Tiên phong trong bảo tồn, phát triển sâm quý Ngọc Linh

00:00 12/10/2020

Sau hơn 20 năm bảo tồn và nhân giống, đến nay Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum đã phát triển được gần 500 ha sâm Ngọc Linh, trở thành đơn vị dẫn đầu sở hữu đa số diện tích sâm Ngọc Linh hiện có của tỉnh.

Công nhân chăm sóc vườn sâm giống của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum tại huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: VGP/Bạch Dương

Đây là điều kiện thuận lợi để tạo ra vùng nguyên liệu lớn, dần hình thành các chuỗi giá trị từ nuôi trồng đến sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trong tương lai gần.

Cách TP. Kon Tum trên 90 km, ở lưng chừng núi Ngọc Linh với độ cao hơn 2.000 m so với mặt nước biển, những cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đang vùi mình dưới lớp mùn “ngủ đông” để nuôi dưỡng củ. Đưa chúng tôi đi thăm 1 trong nhiều vườn sâm của Công ty, anh Trần Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum mới ngoài 40 tuổi cho biết: Cách đây hơn 20 năm, thông qua sách, báo, Công ty biết đến sâm Ngọc Linh là một loài sâm rất quý, đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh ở Kon Tum và Quảng Nam nhưng chưa có ai nhân trồng, chỉ khai thác trong tự nhiên. Vì vậy đã dẫn tới cạn kiện nguồn sâm ngoài tự nhiên và có nguy cơ tuyệt chủng.

“Với mong muốn bảo tồn và phát triển loài sâm quý để chăm sóc sức khỏe con người, năm 1997, tôi cùng một vài người anh em, bạn bè bắt đầu thu gom sâm Ngọc Linh do bà con các xã quanh vùng chân núi Ngọc Linh kiếm từ rừng về, vừa để sử dụng, vừa dùng các đầu mầm còn lại của củ sâm đem đi gây trồng. Việc nhân giống từ đầu mầm cho kết quả rất tốt, chỉ 2 năm cây đã bắt đầu cho hoa, hạt. Cứ như thế, Công ty vừa nhân giống bằng đầu mầm vừa nhân giống bằng hạt thu được từ cây đầu mầm. Qua nhiều năm nghiên cứu, trồng thử nghiệm, giờ thì Công ty đã tạo ra được một vườn sâm giống gốc hàng trăm ha. Mỗi năm sản xuất ra hàng triệu cây sâm giống”, anh Trần Hoàn tâm sự.

Anh Trần Hoàn kiểm tra vườn sâm trên núi Ngọc Linh. Ảnh: VGP/Bạch Dương

Được tỉnh Kon Tum cho thuê 5.000 ha rừng để trồng cây dược liệu và sâm Ngọc Linh, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã kết hợp với các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum và huyện Tu Mơ Rông vận động bà con đồng bào Xê Đăng cùng tham gia dự án “Trồng sâm Ngọc Linh gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng”.

Đến nay, Công ty đã ký hợp đồng liên kết trồng Sâm Ngọc Linh gắn với bảo vệ và phát triển rừng với 7 xã: Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Đăk Na (Tu Mơ Rông) và Mường Hoong, Ngọc Linh và Xốp (Đăk Glei) với sự tham gia của gần 400 hộ dân.

Ngoài việc trả lương, ăn ở cho người dân, từ năm 2011 đến nay, Công ty cũng đã cấp miễn phí mỗi năm hơn 50.000 cây sâm giống cho bà con tự phát triển trên quỹ đất của Công ty quản lý, dưới sự giám sát trồng và chăm sóc của Công ty. Công ty cũng đầu tư toàn bộ nguyên vật liệu để người dân trồng số sâm này, sản phẩm thu hoạch thuộc về người dân 100%.

Có thể nói, việc liên kết với các hộ dân mang lại nhiều lợi ích to lớn. Ngoài việc ổn định an ninh trật tự địa phương, người dân đã có những thay đổi tích cực trong việc giữ rừng, bảo vệ môi trường rừng để trồng dược liệu và sâm Ngọc Linh.

Các tổ, đội, nhóm, hộ đã được thành lập để quản lý vườn sâm, quản lý nguồn gốc cây sâm giống Ngọc Linh không cho bất cứ cá nhân nào mang cây ngoại lai, không rõ nguồn gốc vào vùng trồng cũng như tránh được tình trạng nhổ sâm non đem đi bán, ảnh hưởng đến việc nhân giống và mở rộng diện tích sâm.

Anh Lê Đức Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum thông tin thêm: Đến thời điểm hiện tại Công ty đã mở rộng được gần 500 ha và hằng năm sản xuất được hàng triệu cây giống. Trong thời gian tới, Công ty vẫn tiếp tục ưu tiên giống cho người dân tại các xã có chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh, để người dân tự trồng, tự giám sát dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Công ty. Công ty sẽ đứng ra thu mua tất cả các sản phẩm khi tới thời kỳ thu hoạch theo giá thị trường để chế biến chuyên sâu ra các sản phẩm phục vụ cho sức khỏe người tiêu dùng.

“Công ty đang triển khai mô hình hợp tác mới với những tổ chức, cá nhân quan tâm về sâm Ngọc Linh bằng hình thức Công ty sẽ bán một số cây sâm Ngọc Linh giống 1 năm tuổi cho người đầu tư trồng trên đất dự án của Công ty. Người đầu tư có thể theo dõi quá trình chăm sóc và phát triển của cây sâm Ngọc Linh qua camera; lên thăm, kiểm tra vườn sâm bất cứ lúc nào, trực tiếp lên thu hoạch. Công ty sẽ bảo đảm cho nhà đầu tư tỉ suất lợi nhuận cũng như bảo đảm về số lượng, trọng lượng tăng trưởng của cây sâm Ngọc Linh đó từ khi trồng cho tới khi thu hoạch”, ông Lê Đức Thảo nói thêm.

Củ sâm Ngọc Linh tươi gần 10 tuổi. Ảnh: VGP/Bạch Dương

Theo anh Trần Hoàn, Công ty không chỉ bán sản phẩm thô là những củ sâm và lá sâm tươi được thu hái tại vườn với giá từ 60 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/kg; để nâng cao giá trị và làm đa dạng các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, hiện Công ty đang hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu để sản xuất ra các loại thực phẩm chức năng và dược phẩm, như phối hợp với Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM chuẩn bị ra mắt chuỗi sản phẩm từ sâm mang thương hiệu “K5 sâm Ngọc Linh Kon Tum” như K5 Trà lá sâm, K5 Dịch chiết sâm, K5 rượu sâm Ngọc Linh, củ sâm Ngọc Linh tươi ngâm rượu...

Tới thời điểm này có thể lạc quan rằng sâm Ngọc Linh đã và đang được phát triển bền vững trên chính quê hương của loài sâm này nhờ những người tiên phong, chịu thương, chịu khó như anh Trần Hoàn, anh Lê Đức Thảo và rất nhiều cán bộ, công nhân lao động của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum.

 Bạch Dương