Tiểu thuyết "Người thợ mộc và tấm ván thiên" qua góc nhìn của GS. Nguyễn Lân Dũng

00:00 12/10/2020

Nhà văn Ma Văn Kháng, tác giả của những tác phẩm văn học nổi tiếng: Vùng biên ải, Đồng bạc trắng hoa xòe, Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không giấy giá thú, Côi cút giữa cảnh đời, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, một mình một ngựa …; Giải thưởng Văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012.

  Ông có người bạn thân là GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng. Dù rất bận rộn nhưng GS. Nguyễn Lân Dũng vẫn dành thời gian để đọc và viết về tác phẩm và cuộc sống người bạn Ma Văn Kháng. Dưới đây là bài viết của GS, Nguyễn Lân Dũng về tiểu thuyết mới của Nhà văn Ma Văn Kháng.

nha-doanh-nhan

Nhà văn Ma Văn Kháng

maa-van-khang

Tôi viết bài này chỉ vì quá xúc động khi đọc cuốn tiểu thuyết mà Kháng cho là “có lẽ là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình tặng Lân Dũng”. Tôi đã nói ngay với Kháng:“ Mình kém bạn hai tuổi, lại mang hai stent trong động mạch vành rồi nhưng không bao giờ mình nghĩ đã viết xong cuốn sách cuối cùng đâu. Nói thế là nói dại. Còn sống còn phải viết, còn phải cống hiến”.

Đó là cuốn “Người thợ mộc và tấm ván thiên” mà Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành.

Tôi không tóm tắt cuốn tiểu thuyết này vì cốt truyện quá giản dị về một ông giáo bị trù giập phải đi học nghề mộc để nuôi vợ con và sau cùng là khuyên ông thầy dạy nghề mình đừng lấy ác để trả thù ác. Chỉ có vậy thôi mà tôi phải đọc rất chậm từng dòng, từng trang vì một lý khác. Đó là điều tôi muốn tâm sự với các bạn trẻ nào muốn có mộng ước viết văn.

Đó chính là phải biết chục, biết trăm mới viết thành một. Đó là sự tự học suốt đời qua cuộc sống quanh mình, qua kiến thức thu nhận được từ sách vở, từ bạn bè. Nó thấm vào máu thịt và chảy ra ngòi bút đúng lúc, đúng chỗ. Người đọc thấy thú vị đâu ở chỗ biết diễn biến của cốt chuyện mà chính là thấy mình học được thêm nhiều điều, khiến kiến thức của mình được bổ sung, tâm hồn mình được tắm mát thêm và niềm vui sống được nhân lên. Bạn không tin ư?. Bạn hãy đọc cuốn sách mà Kháng đặt rất nhiều khát vọng vào tác phẩm mà Kháng nghĩ là cuối cùng này .

Tôi thật khó dẫn chứng vì từng trang, từng dòng đều có những điều mà tôi chưa biết và muốn biết. Chẳng hạn như nghề mộc, từ chiếc cầu bào, bào thẳm dài, bào cóc ngắn, bào phá, bào thô, bào lấy mặt phẳng đường mực, cái giằng cưa, cưa ngang, cưa dọc, cưa hạt mướp, xẻ đứng, xẻ níu, mộng đơn, mộng kép, mộng mang cá, đầu mộng, cắt mộng, mũi đục bạt, mũi đục tám ly, mở mạch răng cưa, đặt góc, cắt lựa, điều khiển nhiệt để mặt tấm gỗ này cong vênh còn mặt kia phẳng lỳ, rửa cưa bằng giũa, độ giãn cách giữa lưỡi bào và trục bào, pho bào dài hai mét không được đứt đoạn... Không phải là một giáo trình khô khan về nghề mộc mà xen vào mạch truyện mà đưa vào một cách rất tự nhiên, nhuần nhuyễn.

Có thể kể rất nhiều ví dụ như vậy. Chẳng hạn về dân tộc Giáy của cô Thắm, vợ của thầy giáo Quang Tình. Dù bạn chưa biết đến bao giờ dân tộc ít người này nhưng đọc sách xong coi như bạn đã hình dung rất sâu đậm về con người, lối sống, phong tục, tập quán, văn hoá, tình cảm của dân tộc Giáy. Những từ viết nghiêng trong tiếng Giáy tạo nên một hình ảnh rất sống động như ta đang ở trong bản làng người Giáy vậy.

Một câu chuyện về một thầy giáo mà nói lên được biết bao biến động của xã hội trong một giai đoạn khá dài. Từ Hiệu trưởng Hú xuất thân từ bần nông, được bắt rễ trong cải cách, rồi học bổ túc, làm đội phó, dần dần lên tới Trưởng phòng giáo dục Huyện và Hiệu trưởng trường Bổ túc văn hoá công nông. Thông qua một con người ngu dốt, hãnh tiến, gian ác, hèn hạ, thủ đoạn, xảo trá mà ta hình dung ra cả một giai đoạn đất nước gánh chịu biết bao thảm cảnh của những sai lầm trong Cải cách ruộng đất.

Kiến thức từ các câu ngạn ngữ trong và ngoài nước, từ các câu vè giản dị của người dân đến những đoạn thơ hay của của các nhà thơ nổi tiếng được đưa vào một cách tự nhiên nhưng người đọc hầu như muốn lấy sổ ra để ghi lại.

Tôi thật sự giật mình khi gặp ở nhiều trang trong tiểu thuyết này những từ tiếng Việt rất dân giã mà mình ít biết đến, như là sáng tạo ngôn ngữ vậy. Đó là: tréo khoeo, vừa dợm bước chân, toà dương cơ của mình, cái vạ trời, văn thơ quốc thổ, sự sắp xếp của ông Tạo, bộ ngực bọ ngựa, ngũ quan phân miêng, thân hình thượng thu hạ thách, thẻo môi dưới thười thưỡi đỏ loè, đứt dóng chắc nịch, lật lọng trẹo khẩu, loại ăn bốc ngồi xổm, tiếng kêu xoe xoé, giọng nghiêm ngắn, xanh rườm cây cỏ, không gian thênh thoáng, hành động thành nghi biểu, bằng bặn như cắt gọt, tao tác inh ỏi, nét cười lệch miệng, cúng quải chu đáo, chuyện vân vi quanh điếu thuốc, hai cánh cửa long đinh oẻ sang hai bên, con người duy cảm, đừng tự nhiên nhi nhiên như thế, chất ngất ba tầng toàn sách, nhỏ phịt bãi nước bọt, nghe xốc xáo cả tim gan, thểu thảo xin bát nước rau, thằng thúc trong con người thầy, gương mặt mỏng quẹt, cũng đài đệ và chao chát ra trò, oa trữ đồ gian phi, run lẩy bẩy như tín đồ trước linh vật,  tít mít hai con mắt kẻ chỉ, khúc nhôi chuyện đời, rộn rực hết cả người, sự tinh tế và bí nhiệm, phóng bút nên văn, có danh diện trước cuộc đời, một không gian lên hương, phường du đãng phóng dật, dòng thác đổ xuống một hủm đá sâu,  nức lên từ lồng ngực, sẽ khắc khảm mãi mãi, ông gục gặc cái cần cổ dài kêu hẹ hẹ trong cổ họng, sợ chó liếm mất mực à, để bếp lò tơ hơ tai hoái thế kia, bợm bãi thế chứ nữa cũng là chuyện thường, sống với các điển chế chặt chẽ như các thầy tu ham mê tín điều, tiếng cười đùa càng lúc càng nhôn nhao, mồm chú là cái sẹo gỗ, cùn cụt đi ra ngõ, thèn lẹn tý chút, nhe hàm răng cặn xỉ, hai cái xung lực ngụtnluwar quyết sốn mái với nhau...

Viết nữa thì nhiều vô kể. Đúng là như Kháng thường tâm sự với tôi: “Ai câu chữ gì hay là mình ghi lại ngay kẻo quên”. Cái kho tàng chữ nghĩa ấy mới quý biết bao!

Trong cuốn truyện này những hình thái, tâm lý, tình cảm của từng nhân vật được lột tả đến mức nếu dựng thành phim chắc chẳng còn mấy khó khăn cho biên kịch và đạo diễn. Biết bao chuyện xấu xa có thực của xã hội trong từng giai đoạn nhưng không làm người đọc nghĩ sai về dân tộc, về đất nước. Bởi vì bên cạnh không ít những khuôn mặt dốt nát, xấu xa, tham lam, hèn kém còn có biết bao những người lao động chất phác, chân thực, quả cảm và đầy nghị lực. Đó là cái tài của người viết mà không dễ mấy ai làm được một cách thật tự nhiên như cuộc sống thực. Tôi thật sự xúc động khi nghe thầy Quang Tình nói với vợ: “Em ơi, tất cả sẽ qua đi. Tất, tất cả sẽ chẳng còn lại dấu vết gì trên thế gian này. Cả những cái gọi là âm mưu đớn hèn, cả tội ác, cả lừa lọc và ngu xuẩn. Chỉ còn lại một thứ duy nhất là tình yêu thương con người với con người em à...”

Tôi viết mấy dòng này với mong muốn mọi bạn trẻ nên tìm đọc cuốn tiểu thuyết mà theo tôi là quá hay này. Các bạn sẽ hiểu hơn xã hội chúng ta cả cái thành công và những sai lầm đáng tiếc, hiểu hơn về con người thật với cái tốt cái xấu đan xen. Từ đó chúng ta tự hướng mình đến con đường nhân ái, tích cực, tự giác và tránh xa những cạm bẫy không khi nào hết được quanh ta. Điều thứ hai tôi muốn tâm sự với các bạn trẻ muốn viết văn, dù chỉ là một phóng viên, một người làm thơ hay tập sự viết truyện ngắn, truyện dài hãy nhớ rằng “viết văn là nghề khó nhất”. Hơn thế nữa, viết chắc không phải là một “nghề kiếm sống” mà là một “nghiệp vẻ vang nhưng vô cùng gian khổ”. Cần sống tốt, cần quan sát kỹ cuộc sống và cần thu lượm càng nhiều càng tốt mọi kiến thức có thể tích luỹ được.

Hơn mọi nghề, nghề viết cần nhớ câu “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Đừng hy vọng viết được ngay những cuốn tiểu thuyết có giá trị như cuốn này và nhiều cuốn khác của Ma Văn Kháng nếu không thật sự có quyết tâm tích lũy từng ngày, từng tháng, từng năm vì một khát vọng thật sự với văn chương.

Nguyễn Lân Dũng