Tình huống pháp lý: Đòi lại tài sản đã “cho”: lý và tình!

00:00 12/10/2020

Sau một thời gian tìm hiểu, tôi và A được cha mẹ tổ chức đám ăn hỏi khi chưa đăng ký kết hôn. Sau khi đã tổ chức đám hỏi, gia đình tôi coi A như dâu con trong nhà nên tại lễ ăn hỏi, cha mẹ tôi cho em một cây vàng. Tuy nhiên, sau đó giữa chúng tôi xảy ra mâu thuẫn, ghen tuông nên đám cưới không được diễn ra như dự định. Cha mẹ tôi cho rằng họ nhà gái là người đưa ra lời hủy hôn trước nên phải đòi lại trang sức, quà tặng trong lễ hỏi, nhưng nhà A không chịu trả với lý do lỗi là do tôi và quà đã cho thì không có quyền đòi lại. Vậy Tòa soạn cho tôi hỏi: Cha mẹ tôi có quyền đòi lại tài sản đã cho A. không?
Ý kiến tư vấn: Cha mẹ anh cho cô A – con dâu tương lai – tài sản là 1 cây vàng: Bộ luật dân sự gọi hành vi này là “tặng cho” tài sản. Đối với một số loại tài sản đặc biệt như nhà ở, đất đai, ô tô, xe máy, tàu biển…để được công nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng, theo quy định của pháp luật, người chủ của chúng phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan Công an, Cục Hàng hải…). kien Việc “tặng cho” quyền sở hữu hay quyền sử dụng những tài sản này được pháp luật quy định chặt chẽ (thí dụ muốn chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng, bắt buộc qua hợp đồng công chứng, chứng thực; phải tiến hành các thủ tục chuyển quyền…). Nhưng, đối với tài sản là vàng, việc “tặng cho” (chuyển quyền sở hữu) đơn giản hơn; pháp luật hiện hành không buộc người chủ của nó (kể cả chủ cũ, chủ mới) phải đăng ký quyền sở hữu. “Tặng cho” vàng, về bản chất cũng là một giao dịch dân sự, nhưng không nhất thiết phải thông qua “hợp đồng dân sự” bằng văn bản thì giao dịch mới có hiệu lực. Bộ Luật dân sự “pháp lý hóa” hành vi cha mẹ anh Bình “cho” cây vàng tức là họ đã “chuyển giao quyền sở hữu” và “từ bỏ quyền sở hữu” đối với tài sản (cây vàng) ấy (Điều 248, Điều 249); hành vi này dẫn đến hậu quả pháp lý là “quyền sở hữu đối với tài sản (cây vàng) của người đó (cha mẹ anh) chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh sở hữu của người được chuyển giao” (Điều 248 Bộ Luật Dân sự). Căn cứ những quy định nêu trên, thì cô A là “người được chuyển giao” quyền sở hữu đối với cây vàng kể từ thời điểm cha mẹ anh B “chuyển giao” và “từ bỏ” quyền sở hữu tài sản này. Từ đây, với tư cách người chủ sở hữu mới của tài sản (cây vàng), cô A “có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản” quy định tại Điều 164 Bộ Luật Dân sự. Cô A có đủ ba quyền trong khi pháp luật lại không quy định khi một bên “tự ý hủy hôn” thì bên kia có quyền “đòi lại” tài sản đã cho, nên không có cơ sở để nhà trai đòi lại cây vàng. Tuy nhiên, nói đi thì cũng nên nói lại. Bên cạnh cái “lý”, Bộ dân sự cũng đặc biệt nhấn mạnh đến cái “tình” khi đề cao các nguyên tắc sau đây trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự: “Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận” (Điều 4), “Nguyên tắc bình đẳng” (Điều 5), “Nguyên tắc thiện chí, trung thực” (Điều 6), “Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp” (Điều 8). Theo đó, ứng xử tình huống này, hai bên gia đình có thể tham khảo những nguyên tắc kể trên, để từ đó, cùng nhau đi đến nhận thức chung: Về “lý”, bên nhà trai không có cơ sở “kiện” đòi lại cây vàng đã cho. Nhưng về “tình”, pháp luật không những cho phép mà còn khuyến khích sự thỏa thuận giữa các bên trong giao dịch dân sự. Hay nói cách khác, tuy nhà trai không có cơ sở đòi lại tài sản nhưng nếu nhà gái trả lại cây vàng cho “đối tác” thì pháp luật cũng không hề cấm đoán. Trong trường hợp này, “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Hy vọng rằng, trên tinh thần thiện chí, cùng nhau tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Không tham của người”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, những người “trong cuộc” tìm được tiếng nói chung.
  (theo congluan.vn)