Tiền lẻ mua vé BOT & hãng bay đuổi khách: Đừng coi là “vớ vẩn”!

00:00 12/10/2020

Có thể đâu đó còn “quy trình nọ”, “quy trình kia”, nhưng khi viện cớ quy trình để phớt lờ phản hồi của “khách” thì hình ảnh của chính quyền và DN sẽ trở nên xấu xí đi rất nhiều. Sự trả giá đó có thể vô hình, khó thấy, song cũng không hề “rẻ”.

Một vị lãnh đạo địa phương - vốn là “sếp” cũ của Cienco 4 (và hiện vẫn đang còn lợi ích ở DN này) từng lớn tiếng coi để xuất giảm phí, di dời trạm BOT Bến Thủy là “vớ vẩn”. Cho đến khi tài xế dùng tiền lẻ để phản đối thì chuyện đã chẳng còn vớ vẩn chút nào. Cũng như việc có hãng bay lớn đuổi một vị khách rất đỗi bình thường, tưởng chẳng có gì nhưng đã phải trả giá bằng hàng trăm triệu USD. Hôm 11/4, tin vui đã đến với những người dân địa phương quanh khu vực cầu Bến Thủy sau thời gian dài đấu tranh vì phải nộp phí “oan” cho trạm thu phí BOT đặt tại địa điểm rất “hiểm” nối hai bờ sông Lam giữa Nghệ An và Hà Tĩnh. Cụ thể, sau cuộc họp cùng ngày, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đồng ý giảm tối đa (100%) phí với các phương tiện loại 1 và loại 2 của người dân 4 huyện quanh cầu Bến Thủy. Quyết định này được đưa ra sau khi hàng trăm tài xế dàn xe thanh toán phí bằng tiền lẻ, gây sức ép lên DN và chính quyền. Có thể, đối với những người phải lưu thông trên tuyến đường này, vì chuyện đấu tranh của người dân ở đây mà chịu “vạ lây” tắc nghẽn nghiêm trọng, họ sẽ không tránh khỏi bực mình. Nhưng, tôi nghĩ, đông đảo dư luận đều sẽ thông cảm với cách ứng xử cùng bất đắc dĩ của những người dân địa phương ở đây, khi mà việc trả tiền lẻ là hoàn toàn đúng luật, là một cách đấu tranh văn minh trong bối cảnh, suốt một thời gian dài, tiếng nói của họ không được lắng nghe, giải quyết thỏa đáng. Thậm chí có lần, một vị Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An, vốn là “sếp” cũ của Cienco 4 (và hiện vẫn đang còn lợi ích ở DN này) đã lớn tiếng bác đề xuất giảm phí, di dời trạm thu phí mà Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra, coi là “vớ vẩn”. Thật ra, sự việc chẳng hề “vớ vẩn” chút nào, trên cả hai góc độ: quan hệ giữa DN với khách hàng và quan hệ giữa chính quyền với nhân dân. Lâu nay chúng ta thường nghe câu “Khách hàng là thượng đế” như một tuyên ngôn thời kinh tế thị trường. Nhưng tuyên ngôn này đúng đâu chẳng biết, nhưng chắc chắn khó mà tồn tại ở các dự án BOT đóng trên các tuyến đường huyết mạch sẵn có. “Thượng đế” muốn hay không thì cũng phải đi qua trạm BOT đó, vẫn phải trả tiền cho dù họ chẳng hưởng chút lợi ích gì cho cả tuyến BOT dài mà chủ đầu tư xây nên. Nó giống như việc, anh ghé vào một nhà hàng không sử dụng món ăn, dịch vụ nào rồi đi ra cũng bị thu tiền vậy. Khác ở chỗ, khách nếu không ưa nhà hàng thì lần sau có thể “cạch mặt” không vào nữa, nhưng người dân địa phương thì không, vì những lý do sinh hoạt, công việc khác nhau, họ buộc vẫn phải qua trạm thu phí BOT chỉ để thực hiện công việc trả tiền cho thứ dịch vụ mà họ không được hưởng. Sự vô lý “đùng đùng” như thế, nhưng chẳng hiểu sao, phải đến tận khi Phó Thủ tướng liên tục ra văn bản hối thúc xử lý, Bộ GTVT họp lại mới ra được vấn đề. Rồi lại nói tới quan hệ giữa chính quyền với dân. Đành rằng, địa phương nào chẳng muốn thu hút đầu tư để tăng thu ngân sách, nhưng hoạt động của DN trên địa bàn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, thậm chí làm xáo trộn an ninh, trật tự… nhưng đáng buồn là người ta lại chỉ nhìn thấy hình bóng vai trò của lãnh đạo địa phương trong câu chuyện này vô cùng mờ nhạt. Sau quyết định mới nhất vào ngày 11/4, báo chí đưa tin cho biết người dân địa phương rất vui mừng vì cuối cùng công cuộc đấu tranh của họ cũng thành công, quyền biểu thị của họ đã được thực thi. Nhưng rồi, DN với số tiền thu lợi suốt nhiều tháng qua vẫn chẳng hề hấn gì, lãnh đạo địa phương lại tiếp tục công việc của họ như chưa có chuyện gì xảy ra. Câu chuyện này hoàn toàn khác với sự trả giá đắt đỏ mà một hãng bay có tiếng là United Airlines đang phải trả giá vì ngược đãi, kéo lê hành khách ra khỏi máy bay. Vụ bê bối đã khiến vốn hóa hãng hàng không lớn thứ 4 nước Mỹ có lúc mất hơn 1 tỷ USD trong phiên giao dịch 11/4. Rõ ràng, quyền biểu thị của người dân, tiếng nói của khách hàng không thể nào bị coi nhẹ. Có thể đâu đó còn “quy trình nọ”, “quy trình kia”, nhưng khi viện cớ quy trình để phớt lờ phản hồi của “khách” thì hình ảnh của chính quyền và DN sẽ trở nên xấu xí đi rất nhiều. Sự trả giá đó có thể vô hình, khó thấy, song cũng không hề “rẻ”. Riêng về Cienco 4, về câu chuyện cổ phần hóa tại DN này và về giải quyết những vấn đề bất cập liên quan đến những công trình BOT… người viết chưa thể đề cập hết tại đây. Nhưng nói cho cùng, cơ chế chính sách do con người sinh ra, sự phát triển lâu dài bền vững của DN và rộng hơn là của nền kinh tế không nên chỉ đong đếm bằng những đồng “tiền lẻ” trước mắt mà quên rằng “mất niềm tin là mất đi rất nhiều”. Theo dantri