Tiếp bài “Nỗi niềm... doanh nghiệp đáo hạn”: Bắt đúng “bệnh” để có giải pháp tháo gỡ

00:00 12/10/2020

Qua tìm hiểu, đây là thực trạng của không ít doanh nghiệp. Dù phải trả lãi ngày cao nhưng tín dụng “đen” dường như vẫn là “cứu cánh” cho doanh nghiệp. Thực tế, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng được ví như “liều thuốc thử” đối với sức khỏe của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ việc vận dụng chính sách đến thực tế đã nảy sinh không ít bất cập, cần bắt đúng “bệnh” để có các giải pháp tháo gỡ hữu hiệu cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

PGS. TS Nguyễn Thị Mùi - chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia (bên trái)

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Mùi- chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: Vịêc vay tiền nhưng doanh nghiệp không trả đúng hạn ngân hàng có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do phía doanh nghiệp. Do xem xét thời hạn vay chưa hợp lý, đáng lẽ cần vay 12 tháng nhưng đôi khi doanh nghiệp lại vay kỳ hạn ít hơn. Ngược lại, có thể doanh nghiệp xác định thời gian chuẩn xác nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như hàng hóa làm ra chậm tiêu thụ, khó thu hồi nợ đọng sẽ không có tiền để trả nợ ngân hàng. Cơ chế chính sách thay đổi, thị trường thay đổi cũng là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh. Về phía ngân hàng, việc xác định, xem xét thời hạn cho vay đối với khách hàng chưa thực sự chuẩn xác khiến việc trả nợ của khách hàng gặp khó khăn. Cùng đó, ngân hàng cũng muốn cho vay với thời gian nhất định để quay vòng đồng vốn nhanh. Vấn đề chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ tín dụng cũng rất quan trọng trong việc thẩm định thời hạn hoàn vốn, nếu thẩm định thời hạn không chính xác thì đương nhiên sẽ dẫn đến việc khách hàng không có khả năng trả nợ.

 “Nếu đến hạn trả nợ mà do những nguyên nhân khách quan doanh nghiệp không trả được thì ngân hàng thường cơ cấu lại thời hạn nợ hoặc gia hạn nợ, thậm chí là cho vay mới để trả khoản nợ cũ. Thế nhưng, rất nhiều doanh nghiệp được cơ cấu nhưng vẫn không trả được, bị ngân hàng phạt nợ quá hạn với 150% lãi suất cho vay hiện hành nên đôi khi phải tìm cách này cách khác. Doanh nghiệp không chỉ vay tiền một ngân hàng mà còn nợ những khoản khác, còn những quan hệ khác với các ngân hàng khác nên đến hạn không trả không được. Do vậy, doanh nghiệp buộc phải đi vay tín dụng “đen” nhằm tránh bị liệt vào dạng nợ xấu để tiếp cận các khoản tín dụng với chính ngân hàng đó hoặc các quan hệ tín dụng với các ngân hàng khác”, bà Mùi phân tích.

Cũng theo bà Mùi, để tránh tình trạng bất cập nêu trên, các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin, minh bạch hoạt động tài chính, trong đó đã có cả minh bạch quản trị doanh nghiệp nhằm tạo niềm tin và chữ tín. Khi tạo được niềm tin và chữ tín thì không phải lúc nào doanh nghiệp cũng cần có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Về phía ngân hàng cũng cần thiết kế các gói sản phẩm phù hợp với từng yêu cầu của khách hàng, với thời gian cho vay hợp lý, để khách hàng tránh các rủi ro đến hạn không trả được nợ. Ở chừng mực nhất định, ngân hàng cũng cần nhìn nhận, cân nhắc rủi ro của ngân hàng đối với từng khách hàng.

Nếu cứ đến hạn khách hàng chưa trả tiền được mà ngân hàng lập tức chuyển sang nợ xấu, đôi khi khiến cho doanh nghiệp rất khó khăn. Một vấn đề quan trọng nữa là ngân hàng phải nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ tín dụng, bởi nếu cán bộ tín dụng kiểm tra, giám sát, nắm bắt kịp thời mọi biến cố của doanh nghiệp sẽ tư vấn kịp thời cho doanh nghiệp việc sử dụng vốn hiệu quả

“Nói một cách đầy đủ hơn, rất cần rà soát, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý làm sao cho chặt chẽ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Đôi khi có yếu tố do rủi ro chính sách khiến cho doanh nghiệp không làm cách nào xử lý được thì cơ quan quản lý phải rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế chính sách để doanh nghiệp hoạt động trong hành lang pháp lý cho phép. Tăng cường kiểm tra giám soát cả trước, trong và sau vay, giám sát cả các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng Nhà nước chẳng hạn, hay các bộ, ngành có liên quan”, bà Mùi đề xuất.

Đề cập đến hạn mức cho vay của ngân hàng, ông Nguyễn Huy Dương, luật gia, nguyên cán bộ pháp chế Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), hiện là Chủ tịch HĐTV Công ty Đấu giá Hợp danh Avalue Việt Nam cho biết: Mỗi ngân hàng thương mại đều quy định hạn mức cho vay của từng chi nhánh trực thuộc dựa theo yếu tố “sức khỏe”, quy mô, trình độ quản lý … của từng chi nhánh trong hệ thống của mình. Tất nhiên, dựa trên quy định của pháp luật và điều lệ hoạt động của ngân hàng đó. Các điều lệ này (kể cả của Agribank) đều phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn y để đưa vào áp dụng.

Cũng theo ông Dương, việc cấp tín dụng (cho vay), đáo hạn của ngân hàng, nếu xét về mặt thuật ngữ ngân hàng, thật ra đấy là một giai đoạn của cashflow (dòng tiền); dòng tiền tốt, cân đối vào – ra, có kế hoạch, có hiệu quả là thước đo hoạt động tốt của doanh nghiệp, nó thường được tính toán bằng các chỉ tiêu tài chính khác nhau.

Ngân hàng thương mại bơm tiền, trong dòng tiền này, các quy định của nhà nước sẽ áp đầu nguồn thế này, trung nguồn thế này, hạ nguồn thế này và khi luân chuyển như vậy theo lý thuyết tài chính tiền tệ thì nó sẽ sinh ra tiền, sẽ có phần lãi (lợi nhuận) khi đi nó đi vào sản xuất kinh doanh hoặc dịch vụ. Bởi nếu không có phần gia tăng (lợi nhuận) thì sẽ không bù đắp được chi phí và bổ sung lợi nhuận của chính ngân hàng (bản chất cũng là một doanh nghiệp) và của doanh nghiệp đi vay. Tương ứng với từng đoạn như thế thì đã có văn bản của nhà nước áp vào, điều chỉnh đầu nguồn bao nhiêu, trung nguồn, cuối nguồn bao nhiêu, cho vay ủy thác cũng phải sinh lời. Từ đó dẫn đến, nếu có sự khớp nhau giữa hợp đồng tín dụng và thực tế của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì ổn thỏa. Ngược lại, chỉ cần một trường hợp bị lệch, ví dụ, hợp đồng vay quy định 6 tháng sau phải trả nhưng doanh nghiệp chưa có doanh thu, hàng tồn kho nhiều, chưa bán được dẫn đến ách tắc khiến cho cả ngân hàng cũng ảnh hưởng. Nếu không theo quy trình và dòng chảy như vậy sẽ nảy sinh khó khăn, từ đó là rủi ro về mặt kinh tế - tài chính và đi liền là rủi ro pháp lý phát sinh. Bù đắp cho những rủi ro đó thì phải là chi phí về mặt thời gian và lại phát sinh ra chi phí tài chính. Nếu doanh nghiệp không trả được nợ ở một thời điểm nhất định, ngân hàng sẽ xuất công văn báo động đã nợ xấu, đã đến hạn mà không trả được, đề nghị thu hồi nợ trước hạn, hoặc bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Chính vì thế việc doanh nghiệp phải xoay xở mọi cách, kể cả vay cầm đồ tạm thời hàng hóa, kho hàng,thậm chí quyền sử dụng đất hoặc tham gia vào tín dụng “đen” để đáo hạn là khó tránh khỏi.

“Để hạn chế rủi ro cho cả ngân hàng và doanh nghiệp, về mặt chính sách cần phải có quy định cho vay chặt chẽ hơn, phân định kỳ hạn cho vay tốt hơn. Dòng tiền khi đang chảy rất đẹp không biến động nhưng khi ách tắc và có vấn đề nào đó thì đấy chính là quan hệ pháp luật nẩy sinh trong thực tế; cần phải có các quy định, điều chỉnh bằng luật, phân định kỳ hạn nợ phù hợp hơn, uyển chuyển hơn, áp dụng từng đối tượng, ưu đãi tốt hơn, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp và nông thôn vì khu vực này chịu nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu nguồn vốn của mình, nâng cao năng lực tài chính để tăng sức khỏe thực sự, không thể phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng. Doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính của mình theo chuẩn mực quốc tế”, ông Dương phân tích.

PGS. TS Nguyễn Thị Mùi - chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: Để tránh tình trạng bất cập nêu trên, các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin, minh bạch hoạt động tài chính, trong đó đã có cả minh bạch quản trị doanh nghiệp nhằm tạo niềm tin và chữ tín.

Ông Nguyễn Huy Dương, luật gia, nguyên cán bộ pháp chế Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), hiện là Chủ tịch HĐTV Công ty Đấu giá Hợp danh Avalue Việt Nam: Nếu có sự khớp nhau giữa các cam kết trong hợp đồng tín dụng và thực tế của hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp thì ổn thỏa. Ngược lại, chỉ cần một trường hợp bị lệch, hợp đồng vay quy định 6 tháng sau phải trả nhưng tiền doanh nghiệp chưa về, hàng tồn kho chưa bán được hoặc có rủi ro thì sẽ dẫn đến ách tắc khiến cho cả ngân hàng cũng ảnh hưởng theo”.

Trí Khang