Tiến dần đến chuỗi sản xuất sợi - dệt - nhuộm - may khép kín

00:00 12/10/2020

Nhằm tháo gỡ "nút thắt" của ngành dệt may là xuất khẩu sợi nhưng lại nhập khẩu vải, nhiều DN sợi đã lên chiến lược dài hạn là định hướng tiến dần đến chuỗi sản xuất sợi - dệt - nhuộm - may khép kín.

Dự báo xuất khẩu xơ sợi dệt của Việt Nam hoàn thành mục tiêu đạt 3,9 tỷ USD trong năm 2018 (Ảnh TL)

Theo số liệu thống kê, trong quý I năm 2018, giá xơ sợi của Việt Nam xuất khẩu sang hầu hết các thị trường tăng so với cùng kỳ năm ngoái; với mức tăng trung bình 2,71%, đạt 2.713 USD/tấn. Trong đó, giá xơ sợi xuất khẩu sang thị trường Italia đạt cao nhất 4.826 USD/tấn và giá xuất khẩu sang Anh đạt thấp nhất là 1.025 USD/tấn.

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, đặc biệt là việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc) và việc hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành sợi Việt Nam trong thời gian tới, dự báo xuất khẩu xơ sợi dệt của Việt Nam hoàn thành mục tiêu đạt 3,9 tỷ USD trong năm 2018.

Bên cạnh kết quả khả quan về xuất khẩu, hiện tại ngành sợi Việt Nam cũng đã chủ động được một phần trong chiến lược phát triển ngành để phục vụ cho ngành dệt nhuộm hoàn tất các khâu sản xuất trong nước. Đặc biệt, các sản phẩm sợi dệt kim Việt Nam hầu như không phải nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã chủ động được các sản phẩm sợi cotton cao cấp để phục vụ cho dệt nhuộm hoàn tất các loại vải cao cấp. Bên cạnh việc sản xuất phục vụ trong nước, hàng năm ngành sợi Việt Nam cũng xuất khẩu với sản lượng rất lớn.

Trong chiến lược phát triển dài hạn, ngành sợi Việt Nam xác định việc sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước đi đôi với việc phát triển các dòng sợi khác biệt có giá trị gia tăng cao hơn để xuất khẩu. Đồng thời, việc sản xuất sợi cũng đi đôi với việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Hiện tại, hầu hết sợi của Việt Nam xuất khẩu đều mang thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện trên sàn chứng khoán có hai doanh nghiệp lớn trong mảng sợi cotton là Công ty cổ phần Sợi Damsan (Mã: ADS) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân - Fortex (Mã: FTM).

Trong đó, FTM là doanh nghiệp sợi cotton có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán, sản lượng gần 17.000 tấn/năm với 3 nhà máy đặt tại Thái Bình. FTM chuyên sản xuất và kinh doanh các loại sợi cotton chất lượng cao bao gồm sợi chải thô CD, sợi chải kỹ CM. Nguồn bông cotton nguyên liệu nhập khẩu từ các nước sản xuất bông chính như Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Tây Phi, Úc… thông qua các nhà cung cấp lớn trên thế giới như Olam, Cargrill, Ecom, Reinhart, Omni…

Sợi thành phẩm của công ty đa phần để xuất khẩu (chiếm khoảng 3/4) và một phần nhỏ bán cho các doanh nghiệp trong nước. Sản phẩm sợi của FTM chủ yếu phục vụ cho sản xuất chăn, áo khoác mùa đông vì tính chất giữ nhiệt và mềm. Khách hàng lớn là các đối tác ở các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu...

Không chỉ dừng lại ở đó, FTM tiếp tục mở rộng thêm nhà máy thứ 4 ở Thái Bình với công suất 8.700 tấn sợi/năm. Theo đó, khi nhà máy thứ 4 đi vào hoạt động, sẽ nâng công suất của Công ty lên 25.700 tấn/năm.

Theo đại diện của FTM, để tháo gỡ nút thắt cổ chai của ngành dệt may là xuất khẩu sợi nhưng lại nhập khẩu vải, Công ty đã lên chiến lược dài hạn là định hướng tiến dần đến chuỗi sản xuất sợi - dệt - nhuộm - may khép kín.

Nguyễn Mạnh