Tìm giải pháp để nâng cao năng suất lao động

00:00 12/10/2020

Nâng cấp khu vực DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ vươn tới chuẩn mực quốc tế cũng như khơi gợi được sự năng động của mỗi người dân là giải pháp được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra tại Hội thảo "Tăng năng suất lao động (NSLĐ) để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam" diễn ra chiều 21/3 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Công nhân may hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty CP may 10. Ảnh: Thanh Hải

Sự chững lại trong chuyển dịch
NSLĐ mặc dù đã được cải thiện nhưng khoảng cách so với các nước trong khu vực Asean lại đang doãng ra: thấp hơn 10 lần so với Singapore, 5 – 6 lần so với Maylaysia, Philipine… Do đó, khả năng bắt kịp NSLĐ của các nền kinh tế hàng đầu trong các nước ASEAN là rất khó khăn. Dưới góc độ đo lường, PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, NSLĐ của Việt Nam thấp bắt nguồn từ môi trường làm việc, điều kiện làm việc, mật độ sử dụng công nghệ và nguồn vốn thấp.

Chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong việc “cởi trói” cho DN, tạo điều kiện cho các DN thành lập mới cũng như phát triển DN hiện có. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều rào cản cho sự ra đời và phát triển của DN, cụ thể là các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, công tác thanh tra kiểm tra
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Không chỉ thế, “lực lượng lao động giá rẻ không có kỹ năng còn rất lớn vẫn nằm kẹt trong khu vực nông thôn, địa bàn nông nghiệp nhưng không thể chuyển dịch sang ngành có NSLĐ cao hơn. Đây là vấn đề nghiêm trọng, nhức nhối của kinh tế Việt Nam. Còn khu vực có năng suất cao hơn như công nghiệp thì không được cải thiện nhiều. Hàng Việt Nam không có sự cạnh tranh lớn bởi vậy chúng ta không có thị trường, xuất khẩu được nhiều sản phẩm” – ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh. Ông Thành cũng chia sẻ, bản thân các ngành hấp thụ lao động cũng không được mở rộng, do chưa được mở rộng thị trường và sản xuất. Đây là phát hiện không mới.
Chỉ ra những vấn đề trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói: Khó khăn lớn nhất là vấn đề thị trường, phụ thuộc rất lớn vào năng lực cạnh tranh của chính khu vực công nghiệp. Vấn đề thứ hai là thể chế chính sách đối với phát triển DN.
Chính thức hóa hộ kinh doanh cá thể
Từ những yếu tố phân tích đã được nêu ra, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong thời gian tới có hai xu hướng cần phải thúc đẩy để tăng NSLĐ, chính là tiếp tục chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ thông qua sự thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của cộng đồng DN. Đồng thời cải cách mạnh mẽ thể chế, mở cửa hội nhập. Về thế, chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự ra đời và phát triển của các DN. Theo đó, trước hết cải tiến mạnh mẽ các thủ tục hành chính để khuyến khích DN đến năm 2020 Việt Nam đạt 1 triệu DN được thành lập mới và sau đó hướng tới mục tiêu cao hơn. Và, một trong những hướng đi hết sức quan trọng để nâng cao NSLĐ là chính thức hóa khu vực kinh doanh cá thể, hộ kinh doanh và thúc đẩy thành DN.
Vai trò và trách nhiệm của DN cũng được đặt ra trong bối cảnh mới của thị trường mở cửa hội nhập, đặc biệt là dưới tác động rất mạnh của cuộc cách mạng 4.0 và xã hội 5.0, các DN phải vươn tới chuẩn mực quốc tế và hướng tới ứng dụng những công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh. Như thế, lúc đó mới có khả năng thu hút thêm được lao động, tạo được nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ để đóng góp vào năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. “Tôi cho rằng, DN nhỏ và vừa là xương sống của nền kinh tế, cho nên cần nâng cấp được khu vực DN vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ vươn tới chuẩn mực quốc tế là điều kiện để nâng cao NSLĐ…. Và, không chỉ những DN lớn mới vươn tới thị trường toàn cầu mà DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ với sự trợ giúp của thương mại điện tử cũng hoàn toàn vươn ra thế giới” – ông Tiến Lộc nêu rõ.
Nhiều chuyên gia đều đồng tình với việc nâng cao NSLĐ, cạnh tranh toàn cầu phải trở thành nhận thức hàng ngày của từng DN. Một người bình thường trong cơ quan, anh lái xe, chị lao công cũng phải nghĩ tới nâng cao NSLĐ, chứ không phải đây là trách nhiệm của quản lý. Mọi người cũng kỳ vọng, phong trào nâng cao NSLĐ tại Việt Nam có sự lan toả trong hành động, suy nghĩ của mỗi người dân.

Bản thân mỗi con người cần có sự năng động về suy nghĩ và điều này người Việt Nam có. Ngoài sự chăm chỉ và thông minh, Chính phủ Việt Nam cần khơi gợi được sự năng động của mỗi người dân để biến thành hành động. Thứ hai, Việt Nam không chỉ là tập trung vào ngắn hạn, bán những cái điện thoại hay dệt may, da giày mà tập trung vào dài hạn để tạo ra những giá trị gia tăng.
GS.TS Kenichi Ohno – Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản

Thủy Trúc