Tìm cơ chế thoáng cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn

00:00 12/10/2020

Hai cuộc Hội nghị lớn về kết nối ngân hàng- doanh nghiệp vừa được tổ chức ở HN và TP HCM thể hiện những động thái thực tế xích lại gần nhau giữa ngân hàng và các doanh nghiệp nhỏ. Nhiều vấn đề về tín dụng cho DN nhỏ và vừa ( SME) đã được đặt ra tại Hội nghị để hai bên tìm tiếng nói chung…

Tìm cơ chế thoáng cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn

Ngày 18/4, tiếp nối thành công của Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp vừa tổ chức tại TP. Hà Nội, NHNN Việt Nam phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn TP.HCM.

Không tài sản thế chấp, làm sao vay vốn?

Đây là câu hỏi chung của hầu hết các DN tham gia hai cuộc Hội nghị ở hai đầu đất nước. Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM( HUBA) Trần Việt Anh nêu vấn đề:  đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), khi ký kết hợp đồng tín dụng, thường phải đưa ra tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay, thậm chí chủ doanh nghiệp SME phải đưa tài sản của gia đình, của vợ con ra thế chấp. Do đó, doanh nghiệp SME đang rất cần khối ngân hàng nâng hoạt động cho vay tín chấp, xét trên các yếu tố của hoạt động doanh nghiệp như dòng tiền, dự án, ngành nghề của doanh nghiệp... 

mo-xuong-san-xuat-nho-nen-san-8031-7444-

Xưởng sản xuất nhỏ rất khó vay vốn.

"Ngân hàng không nên nhất nhất yêu cầu doanh nghiệp SME phải có thế chấp. Cần cải tạo, có cơ chế thoáng hơn. Bởi thực tế việc được vay tín chấp đối với doanh nghiệp SME đang quá khó, trong khi đó, họ lại là nhóm doanh nghiệp yếu về tài sản, về thủ tục hành chính, rất cần có nhu cầu được hỗ trợ. Cần làm sao để hạn chế được tâm tư, nỗi lo của các chủ doanh nghiệp SME khi họ cứ phải mang tài sản cá nhân ra vay tiền", ông Trần Việt Anh nói.

Ông Trần Việt Anh nhấn mạnh: Ngân hàng không nên xa cách doanh nghiệp nhỏ . Những năm trước đây, đặc biệt trong giai đoạn khắc nghiệt 2008-2010, khi ngân hàng không dám giải ngân cho doanh nghiệp, 2 bên mất niềm tin với nhau, sáng kiến kết nối ngân hàng-doanh nghiệp được đưa ra, cơ quan quản lý địa phương cùng vào cuộc để doanh nghiệp gặp được ngân hàng, đã góp phần giải nút thắt khó khăn của giai đoạn đó.

Chia sẻ tại Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Hà Nội, bà Phạm Thị Phương Hoa, giám đốc công ty chuyên về nông sản và thực phẩm sạch tại Hà Nội cho biết, công ty khởi nghiệp từ năm 2013, đến nay đã có chuỗi 40 cửa hàng về thực phẩm sạch trên toàn quốc. 

Để thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bà Hoa đã "gõ cửa" nhiều ngân hàng nhưng đi đâu bà cũng nhận được câu hỏi: "chị có tài sản gì để thế chấp?". Do không có tài sản thế chấp nên đến nay doanh nghiệp của bà Hoa vẫn chưa thể vay vốn ngân hàng.

"Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đó là tài sản thế chấp", bà Trần Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho rằng do thủ tục vay ngân hàng khó đã khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ ngại vay vốn. Bà Hằng kiến nghị: "Ngành ngân hàng cần có các giải pháp để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn tốt hơn”

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng: Ở nhiều bộ phận hay nhiều địa phương vẫn còn tình trạng "thờ ơ" với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; Còn về phía doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch... "Chính điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng khi quyết định cho vay vốn", ông Thân chia sẻ. 

Lý giải nguyên nhân nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô nhỏ, đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chiến lược cụ thể. Sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp. 

Đặc biệt, năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo. Đây là những lý do chính ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cần thêm những giải pháp cụ thể

Phát biểu khai mạc Hội nghị tại TP. HCM, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá rất cao hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại địa bàn TP.HCM. Ông cho rằng, TP.HCM là cái nôi của chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để từ đó NHNN triển khai nhân rộng ra các tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước trong các năm vừa qua.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, trong năm 2019, tại địa bàn TP.HCM có 15 NHTM đăng ký tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký cho vay khoảng 269.262 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2019 các NHTM đã giải ngân được 9.122 tỷ đồng cho 1.100 doanh nghiệp theo chương trình nói trên.

Cũng theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP.HCM, trong thời gian vừa qua, ngoài chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, hoạt động cho vay hỗ trợ DN tại địa bàn thành phố cũng được các NHTM tích cực đẩy mạnh. Theo đó, các chương trình cho vay bình ổn thị trường và cho vay theo 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên cũng được hệ thống ngân hàng tham gia mạnh mẽ và gặt hái được khá nhiều kết quả.

Cụ thể, tính đến cuối 2018, các TCTD đã cho vay được khoảng gần 158.100 tỷ đồng đối với hơn 36.200 doanh nghiệp ở các lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, DN xuất khẩu, và DNNVV. 

Để tiếp tục phát triển mạnh chương trình này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị :"Các NHTM và các doanh nghiệp cần đưa ra những thảo luận, góp ý, đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể để tăng hiệu quả quá trình kết nối giữa hai bên”.  Ông Đào Minh Tú cho biết NHNN đang sửa quy định theo hướng tăng quyền chủ động cho ngân hàng để có cơ chế thoáng hơn trong việc cho vay tín chấp.

"Vấn đề ở đây là làm sao ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau và để tháo gỡ khó khăn. Các ngân hàng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tuấn Minh - một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng nông sản- kiến nghị: “các ngân hàng, nên thiết kế các gói vay tín chấp phù hợp với mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp".

Ông Từ Minh Thiện, phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, cho rằng: "Chính sách ưu đãi lãi suất chỉ áp dụng với các dự án đầu tư đổi mới công nghệ cao và có quy mô lớn, trong khi tiềm lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ dừng lại ở đầu tư từng phần, nhỏ lẻ”.

Ông Thiện cũng nêu ra thực tế các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn nhưng lại không đủ điều kiện vì quy mô lao động chỉ vài người, sản xuất nhỏ, không có tài sản thế chấp, không có tư cách pháp nhân. Với những doanh nghiệp này, họ không thể là khách hàng hoặc đối tác thực sự của ngân hàng để vay theo chính sách ưu đãi của Nhà nước. 

Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nêu ra một số những giải pháp trong đó giải pháp trọng tâm được Ngân hàng Nhà nước hướng đến trong thời gian tới đó là: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các văn bản hướng dẫn Luật, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn tổ chức tín dụng, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mỹ Hạnh

Tags: