Tiền lương cơ sở thấp: Hệ lụy khôn lường

00:00 12/10/2020

ừ ngày 1/7/2017, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) sẽ hưởng lương cơ sở 1,3 triệu đồng thay cho 1,21 triệu đồng như hiện nay.
Tiền lương cơ sở tăng nhưng nhiều người không vui bởi mới chỉ bằng hơn nửa so với lương tối thiểu  vùng 1.
Không công bằng khi mức lương cơ sở quá thấp
Theo đánh giá của TS Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ LĐTB&XH), giai đoạn 2009 – 2017 có sự chênh lệch khá lớn giữa tiền lương tối thiểu thị trường theo 4 vùng và tiền lương cơ sở khu vực hưởng lương từ ngân sách. Năm 2017, tiền lương cơ sở tăng lên 1,3 triệu đồng là mức tối thiểu áp dụng cho CBCCVC thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước chỉ bằng 50,38% tiền lương tối thiểu áp dụng cho khu vực DN thuộc vùng 1, bằng 44,83% lương vùng 2, 39,16% vùng 3 và 34,67% vùng 4. Đó là bức tranh đậm nét của xu hướng phân phối tiền lương và thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 2009 - 2017, thể hiện sự bất bình đẳng về tiền lương và thu nhập giữa 2 khu vực.
   
TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện An sinh xã hội và phát triển hòa nhập phân tích: “Trong kinh tế thị trường, chính sách tiền lương có sự khác biệt giữa 2 khu vực hành chính Nhà nước và khu vực DN do tính chất lao động quyết định, nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu đối xử không công bằng, khi mà tiền lương khu vực hành chính Nhà nước thấp hơn nhiều so với khu vực thị trường thông qua việc quy định mức lương cơ sở thấp hơn sẽ dẫn đến hệ lụy nguy hiểm khó lường. Tiền lương không đủ sống, buộc CBCCVC phải tìm nguồn khác ngoài lương để bù đắp phần thiếu hụt sẽ là một tai họa lớn. Đó là phá hỏng nền hành chính, công vụ và dịch vụ công, có nguy cơ đẩy họ vào con đường tha hóa, biến chất, tham nhũng quyền lực, đe dọa sự tồn vong và phát triển của đất nước”.
Đồng quan điểm, GS.TS Hansjorg Herr - Đại học Kinh tế Berlin (CHLB Đức) chia sẻ, theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, bất bình đẳng lớn về tiền lương và thu nhập nói chung, giữa 2 khu vực nói riêng, sẽ dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn, đặc biệt làm cho thời kỳ tăng trưởng cao sẽ diễn ra ngắn hơn. Ở CHLB Đức, tiền lương khu vực công được xác định theo khu vực tư nên tương đối đồng đều để đảm bảo công bằng. Tiền lương của 2 khu vực có thể tăng theo tốc độ tăng năng suất lao động. Nếu năng suất lao động tăng 2% thì tiền lương có thể tăng 4%. Tuy nhiên, khu vực tự do có tổ chức công đoàn mạnh nên có thể đạt được thỏa thuận tăng tiền lương thông qua thương lượng.
Cần đảm bảo công bằng giữa 2 khu vực
CBCCVC là người làm việc trong hệ thống chính trị, hành chính Nhà nước và dịch vụ công với tính chất lao động rất đặc biệt – phạm vi ảnh hưởng rộng, trách nhiệm chính trị lớn, việc làm ổn định và sống chủ yếu bằng tiền lương tương ứng với từng chức danh, vị trí việc làm. Nguồn tiền lương trả cho họ được lấy từ ngân sách.
Tiền lương và thu nhập của CBCCVC là kết quả của quá trình phân phối lại thu nhập quốc dân; khu vực thị trường, tiền lương và thu nhập thuộc quan hệ lao động; phụ thuộc vào cung – cầu lao động và được xác định thông qua cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng. DN có quyền tự chủ đầy đủ trong việc tổ chức trả lương gắn với năng suất lao động và kết quả cuối cùng của sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phân phối tiền lương và thu nhập theo năng suất lao động cộng với hiệu quả việc làm, kết quả đầu ra là đặc trưng của quan hệ phân phối trong kinh tế thị trường. Đồng thời phải gắn với tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Bởi vậy, đảm bảo công bằng về phân phối tiền lương giữa 2 khu vực là một trong những nguyên tắc cơ bản của chính sách tiền lương trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Để đảm bảo công bằng về tiền lương giữa 2 khu vực, TS Nguyễn Hữu Dũng khuyến nghị: Chính sách tiền lương khu vực hành chính phải đặt trong mối quan hệ với khu vực thị trường theo một mặt bằng hợp lý. Nghĩa là trên cơ sở lấy mặt bằng tiền lương khu vực thị trường làm căn cứ để quy định chính sách tiền lương khu vực hành chính Nhà nước. Tiền lương bình quân của khu vực hành chính Nhà nước ít nhất bằng hoặc cao hơn tiền lương bình quân của lao động trong các DN Nhà nước. Đối với khu vực hành chính Nhà nước không cần công bố mức lương cơ sở mà lấy mức lương của chuyên viên bậc 1 làm mức lương cơ bản (thấp nhất). Đồng thời sử dụng mức tiền lương tối thiểu bình quân của 4 vùng khu vực thị trường làm cơ sở để xác định mức lương của chuyên viên bậc 1.
PGS.TS Giang Thanh Long – Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý:
Giảm biên chế, giữ nguyên tổng quỹ lương
Nâng lương cơ sở sẽ điều chỉnh rất lớn về ngân sách, điều này là rất khó. Ví dụ, lương từ 1,3 nâng lên 1,8 triệu đồng, với hơn 2 triệu người hưởng, mỗi năm ngân sách sẽ phải chi thêm 12.000 tỷ đồng. Chưa kể sẽ phải điều chỉnh lương hưu cho gần 2 triệu người - khoản tiền khổng lồ mà quỹ bảo hiểm xã hội phải gánh. Một trong những cách để giải quyết vấn đề này là giảm bớt bộ máy hành chính. Giảm số lượng biên chế nhưng tổng quỹ lương không thay đổi thì mức lương cơ sở sẽ tăng lên. Cách làm này giữ được nguồn nhân lực tốt và thu nhập của CBCCVC sẽ được cải thiện.
Theo kinhtedothi.vn