hàng bách hóa (department store) ở những địa điểm này cũng có mức tăng ấn tượng, đạt 150%, từ 22 tới 55 địa điểm. Ngược lại, sự tăng trưởng của hai mô hình cửa hàng hiện đại này tại Hà Nội và Tp.HCM lại chậm hơn, lần lượt chỉ ở mức 23% và 10%.

Trong vòng 2 năm qua, người tiêu dùng chứng kiến nhiều thương vụ M&A lớn như việc Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Fivimart từ Aeon, sáp nhập hệ thống cửa hàng bán lẻ thiết bị điện tử Viễn Thông A, hay như thương vụ chuỗi siêu thị Pháp Auchan mới đây nhượng lại 18 siêu thị để rút khỏi thị trường Việt Nam. Đặc biệt, với việc chính thức mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go vào tháng 4 vừa qua, Vingroup chính thức dẫn đầu thị trường bán lẻ hiên đại trong nước về cả ba mảng là siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng như cửa hàng bách hóa.

Mặc dù nhìn chung số lượng các cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, đạt tới 62% trong vòng 2 năm qua nhưng điều này chủ yếu dựa sự mở rộng của hệ thống Vinmart+. Tuy nhiên, rất nhiều trong số các thương hiệu khác lại đang chứng kiến sự trì trệ trong kế hoạch mở rộng thị phần. Có thể kể đến Ministop mới chỉ có khoảng 115 cửa hàng, đạt 14,3% so với mục tiêu mở tới 800 cửa hàng đến hết năm 2018. Hay như thương hiệu GS25 cũng mới mở được 32 địa điểm, quá chậm chạp so với kế hoạch mở đến 2,500 địa điểm tới năm 2028. Bản thân Vinmart+ đến nay cũng mới thực hiện được hơn 1/3 mục tiêu mở 4.000 cửa hàng khắp cả nước vào năm sau.

Ở các mô hình kinh doanh khác, sự tăng trưởng của Mediacare và Pharmacity giúp nâng số lượng cửa hàng thuốc-mỹ phẩm bình dân (drugstore) ở Việt Nam tăng đến 45% từ năm 2017-2019. Bên cạnh đó, sau thương vụ Thế Giới Di Động mua và sáp nhập hệ thống Trần Anh vào Điện Máy Xanh, số cửa hàng điện máy trong nước vẫn tăng khá chậm, từ 1.663 cửa hàng toàn quốc năm 2017 lên 2.841 cửa hàng tính đến tháng 4 năm nay. Ngoài ra, sự mở rộng các mô hình cửa hàng về thời trang, phòng gym và rạp chiếu phim chỉ ở mức trung bình, lần lượt ở mức 10,23% và 24%.

Riêng trong lĩnh vực F&B, hệ thống các cửa hàng café dạng chuỗi đang ghi nhận mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng, chủ yếu nhờ vào sự phát triển tại thị trường Tp.HCM. Trong khi đó, các cửa hàng trà sữa và chuỗi nhà hàng tuy tăng trưởng chậm nhưng vẫn vượt qua các cửa hàng café xét về tổng số lượng địa điểm.

Hà Phan