Tỉnh Xaysomboun (Lào): Điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư Việt Nam

00:00 12/10/2020

Ngày 5/4/2016, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm xúc tiến Thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Xaysomboun (Lào) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Xaysomboun (Lào) năm 2016. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo chính quyền TP Hồ Chí Minh và tỉnh Xaysomboun, cùng đại diện của hơn 200 doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành cả nước. Hội nghị đã giới thiệu đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệptiềm năng, chính sách ưu đãi đầu tư và các dự án đang kêu gọi đầu tư của tỉnh Xaysomboun. quang-canh-hoi-nghi-xuc-tien-dau-tu Theo đó, tỉnh Xaysomboun được thành lập cách đây hơn 2 năm, có diện tích tự nhiên 8.500 km2, dân số hơn 80 nghìn người, với nhiều tiềm năng về sản xuất nông lâm nghiệp, du lịch, thủy điện, năng lượng và khoáng sản… Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, chính quyền tỉnh Xaysomboun đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài liên quan đến thuế, quyền sử dụng đất, nguồn vốn, khuyến khích đầu tư hạ tầng cho giáo dục, y tế… Tại Hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam và đại diện chính quyền, nghành chức năng của tỉnh Xaysomboun đã cùng trao đổi các vấn đề liên quan đến các chính sách đầu tư, quy trình đầu tư tại tỉnh Xaysomboun. Lãnh đạo tỉnh Xaysomboun cũng đã khẳng định vai trò to lớn của các nhà đầu tư đến từ Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng trong việc thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Xaysomboun thời gian qua, bày tỏ mong muốn và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh và Việt Nam, qua đó thể hiện sâu sắc truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào.   Giàu tiềm năng vốn có Với điều kiện tự nhiên vốn có, tỉnh Xaysomboun (Lào) có 4 nghành tiềm năng thu hút các nhà đầu tư  nước ngoài nói chung và Việt Nam nói riêng trong tương lai gồm: * Tiềm năng về năng lượng và mỏ:Tỉnh có nhiều sông suối phù hợp với việc xây dựng hơn 30 nhà máy thủy điện công suất lớn và công suất trung bình. Trong năm vừa qua, Chính phủ đã cấp phép đầu tư phát triển 20 dự án xây dựng nhà máy thủy điện trong đó có 2 nhà máy đã và đang hoạt động sản xuất như: Nhà máy thủy điện Nặm Lợc với tổng công suất 60 MW và nhà máy thủy điện Nặm Ngừm 2 với tổng công suất 615 MW. Hiện có 7 nhà máy điện đang trong quá trình xây dựng gồm: Nặm Ngừm 3, Nặm Phày, Nặm Nghiệp 1, Nặm Nghiệp 2, Nặm Chiên, Nặm Xăn 3D và Nặm Pha Nhày. Đồng thời, tỉnh có 2 dự án thủy điện đang trong giai đoạn ký hợp đồng thuê tài sản và đất đai của nhà nước gồm thủy điện Nặm Phuôn; thủy điện Nặm Bạc 2 và 9 dự án thủy điện khác đang khảo sát nghiên cứu. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều loại quặng vàng, bạc, đồng, sắt, đá ca-ra-nitvà các quặng khác. Trong thời gian qua, Chính phủ đã cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy chế biến vàng tại bản Phu Khăm, huyện Ặ Nụ Vông; nhà máy chế biến vàng bản Huội Xai và hiện đang khảo sát mỏ đồng tại bản Om huyện Ặ Nụ Vông. Đã có có 12 công ty đang kinh doanh nghành khoáng sản với 14 dự án. * Tiềm năng về nghành công nghiệp chế biến: Tỉnh có tổng cộng 159 nhà máy, trong đó gồm 20 nhà máy cỡ lớn, 51 nhà máy cỡ trung bình và 88 nhà máy nhỏ mô hình hộ gia đình. Người dân có truyền thống thủ công nghiệp về đan, sản xuất các sản phẩm đặc trưng như:  Mâm để thức ăn, rỏ, chậu... đồng thời có tay nghề về dệt may và sáng tạo, chế biến nhiều sản phẩm đặc trưng khác. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng và mở rộng mạng lưới giao thông đến vùng nông thôn nhằm phục vụ việc sản xuất hàng hóa và thu hút nhà đầu tư nội địa cũng như nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nghành nông nghiệp sạch, khai thác khoáng sản, thủy điện và nghành đánh bắt thủy hải sản. * Tiềm năng về nghành du lịch: Tỉnh có 50 địa điểm có thể khai thác làm điểm du lịch với các loại hình: Du lịch sinh thái 38 địa điểm, du lịch văn hóa 3 địa điểm và du lịch lịch sử 9 địa điểm như: Thác nước, rừng, thiên nhiên núi Bỉa (thiên nhiên Phu Bỉa), núi Mọc (núi phủ sương), nếp sống, phong tục tập quán của các dân tộc và một số điểm du lịch khác. Bên cạnh đó, tỉnh có 599.570 ha rừng, chiếm 74% của diện tích tỉnh trong đó rừng bảo tồn (rừng không được khai thác gỗ) chiếm 32.260 ha, rừng bảo vệ (không được khai thác gỗ và khác trừ trường hợp đặc biệt mà được cấp phép từ chính phủ) 437.790 ha và rừng có thể khai thác phát triển thành điểm du lịch. * Tiềm năng về nông - lâm nghiệp: Tỉnh có diện tích 138.340 ha đất nông nghiệp trong đó đất ruộng 11.963 ha, đất trồng cây cao su 6.835 ha, đất trồng sắn 1.291 ha, đất trồng ngô 2.130 ha và đất trồng trọt khác. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều dòng sông như: Nặm Ngừm, Nặm Mơi, Nặm Bi, Nặm Xang, Nặm Ào, Nặm Òm, Nặm Phá, Nặm Chẳng, Nặm Mổ, Nặm Xan, Nặm Xăn, Nặm Phược, Nặm Tài, Nặm Nghiệp, Nặm Thong, Nặm Phuôn, Nặm Thèng và nhiều sông suối khác không chỉ có vai trò quan trọng đối với nghành trồng trọt, chăn nuôi, mà còn đối với đánh bắt thủy hải sản.  Chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư Các hoạt động kinh doanh phổ biến do Sở Công Thương phê duyệt và cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Các nhà đầu tư có ý định đăng ký kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh phổ biến có thể nộp đơn theo mẫu đăng ký kinh doanh cho cán bộ phụ trách đăng ký kinh doanh (Phòng đăng ký kinh doanh & quản lý doanh nghiệp, Sở Công Thương) để kiểm tra, phê duyệt và Giấy phép đăng ký kinh doanh sẽ được cấp trong vòng 3 ngày, kể từ ngày nhận được sự đồng ý của nghành liên quan. Tỉnh Xaysomboun có chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư quan tâm đầu tư theo Luật Xúc tiến đầu tư của Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào số 02/Quốc hội, ngày 8/7/2009 và Nghị quyết thực thi Luật xúc tiến đầu tư số 119/Thủ tướng ngày 20/4/2011. Đối với hoạt động kinh doanh thuê tài sản Nhà nước, chính sách ưu đãi về xúc tiến đầu tư khu vực 1 (khu vực có cơ sở hạ tầng thuộc vùng núi hẻo lánh được hưởng ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất) như: * Ưu đãi về thuế: - Hoạt động kinh doanh nằm trong danh sách khuyến khích mức 1 được miễn thuế lợi nhuận 10 năm, mức 2 được miễn thuế lợi nhuận 6 năm và mức 3 được miễn thuế lợi nhuận 4 năm. Việc miễn thuế thu nhập được tính kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh. - Miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc, phương tiện vận chuyển phục vụ sản xuất trực tiếp. - Miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm xuất khẩu thông dụng. * Ưu đãi về quyền sử dụng đất: Cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua quyền sử dụng đất với nhà nước với các điều kiện như sau: - Có vốn điều lệ đăng ký từ 500.000 USD trở lên. - Đất nhà nước quy hoạch và có diện tích không quá 800 m2. - Chỉ dùng cho mục đích xây nhà ở hoặc làm văn phòng kinh doanh. - Doanh nghiệp không có trụ sở trên vũng lãnh thổ Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được phép mua quyền sử dụng đất với nhà nước một lần. * Ưu đãi về vốn: Nhà đầu tư có thể vay vốn từ các ngân hàng kinh doanh hoặc các tổ chức tài chính tín dụng khác tại Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào hoặc tại nước ngoài theo quy định của pháp luật. * Ưu đãi khuyến khích đầu tư chuyên nghành: Xây dựng bệnh viện, trường mầm non, trường học (cấp1, cấp 2 và cấp 3), trường đào tạo nghề nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, một số hoạt động công cộng sẽ được ưu đãi miễn tiền thuê đất 15 năm và được miễn thuế lợi nhuận thêm 5 năm với mức ưu đãi đã được nêu ở trên. Với tiềm năng, thế mạnh tự nhiên vốn có cùng chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Xaysomboun (Lào) sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Việt Nam trong thời gian tới. Bài và ảnh: Anh Đức (Văn phòng Đại diện phía Nam)