Tiếp tục “để mắt” doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá

00:00 12/10/2020

Đó là một trong những thông tin được Bộ Tài chính đưa ra Hội nghị trực tuyến với Lãnh đạo UBND 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nhằm đánh giá công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, tổ chức ngày 18/10 tại Hà Nội.

Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Theo số liệu của Bộ Tài chính, 9 tháng năm 2018, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 962.500 tỷ đồng, bằng 73% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã thực hiện được 63.665 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 11.273,83 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.108,73 tỷ đồng; giảm lỗ là 17.781,8 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế đã đôn đốc nộp vào ngân sách là 6.400,4 tỷ đồng. Ngoài ra, sau khi thực hiện các biện pháp đôn đốc nợ thuế, cơ quan thuế đã xử lý thu hồi được 25.382 tỷ đồng trong 9 tháng.

Các giải pháp chống thất thu của cơ quan hải quan như thu hồi nợ thuế, thu từ công tác kiểm tra sau thông quan, chống buôn lậu, chống thất thu qua công tác xác định lại mã số, trị giá hàng hóa… đạt 3.925,59 tỷ đồng. 
Đại diện Bộ Tài chính cho hay, từ đầu năm 2018, cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp quản lý thu. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ, đối thoại với DN; ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế, hải quan; minh bạch, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế hiệu quả…
Thừa nhận nhiệm vụ thu ngân sách quý IV là nặng nề, Bộ Tài chính cho biết, đã trình báo cáo Chính phủ quyết tâm triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp công tác quản lý thu, chống thất thu, mở rộng cơ sở thuế, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý thu, nhất là khu vực kinh tế dân doanh. Theo đó, Bộ đẩy nhanh tiến độ triển khai, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế. Bố trí đầy đủ lực lượng cho công tác thanh tra, kiểm tra các DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, DN có hoạt động liên kết, DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá; các DN kinh doanh thương mại điện tử, các DN có phát sinh thuế nhà thầu, các hoạt động chuyển nhượng vốn... Bộ cũng yêu cầu các cơ quan thuế, hải quan tổ chức đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản phải thu theo kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào ngân sách Nhà nước. Cơ quan thuế tham mưu cấp ủy và chính quyền cùng cấp chỉ đạo cơ quan công an và các cơ quan ban ngành triển khai thực hiện quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế; phối hợp với cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế cũng sẽ được cơ quan thuế triển khai quyết liệt và tích cực. Phân công, giao nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế thu nợ cụ thể đối với từng cán bộ công chức. Tăng cường kiểm tra rà soát, xác định đầy đủ số thuế nợ đọng của từng người nợ thuế. Một giải pháp quyết liệt khác là công khai danh tính các DN chây ì nợ thuế cũng sẽ tiếp tục được cơ quan thuế triển khai để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ.

Nha Trang