Tình Muối

00:00 12/10/2020

(DNHN): Thái Bình có hai huyện ven biển có nhiều xã làm nghề muối đó là xã Đông Minh, huyện Tiền Hải và xã Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường, Thái Thụy (Thái Bình) được thiên nhiên ưu ái với biển lúa vàng thơm và đồng muối trắng tinh mang vị mặn nồng tình biển cả. Đó là thành quả lao động vĩ đại trong công cuộc doanh điền lập ấp của vị Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, tạo cho Tiền Hải và Thái Thụy dải đất ven biển của Thái Bình cấu trúc làng nội đồng và làng ven biển, tạo ra phương hướng phát triển mới có tính quy hoạch bền vững, lâu dài của một vùng đất thuần nông. Những dải đất bãi bồi ven biển thuận phát triển nghề truyền thống làm muối, trồng cói, nuôi trồng thủy hải sản... Trải qua bao biến thiên xã hội, từ một vùng đất hoang vu, sình lầy, sú vẹt, dưới sức lao động của con người, xã Đông Minh và các xã Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường, huyện Thái Thụy có đồng muối trắng, đậm, chắc hạt, rộng lớn trăm héc ta mà thiên nhiên ưu ái ban tặng...

“Tay bưng đĩa muối chấm gừng

Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau”

Hệ thống sông ngòi thau chua rửa mặn. Hệ thống tưới tiêu cải tạo nội đồng, đất đai màu mỡ, lúa, dâu tươi tốt. Người dân vùng ven biển Thái Thụy và Tiền Hải luôn chịu đựng trước bão táp và sóng gió, nơi đồng chua nước mặn, họ vật lộn với thiên nhiên để bám đồng, bám ruộng mưu sinh. Dẫu vậy, nơi đầu nguồn biển cả cái chất của những diêm dân vẫn cần cù chịu sương, chịu nắng, nồng nàn, nhân hậu, khảng khái, trung nghĩa…bản chất ấy đã góp phần làm lên niềm tự hào trong suốt những năm tháng chống trọi với giặc dã, với thiên nhiên để sinh tồn và góp phần cùng nông dân các huyện nội đồng trong tỉnh làm lên nhiều chiến công vang dội.

muoi-diem-dien-minh-son

Hình ảnh thu hoạch muối trên cánh đồng muối Minh Sơn - Diêm Điền Thái Thụy Thái Bình

Nhớ lại những năm 1984 1986 của thập kỉ 80, lúc đó TS Cao Sĩ Kiêm làm Bí thư huyện ủy Thái Thụy. Thực hiện chủ trương quai đê Xuân Hải (tên gọi tắt của 2 xã, là xã Thụy Xuân và xã Thụy Hải) lấn biển của Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ Thái Bình, ông đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng tham gia lấn biển hàng ngàn người, trong đó có hàng chục trung đội dân quân tự vệ các xã trong huyện, là lực lượng nòng cốt đã vật lộn với sóng to gió cả vận chuyển hàng chục vạn mét khối đất đá lấn biển…Để đến hôm nay, đã tạo lên hàng trăm ha mặt nước đang được bà con hai xã Thụy Xuân và Thụy Hải khoanh vùng nuôi thủy hải sản, tạo ra giá trị lớn về kinh tế xã hội trên địa bàn. Đặc biệt phía ngoài đê quai, đã trồng mới  hệ thống cây vẹt, cây lậu chắn sóng tạo thành vành đai xanh vững chắc ngăn sóng biển, trải dài cả chục km dọc ven biển huyện Thái Thụy. Không xa nữa, với diện tích như vậy và cả những bãi bồi do sông Hóa và sông Trà Lí bồi đắp thêm Thái Thụy có thể tiếp tục đẩy sóng ra khơi thành lập được một xã mới Xuân Hải như chủ trương của tỉnh và ý chí của lòng dân mong muốn. Sông Hóa, sông Thái Bình, đem phù sa từ thượng nguồn xuôi về bồi đắp nên vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, mang theo rất nhiều thủy hải sản,... Thời kỳ đổi mới, đời sống người dân Tiền Hải, Thái Thụy và nông dân các huyện khắp vùng quê Thái Bình  đã được cải thiện, nhiều hộ có của ăn của để, bộ mặt làng quê điện, đường, trường, trạm, thông tin đã về đích cả nước những năm tám mươi của thế kỉ trước, nay càng khang trang, đẹp đẽ. Ngành muối nước ta là ngành hàng cổ xưa, gắn liền với sự mở mang bờ cõi hướng ra phía biển Đông. Sản lượng muối toàn cầu hiện nay vào khoảng 260 triệu tấn/năm. Việt Nam có bờ biển dài, rất thuận để phát triển nghề muối, để cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Song song với việc cơ giới hóa các đồng muối cho năng suất cao đạt chuẩn quốc tế, dân làm muối mong ước Nhà nước xây dựng các bệnh viện ngành nghề, dọc ven biển để chăm sóc sức khỏe cho người phơi mình dước nắng hè bỏng rát làm ra những hạt muối trắng tinh, đậm đà tình biển cả.

ba-chua-muoi

Lễ hội Bà Chúa Muối

Con dâu của Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông là Tam phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh cũng làm nghề trồng muối ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy,Thái Bình, có chân hàng, kho hàng cung cấp muối bán đi khắp mọi miền đất nước. Nàng có nhan sắc xinh đẹp như hoa, phong thái dịu dàng khác người, trong một lần chở thuyền muối đi bán, tình cờ gặp thuyền vua Trần Anh Tông đi kinh lí qua sông. Muối se duyên trời định. Bước lên thuyền rồng, người con đồng muối được nhà vua rất sủng ái, vẫn quan tâm phát triển nghề. Dân gọi Bà là “Bà Chúa Muối”, và sau này tôn Bà làm Tổ nghề muối, thờ phụng ở xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình. Tri ân có đạo sắc phong của vua Khải Định triều Nguyễn, được nhân dân lưu giữ đến ngày nay. Đền thờ Bà Chúa Muối là một công trình kiến trúc đặc biệt kết hợp giữa đền và chùa. Từng có lời ca ngợi rằng “Cổ tích Thái Bình hưng quốc tự, bản cổ truyền chi danh lam, bảo Nam bang chi thắng cảnh...” (Khu đền chùa Thái Bình Hưng Quốc là nơi danh lam cổ truyền, là địa danh thắng cảnh quý báu nhất dưới trời Nam...) Năm 1963, đền bị tháo bỏ. Năm 1988, dân xây dựng căn nhà tạm để thờ Bà  trong khuôn viên chùa Hưng Quốc. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã cho khôi phục lại ngôi đền trên nền cũ. Nguyễn Thị Phúc (Thôn Trung Tiến, Tây An, Tiền Hải)