Toàn cảnh ngành Than chống chọi với "đại hồng thủy"

00:00 12/10/2020

Trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh những ngày qua đã làm cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh than vùng Quảng Ninh thuộc Tập đoàn TKV bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người lao động các đơn vị. Với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, "Tương thân tương ái" Thợ mỏ Than - Khoáng sản vừa lo chống chọi với mưa lũ, đảm bảo an toàn, giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, vừa cùng với lãnh đạo và nhân dân Quảng Ninh khắc phục những sự cố, động viên đồng bào chịu mất mát vượt qua khó khăn.

hongai

DIỄN BIẾN Trận mưa lớn, gấp đôi kỷ lục của 40 năm về trước, ập xuống Quảng Ninh, nơi có nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh than thuộc Tập đoàn TKV với hàng chục vạn thợ mỏ đang làm việc, đã nhanh chóng tàn phá vùng mỏ. Thống kê sơ bộ, thiệt hại do mưa lũ của các đơn vị rất nặng nề, nhất là khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả. Cụ thể: Ở khu vực Hòn Gai: Tại Công ty than Hà Lầm, đập chắn +70 do đất đá bãi thải của Núi Béo trôi gây sạt bờ kè dẫn đến nước tràn vào kho than +70 của Hà Lầm làm trôi mất khoảng 7 ngàn tấn than sạch (5 ngàn cám 4A, 2 ngàn tấn 5B). Ở Công ty than Hà Tu, mưa lớn làm ngập moong vỉa 16, vỉa 8 và toàn bộ hệ thống đường xuống vỉa bị đất sạt lở đồng thời cô lập 1 máy khoan xoay cầu của Công ty. Ngoài ra, các tuyến đường từ Mỏ Hà Lầm ra ga Lộ Phong và tuyến từ mỏ Hà Tu ra cảng Làng Khánh cũng bị sạt lở đoạn dài. Công ty than Hòn Gai cũng có nhiều tuyến đường nội bộ mỏ bị sạt lở như ở 917, nhiều công trường, đường lò bị ngập sâu như moong 917, công trường Cái Đá (Cao Thắng); mặt bằng công trường Giáp Khẩu, Công trường Bắc Bàng Danh... Với Tuyển than Hòn Gai, mưa to liên tục, lưu lượng nước lớn đã vùi lấp một số đoạn ray gần ga Lộ Phong do vỡ kè chắn kho than của Công ty than Hà Tu. Kho than của Công ty bị ngập ở một số điểm. Đặc biệt là tại Công ty Kho vận Hòn Gai, do bục nước tại khu vực hồ xỉ thải lô số 5 của Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh đã làm đổ 40m tường chắn, ngập máy phát 150KVA và 4 máy nghiền mẫu của KCS tại cảng Làng Khành 1. Đến ngày 29/7 Kho than 1 và kho than Hà Ráng đã bị tràn, trôi than ra sông Diễn Vọng. Ở khu vực Cẩm Phả: Hoạt động sản xuất của rất nhiều công ty như bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị ngập nước. Tại Công ty than Cọc Sáu, do lượng mưa của khu vực lên tới 1.100mm nên khu vực bãi thải Bắc Cọc Sáu bị sạt trôi nhiều đất đá làm ảnh hưởng đến gần khu cửa lò của Công ty 790 - Tổng Công ty Đông Bắc. Toàn bộ các bờ tầng và đường nội mỏ cũng bị sạt lở lớn. Công ty than Đèo Nai bị ngập tủ biến áp bơm thoát nước chính, đất đá vùi 1/2 khoan 452 tầng 5 trụ cánh Nam. Ở Công ty than Quang Hanh, tại mức -175 có 2 trạm bơm bị ngập, lượng nước khoảng 150 ngàn m3. Công ty than Mông Dương bị nước ngập mặt bằng giếng phụ, ngập trạm bơm -250 khu Đông bắc Mông Dương, đồng thời nước chẩy nhiều làm 2 lò chợ bị đổ. Dù bị ngập nước nhưng toàn bộ công nhân làm việc trong lò đều rút ra ngoài an toàn. Đối với hệ thống đường giao thông vận tải, mưa lớn đã làm sạt lở, ách tắc hàng trăm km tuyến đường chuyên dụng như: Khe Chàm III ra Cầu Trung Quốc, đường từ Lép Mỹ ra cảng Km6… Đoạn đường liên vùng khu vực gần cảng Hà Ráng bị trôi mất 1 đoạn đường khoảng 20m làm chia cắt đường liên lạc và gần đó đất đá sạt lở lấp nền đường khoảng 40m. Tuyến đường sắt của Công ty Tuyển than Cửa Ông, nhất là tuyến Miền Đông bị hư hỏng nặng. Toàn bộ hệ thống giao thông, vận tải than từ đường ô tô cho đến đường sắt đều bị ngưng trệ hoàn toàn. Có thể nói, trận mưa lũ lịch sử đã gây tổn thất nặng nề cho ngành Than, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống của thợ mỏ; gián đoạn cung cấp than cho các hộ tiêu thụ… Thống kê đến 31/7, thiệt hại các đơn vị chưa xác định hết nhưng ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. PHẢN ỨNG NHANH Ngay sau khi trận mưa đầu tiên tác động xấu đến sản xuất, lãnh đạo Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN đã kịp thời có mặt tại các hiện trường xảy ra sự cố để chỉ đạo khắc phục. Người lao động đã được di chuyển đến các vị trí an toàn. Xác định tính chất nghiêm trọng của mưa lũ, Bí thư - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn đã lập tức chỉ thị dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị không cần thiết để tập trung ứng phó với mưa lũ, báo cáo lãnh đạo Bộ Công thương, đồng thời ban hành Lệnh sản xuất số 580/CĐ-TKV, chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay các phương án thủ tiêu sự cố và phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tìm kiếm cứu nạn. Tập đoàn cũng đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTĐHSX, các công điện khẩn số 07/CĐ-BCĐ, số 575/CĐ-TKV, số 09/CĐ-BCĐ tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp trong công tác phòng chống mưa lũ tại tất cả các đơn vị của Tập đoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và toàn miền Bắc. Lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo Công ty than Mông Dương họp bàn phương án và chỉ đạo khắc phục sự cố ngập mỏ Mông Dương Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn và Tổng giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải lệnh cho các Giám đốc mỏ thường trực 24/24h tại mỏ để chỉ đạo khắc phục từng tình huống cụ thể đồng thời trực tiếp có mặt thường xuyên tại các điểm nóng chỉ đạo khắc phục sự cố. Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN đã đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp khắc phục sự cố và ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo. Các đơn vị bị ảnh hưởng lớn đã tập trung nhân lực, huy động tối đa thiết bị để khắc phục hậu quả của mưa lũ. Công ty than Quang Hanh đã tập trung nhân lực, phối hợp với Trung tâm Cấp cứu mỏ huy động các thiết bị bơm nước công suất lớn từ Trung tâm Cấp cứu mỏ, Công ty than Vàng Danh, Mạo Khê, Hà Lầm, Hạ Long để lắp đặt bơm thoát nước mỏ với tốc độ khẩn trương nhằm tháo khô tại mức -175 nhanh nhất. Công ty CP than Mông Dương triển khai đóng phai chắn và cửa kín ngăn nước xuống giếng phụ chống nguy cơ ngập mỏ khu trung tâm, tập kết và triển khai lắp đặt bơm để tháo khô mức -250 khu Đông Bắc Mông Dương. Công ty CP than Cọc Sáu huy động tối đa thiết bị phối hợp với Công ty 790 Tổng Công ty Đông Bắc, Công ty CP than Mông Dương khơi thông mương nước, ngăn chặn bùn đất chân bãi thải để hạn chế ảnh hưởng đến Công ty 790… Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải phân công cụ thể các Phó Tổng giám đốc phụ trách từng vị trí khai trường các đơn vị gặp sự cố để chỉ đạo khắc phục với phương châm hậu cần tại chỗ để gặp tình huống nào khắc phục ngay tình huống đó. Đặc biệt, trực tiếp đồng chí Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải đã chỉ đạo công tác khắc phục sự cố, khẩn trương sửa chữa, gia cố đập chắn bãi thải Đông Cao Sơn để đảm bảo an toàn cho khu dân cư ở hạ lưu bãi thải. Theo đó, TKV đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện khẩn trương triển khai các biện pháp sửa chữa và gia cố thân đập chính, đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ vỡ đập 790, bảo vệ an toàn cho nhân dân. Đến thời điểm hiện tại, việc gia cố đập chắn đất ở mức +9,8, bãi thải Đông Cao Sơn vẫn đang được Tập đoàn các lực lượng chức năng khẩn trương thực hiện và đã cơ bản kiểm soát được tình hình tại khu vực này. Có thể nói, trong thời gian ngắn, do mưa lớn, hầu hết các đơn vị sản xuất kinh doanh than của TKV đã bị đình trệ sản xuất và bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, với phản ứng khá nhanh trong các tình huống đã được đặt ra trong kế hoạch phòng chống mưa bão, cũng như sự chỉ đạo kịp thời của các đồng chí lãnh đạo và các Ban chuyên môn Tập đoàn, TKV đã đảm bảo an toàn tuyệt đối về người. Nhiều thiết bị đã được di chuyển kịp thời, đảm bảo an toàn. Đến chiều 30/7, Than Dương Huy đã ngăn chặn xử lý các nguồn nước về moong chính; Than Cọc Sáu đã củng cố được toàn bộ tuyến đê ngăn nước; Than Quang Hanh đã cơ bản khống chế nước mặt bằng xuống mức -175... Hiện nay, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp và dự báo tiếp tục có mưa lớn, TKV đang gồng mình để khắc phục và hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể còn xảy ra. Chiều ngày 30/7, Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn đã triệu tập hội nghị trực tuyến đầu Hạ Long và Hà Nội với thành phần là lãnh đạo chủ chốt Tập đoàn, Công đoàn TKV, Đảng ủy, Đoàn TQN và các Ban điều hành Tập đoàn để rà soát các công việc và chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị đã làm rõ hơn những khó khăn mà Tập đoàn đang gặp phải và đề xuất thêm các giải pháp cho công tác ứng phó, khắc phục với mưa lũ như: tăng cường sự gắn kết với chính quyền địa phương trong công tác khắc phục sự cố, sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm; rà soát lại các vị trí xung yếu, hệ thống hầm bơm, trạm điện; thống kê cập nhật thiệt hại; phương án bố trí lao động của Công ty than Mông Dương; kiểm kê các kho than; tăng cường công tác an ninh, bảo vệ than, tài sản; chống hiện tượng trôi than tại các kho than; các Công ty kho vận, cảng, bộ phận tiêu thụ nhanh chóng khôi phục cấp than trở lại cho các hộ khách hàng... Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh đợt mưa lũ lịch sử trong vòng 40 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của các đơn vị TKV tại Hạ Long và Cẩm Phả. Hiện nay, đa số các đơn vị vẫn trong tình trạng dừng sản xuất, một số đơn vị có thể phải dừng lâu dài như Mông Dương, Quang Hanh, Dương Huy, Hòn Gai, Hà Tu; ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập CNVC; gián đoạn cung cấp than cho các hộ tiêu thụ. Vì vậy, Tập đoàn và các đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai khắc phục sự cố ở các đơn vị, ưu tiên giải quyết các nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng như Công ty than Mông Dương, Quang Hanh, Dương Huy, đập ngăn bãi thải Đông Cao Sơn…. Để khắc phục các sự cố, khôi phục được sản xuất trong thời gian sớm nhất, Chủ tịch HĐTV yêu cầu các đơn vị phải tranh thủ thời tiết, chạy đua với thời gian tập trung giải quyết các điểm nóng, các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng; bảo vệ kho than, chống thất thoát; chuẩn bị sẵn nguồn than để sớm cấp trở lại cho các hộ tiêu thụ, nhất là than cho điện; hạn chế tối đa thiệt hại phát sinh do chủ quan, kiểm soát đến đâu, khắc phục đến đấy, đảm bảo an toàn cho công nhân và người dân là hàng đầu. Với tinh thần cao nhất để sớm ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống và thu nhập của người lao động, Tập đoàn sẽ trích quỹ dự phòng để hỗ trợ cho công nhân, người lao động thuộc các đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra nhằm đảm bảo mức thu nhập ổn định, không bị xáo trộn nhiều. Ban Tổ chức Nhân sự Tập đoàn sẽ lên phương án đưa công nhân ở các mỏ đang phải dừng sản xuất để khắc phục sự cố sang làm việc tại các đơn vị khác. Trước mắt, Tập đoàn sẽ đưa một số công nhân Công ty than Mông Dương sang Công ty than Khe Chàm làm việc. CHUNG TAY CÙNG ĐỊA PHƯƠNG Mặc dù cũng phải chịu thiệt hại không nhỏ về thiết bị cũng như phải gồng mình, hết sức khẩn trương khắc phục sự cố cứu mỏ trong đợt mưa lũ này, nhưng với tinh thần sát cánh cùng địa phương trong mọi điều kiện hoàn cảnh, lãnh đạo Tập đoàn TKV đã gần như không bỏ qua một tình huống nào trong việc phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương khắc phục những thiệt hại của nhân dân. Lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị vừa tập trung khắc phục sự cố cứu mỏ, vừa phối hợp sơ tán nhân dân ra vùng an toàn, tìm kiếm cứu nạn và chia sẻ với những gia đình bị nạn. Ngay trong đêm đầu tiên, tại vùng trũng Ngã Hai thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, nước dâng cao đã làm 60 hộ dân tại khu vực này bị mất nhà cửa, Công ty than Quang Hanh đã kịp thời đưa nhân dân về khu vực tập thể công nhân của Công ty, bố trí nơi ăn chỗ ở và các nhu cầu thiết yếu giúp nhân dân các hộ gia đình này vượt qua khó khăn. Nhận được tin các hộ gia đình thuộc phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long bị vùi lấp do sạt lở đất, Trung tâm Cấp cứu mỏ và Công ty than Hòn Gai đã bố trí 50 công nhân và các thiết bị xe máy đến phối hợp cùng với đội cứu hộ của thành phố ứng cứu và tìm kiếm người mất tích. Sau khi tìm được thi thể các nạn nhân, để động viên và giúp đỡ các gia đình bị nạn trong cơn hoạn nạn, lãnh đạo Đảng ủy, Chuyên môn, Công đoàn,  Đoàn thanh niên Tập đoàn và các đơn vị đã đến thăm hỏi và giúp đỡ các gia đình tổng số gần 240 triệu đồng. Sau 5 ngày vật vã trong mưa lũ, nhân dân trên địa bàn Quảng Ninh phải chịu quá nhiều mất mát: 17 người chết trong đó đau thương có những gia đình mất cả cha mẹ, con cái; hàng trăm gia đình mất nhà cửa; giao thông tại nhiều vùng bị tê liệt; thiệt hại về tài sản lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ngay trong ngày đầu tiên, lãnh đạo Tập đoàn đã ủng hộ nhân dân bị lũ lụt số tiền 10 tỷ đồng. Công đoàn TKV cũng nhanh chóng nắm bắt tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ tại các đơn vị trong Tập đoàn. Sơ bộ qua báo cáo nhanh của các đơn vị, số gia đình công nhân bị thiệt hại đặc biệt nặng nề về nhà ở cần hỗ trợ khẩn cấp lên tới hơn 140 hộ tập trung ở Công ty than Quang Hanh (69 hộ), Công ty CP than Mông Dương (36 hộ), Công ty than Hòn Gai (17 hộ), Công ty CP than Núi Béo (07 hộ), Công ty than Khe Chàm (04 hộ), Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả (03 hộ), Công ty CP than Cọc Sáu (02 hộ); Công ty than Dương Huy, Công ty CP than Hà Tu, Xây dựng mỏ Hầm lò I mỗi đơn vị có 01 hộ. Ngoài ra qua thống kê chưa đầy đủ còn có hơn 200 hộ gia đình CNVCLĐ bị ngập nặng và mất mát tài sản. Công đoàn các Công ty đang khẩn trương phối hợp với đơn vị rà soát, có biện pháp hỗ trợ kịp thời các gia đình đang gặp khó khăn, với mức hỗ trợ tạm thời tại các đơn vị cho mỗi hộ gia đình từ 3 -:- 10 triệu đồng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong đợt mưa lũ này, thiệt hại của toàn bộ các đơn vị thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều đơn vị phải sau thời gian dài mới có thể trở lại sản xuất bình thường. Song, cũng trong cơn bĩ cực những nghĩa cử nhân văn của Thợ mỏ càng sáng lên, đó chính là những giá trị gốc rễ của tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” “Tương thân tương ái” mà giai cấp công nhân mỏ sẵn có trong mình. PV