Tìm hiểu Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới

00:00 12/10/2020

Ngày 16-11-1972, tại Kỳ họp lần thứ 17 diễn ra tại Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản Thế giới 1972).
Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới của UNESCO là Công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo vệ di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Công ước giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương; bảo vệ bền vững không chỉ di sản thế giới mà còn bảo vệ các di sản văn hóa của mỗi quốc gia. Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới gồm 8 chương, 38 điều, đề cập tới những vấn đề hết sức quan trọng về di sản văn hóa và thiên nhiên trên thế giới; trong đó có định nghĩa về di sản văn hóa và thiên nhiên, Tiêu chí di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Ủy ban Di sản Thế giới). Ngày 4-12-1999, Tổ chức UNESCO đã ra quyết định công nhận Phố cổ Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới. Ảnh: Internet Theo Công ước Di sản Thế giới 1972, Di sản văn hóa gồm: - Di tích kiến trúc (monuments): các công trình kiến trúc, các công trình điêu khắc và hội hoạ kiến trúc, các bộ phận hoặc kết cấu có tính chất khảo cổ học, các bi ký, các hang động cư trú và những bộ phận kết hợp, mà xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu; - Nhóm công trình xây dựng (groups of buildings): các nhóm công trình riêng lẻ hoặc liên kết mà, do tính chất kiến trúc, tính chất đồng nhất hoặc vị thế của chúng trong cảnh quan, xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu; - Các di chỉ (sites): các công trình của con người hoặc công trình kết hợp giữa con người và thiên nhiên, cũng như các khu vực có các di chỉ khảo cổ học mà xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu.  Ngày 17-12-1994, UNESCO đã đưa vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mĩ. Ngày 2-12-2000, UNESCO tiếp tục công nhận vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất địa mạo. Ảnh: Internet Theo Công ước Di sản Thế giới 1972, Di sản thiên nhiên gồm: - Các cấu tạo tự nhiên (natural features): bao gồm các thành tạo vật lý hoặc sinh học hoặc các nhóm có thành tạo thuộc loại đó mà, xét theo quan điểm thẩm mỹ hoặc khoa học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu; - Các thành tạo địa chất và địa văn (geological and physiographical formations) và các khu vực được khoanh vùng chính xác làm nơi cư trú cho các loài động vật và thảo mộc bị đe doạ mà, xét theo quan điểm khoa học hoặc bảo tồn là có giá trị nổi tiếng toàn cầu; - Các di chỉ tự nhiên (natural sites) hoặc các khu vực tự nhiên đã dược khoanh vùng cụ thể mà, xét theo quan điểm khoa học, bảo tồn hoặc vẻ đẹp thiên nhiên là có giá trị nổi tiếng toàn cầu. Ủy ban về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Ủy ban Di sản Thế giới) là tổ chức Liên Chính phủ thuộc UNESCO, được thành lập vào năm 1976, theo Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới 1972. Ngày 25-6-2014, tại Phiên họp lần thứ 38 của Ủy ban Di sản Thế giới tổ chức tại Qatar, Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Thế giới, trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được UNESCO công nhận. Ảnh: Internet Đây là một ủy ban chuyên môn quan trọng nhất của UNESCO có quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới việc công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đánh giá tình trạng bảo tồn các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định về chủ trương, đường lối, cũng như định hướng phát triển của Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Từ năm 1977 (kỳ họp đầu tiên) đến năm 2015, đã có 39 kỳ họp Ủy ban Di sản Thế giới. Kỳ họp lần thứ 40 sẽ diễn ra tại thành phố Istalbul (Thổ Nhĩ Kỳ), từ 10 - 20/7/2016. Tính đến năm 2015, đã có 1.031 di sản, thuộc 163 quốc gia tham gia Công ước Di sản Thế giới 1972 được ghi danh là Di sản Thế giới (802 di sản văn hóa, 197 di sản thiên nhiên, 32 di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên). Việt Nam tham gia và trở thành quốc gia thành viên của Công ước Di sản Thế giới 1972 vào năm 1987. Tại Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 19 các quốc gia thành viên Công ước Di sản thế giới, tổ chức tại Trụ sở UNESCO ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp) từ ngày 19-11 đến 21-11-2013, trong thời gian diễn ra Kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng UNESCO, lần đầu tiên Việt Nam đã được bầu là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017). 21 thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013 - 2017, gồm các quốc gia: Algeria, Colombia, Croatia, Phần Lan, Đức, Ấn Độ, Jamaica, Nhật Bản, Kazakhstan, Hàn Quốc, Cộng hòa Lebanon, Malaysia, Peru, Philipin, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Quata, Senegal, Serbia và Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam có 8 di sản thế giới, gồm 5 di sản văn hóa (Quần thể Di tích Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ); 2 di sản thiên nhiên (vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) và 1 di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên (Quần thể Danh thắng Tràng An).
  (theo thegioidisan.vn)