Tín dụng chảy vào đâu?

00:00 12/10/2020

Tính đến hết tháng 8, tăng trưởng tín dụng đạt 11,5%. Với việc “bơm” tín dụng thêm từ 10-12% trong 4 tháng cuối năm, tương đương khoảng 550.000-660.000 tỷ đồng, liệu các lĩnh vực sản xuất có hấp thụ được khối lượng tiền khổng lồ như vậy trong thời gian ngắn? Vốn dồi dào Mặc dù đạt mức cao hơn cùng kỳ những năm gần đây, nhưng so với định hướng 21-22% mà Chính phủ gợi mở, tăng trưởng tín dụng qua 8 tháng đầu năm mới chỉ thực hiện được một nửa. Bốn tháng còn lại, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ phải dồn tăng nguồn tiền cho vay ít nhất bằng tốc độ của cả 8 tháng qua. Với yêu cầu này, NHNN phải đảm bảo có nguồn thanh khoản để các NHTM cho vay. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), đến cuối tháng 8/2017, các TCTD huy động ước đạt 9,1% so với cuối năm 2016, tốc độ huy động đang thấp hơn tăng trưởng cho vay. Tuy vậy, hiện thanh khoản của ngân hàng đang được thuận lợi từ nguồn cung, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN). Tính đến cuối tháng 8/2017, tiền gửi của KBNN tại các NHTM là khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm. Tư vấn cho khách hàng vay vốn tín dụng tại VPBank. Ảnh: Việt Dũng Trên thị trường mở, NHNN đã phải hút về ròng 32.632 tỷ đồng trong 8 tháng qua. Bên cạnh đó, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn, lạm phát nhiều khả năng trong tầm kiểm soát dưới 4%. NHNN mua thêm một lượng ngoại tệ đáng kể để tăng dự trữ ngoại hối, từ đó tăng cung VNĐ ra thị trường. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay là có thể đạt được, vấn đề là phải kiểm soát tín dụng. Có hấp thụ hết? Với mức tín dụng được điều chỉnh tăng từ 18% lên 21-22%, tổng mức tín dụng sẽ được “bơm” ra cho cả năm 2017 khoảng 1,155 – 1,21 triệu tỷ đồng. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), 4 tháng cuối năm, ngành ngân hàng phải tăng tốc giải ngân tín dụng khoảng 601.700 tỷ đồng mới có thể sử dụng hết room (hạn mức) tín dụng còn lại là 10,5% để đạt mục tiêu 22% cho cả năm. Vấn đề là liệu các lĩnh vực sản xuất có hấp thụ được khối lượng tiền khổng lồ như vậy trong thời gian ngắn? Nếu không, tiền sẽ chảy vào bất động sản, chứng khoán và gây nên các “cơn sốt” giá ảo như đã từng diễn ra trong quá khứ. Thực tế, dòng vốn cho nông nghiệp đang được hưởng ứng, khuyến khích song khả năng hấp thụ chỉ vào khoảng 30% số tăng trưởng phân khúc này. Lý do là khách hàng vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Theo TS Cấn Văn Lực, thông thường vào giai đoạn cuối năm có 3 lĩnh vực hút vốn nhiều nhất. Thứ nhất, là vốn cho vay kinh doanh thương mại, nhu cầu vốn chuẩn bị hàng hóa dịp Tết, dịch vụ ngắn hạn cuối năm. Thứ hai, lĩnh vực cho vay tiêu dùng, mua sắm, sửa chữa nhà cửa, mua ô tô... Thứ ba, giải ngân cho các dự án, công trình. Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, tín dụng hiện vẫn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, nhưng cũng thừa nhận bất động sản ấm dần lên là cơ hội tốt để tăng trưởng dư nợ tín dụng, nhất là đối với phân khúc khách hàng cá nhân mua nhà. Phía NHNN cho biết, chỉ tiêu hơn 20% là định hướng của Chính phủ chứ không phải chỉ tiêu pháp lệnh. Mặt khác, NHNN chủ động xây dựng các kịch bản TTTD từ nay đến cuối năm với mốc 22% theo hướng vừa đảm bảo tăng trưởng nhưng vẫn hạn chế tối đa tác động mạnh đến lạm phát và tỷ giá. Đến nay, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần cạn chỉ tiêu tín dụng được NHNN giao đầu năm như VIBBank, ACB, VP Bank, LienVietPostBank… Lãnh đạo nhiều nhà băng cho biết đã trình NHNN xin nâng room tín dụng để có thêm dư địa cho vay, song khả năng được xem xét dựa trên các tiêu chí và quy mô của từng ngân hàng. (Theo TRÂM ANH - Kinhtedothi.vn)