Tiền mua quà tặng “sếp” – có phải họ làm ra đâu mà họ tiếc!

00:00 12/10/2020

“Quỹ đen” được sử dụng như “tiền chùa” để trang trải những khoản chi “không tên” như tiền quà, tiền chiêu đãi, liên hoan, thậm chí là tiền lót tay, tiền quà cho các sếp... Chi vô tội vạ vì tiền đó họ có làm ra đâu mà tiếc!

quy-den Vài tuần trước, kết luận của Thanh tra Nhà nước đối với việc thực hiện các quy định phòng, chống tham nhũng; quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai với Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Cà Mau đã đặt ra những nghi vấn quanh vụ Văn phòng UBND huyện Ngọc Hiển bỏ ngoài sổ sách hơn 800 triệu đồng. Điều bất thường được tác giả Tuấn Thanh đặt ra tại bài báo “Phó văn phòng huyện bỏ ngoài sổ sách hơn 800 triệu đồng để mua xe tặng “sếp”?” cho biết, mặc dù không có hợp đồng giao khoán đất, nhưng khi khai thác sản phẩm, Cty Lâm nghiệp Ngọc Hiển lại chuyển cho Văn phòng UBND huyện Ngọc Hiển 840 triệu đồng. Số tiền này do vị Phó Chánh văn phòng UBND huyện nhận và giữ, thủ quỹ và kế toán không hề hay biết. Làm việc với Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau, vị này thừa nhận số tiền 840 triệu đồng nói trên đã được “dành” gần 100 triệu đồng mua 3 chiếc xe máy cho 3 vị lãnh đạo huyện Ngọc Hiển sử dụng gồm Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch HĐND huyện và nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện (vừa được giới thiệu bầu chức danh Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau). Vị nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện còn “mượn” 600 triệu đồng và chi cho các mục đích khác hơn 130 triệu đồng. Bản thân vị Phó Chánh văn phòng còn giữ lại 7 triệu đồng. Vụ việc này đến nay vẫn đang được tiếp tục làm rõ và xử lý khi bất ngờ sau đó, vị Phó Chánh Văn phòng kia bất ngờ “trở mặt”, ký báo cáo giải trình với nội dung: “Số tiền nói trên có nhập quỹ công đoàn của Văn phòng UBND huyện và việc sử dụng số tiền là đúng quy định”. Còn phía doanh nghiệp thì giải thích rằng: “Tiền đó là tiền giao khoán, “ăn chia” lâm sản cũng giống như các hộ dân ở đây và đã được duy trì từ mười mấy năm về trước. Sau khi thu hoạch lâm sản, phía công ty giao cho UBND huyện Ngọc Hiển theo tỷ lệ phần trăm đã thỏa thuận. Việc giao nộp tiền có biên bản “ăn chia” và có đóng dấu rõ ràng, còn tiền được Văn phòng UBND huyện quản lý, sử dụng như thế nào thì công ty không rõ”. Trước những thông tin nói trên, không rõ có bạn đọc nào hiểu về tiền giao khoán – “ăn chia” lâm sản giữa doanh nghiệp, hộ dân với chính quyền huyện là tiền gì hay không? Có quy định nào cho phép những giao dịch giữa doanh nghiệp, người dân và chính quyền mà không cần hợp đồng, lên tới hàng trăm triệu đồng, kéo dài cả chục năm? Nhất là khi những giao dịch đó lại dựa trên khai thác lâm sản, tài nguyên! Cá nhân tôi không phán xét đúng – sai của những con người trong vụ việc nói trên, việc đó xin dành cho cơ quan thanh tra và các cơ quan pháp luật xử lý tiếp. Nhưng thú thực là tôi bị đau đầu và hoa mắt vì nguồn gốc và đường đi của con số 840 triệu đồng mà họ chuyền tay qua lại cho nhau dưới đủ các dạng thức nào “cho vay” rồi “biếu xén”, nào tiền mặt rồi xe... Thế mới thấy, đồng tiền thật vi diệu, nó có thể náu mình tài tình và thiên biến vạn hóa tùy theo mục đích sử dụng của con người. Trên thực tế, có những khoản tiền mà chúng ta vẫn thường quen gọi là “quỹ đen”, “tiền ngoài”, khoản này chẳng phải cái gì xa lạ lắm. Có thể nơi này chỉ vài triệu, vài chục triệu và thấy bình thường, nhưng ở những đơn vị khác, tiền “quỹ đen” lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng như vụ PVC-ME thời Trịnh Xuân Thanh – đến lúc đó thì không thể coi là điều bình thường được nữa. Đặc điểm quỹ đen là không nằm trong sổ sách và được sử dụng như “tiền chùa” để trang trải những khoản chi “không tên” như tiền quà, tiền chiêu đãi mỗi khi cán bộ cấp trên về, rồi nào là tiền liên hoan, tiền sinh nhật, tiền hiếu hỉ, thậm chí là tiền lót tay, tiền quà cho các sếp... Mặt khác, khi chi, thậm chí một số đơn vị, tổ chức còn mua được hóa đơn và theo cách nào đó biến hóa thành nguồn tiền từ công đoàn, quỹ phúc lợi. Tiền lại đẻ ra tiền. Nói chung, mọi việc đều được giải quyết nếu như chịu chi cho bên này một ít, bên kia một ít, tất cả sẽ êm xuôi và... hợp lý! Cái nguy hiểm nằm ở chỗ là những vấn đề trên được nhiều người coi là bình thường trong cuộc sống, đôi khi người ta không buồn đặt câu hỏi tiền đó đâu ra, để làm gì. Và một khi chuyện vợ một ông này được tặng quà, con cái ông kia bỗng dưng được cho học bổng... vẫn bị coi “không có gì là lạ” thì công cuộc chống tham nhũng vẫn còn dài. Những cuộc thanh tra chỉ phát huy tác dụng răn đe khi những vi phạm phải được công khai, xử lý và những người vi phạm phải bị kỷ luật với những hình phạt thực sự thích đáng. Bởi, tiền – dù dưới hình thức gì cũng là mồ hôi, nước mắt, là sức lao động, không thể chấp nhận để họ ăn chia dễ dàng, phung phí như vậy! Bích Diệp/dantri