Tiền 'bơm' nhiều ra nền kinh tế có nguy cơ đi lạc đường

00:00 12/10/2020

Nếu "bơm" một lượng tiền lớn ra nền kinh tế thì sẽ chỉ tạo ra sự phục hồi trong ngắn hạn, khó có thể mang tới tác động lâu dài, thậm chí nếu lượng tiền này được đưa vào những lĩnh vực nhạy cảm hút vốn thì có thể gây tác động ngược.

Tien-5385-1583141424.jpg

Việt Nam chống dịch Covid-19 thành công, nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại (Ảnh minh hoạ: Internet)

Theo các chuyên gia, thay vì "bơm" nhiều tiền ra nền kinh tế, nên giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần có biện pháp dài hạn là đa dạng hóa thị trường quốc tế, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng sụt giảm

Dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế thế giới, Việt Nam có độ mở kinh tế rất lớn, vì thế ảnh hưởng cũng rất lớn.

Cụ thể, tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm ước tính đạt 95 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 1,7% so với mức tăng 10,8% của cùng kỳ năm trước…

Đặc biệt, các doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, một số doanh nghiệp có thể phải tạm ngừng sản xuất.

Đáng lưu ý, ảnh hưởng của doanh nghiệp đang tác động trực tiếp đến ngành ngân hàng. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết, dư nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, chiếm từ 10-15% tổng dư nợ, nếu không trả nợ đúng hạn thì khối lượng này sẽ thành nợ xấu, ảnh hưởng tới toàn ngành ngân hàng.

Trong tình hình này, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra các giải pháp, gói kích thích để “cứu” nền kinh tế. Đơn cử tại Trung Quốc, hồi đầu tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã "bơm" 1.700 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 243 tỷ USD) vào thị trường tài chính. PBoC cũng tiếp tục hạ 0,1% lãi suất cho vay ngắn hạn và mới đây nhất là lãi suất cho vay trung hạn giúp các doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh.

Tại Việt Nam, tuy chưa có động thái chính thức về giảm lãi suất hay bơm vốn ra nền kinh tế từ Ngân hàng Nhà nước, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… Vì thế, hàng loạt ngân hàng thương mại đã đưa ra các gói tín dụng hàng nghìn tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay từ 1-3% với các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp chịu thiệt hại từ dịch bệnh.

Doanh nghiệp chưa thiếu tiền

PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các gói hỗ trợ bằng nguồn vốn vay giá rẻ sẽ giúp các doanh nghiệp huy động được vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo sự lan tỏa rộng rãi hơn. Bởi trong hoàn cảnh hiện nay, nếu bơm một lượng tiền lớn ra nền kinh tế thì sẽ chỉ tạo ra sự phục hồi trong ngắn hạn, khó có thể mang tới tác động lâu dài, thậm chí nếu lượng tiền này được đưa vào những lĩnh vực nhạy cảm hút vốn thì có thể gây tác động ngược.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright cho rằng, bối cảnh hiện nay rất khác so với giai đoạn suy giảm kinh tế cách đây hơn 10 năm. Gói kích cầu kinh tế đơn thuần không giải quyết được vấn đề. Nền kinh tế Việt Nam không phải đang thiếu tiền. Các dư địa tiền tệ và không gian cho tăng trưởng tài khóa trong năm nay còn rất lớn. Việc giảm thuế có thể giúp tăng thu nhập khả dụng cho người dân, song người dân không phải giảm tiêu dùng tạm thời vì thu nhập giảm, mà do lo sợ dịch bệnh, nên giảm nhu cầu đi lại và chi tiêu trong ngắn hạn.

Từ những nhận định trên, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần ưu tiên nguồn lực để ngành y tế chống dịch, dập dịch; các giải pháp cho nền kinh tế cần tính toán về lâu về dài, dựa trên kết quả đánh giá tác động cụ thể lên từng ngành, lĩnh vực.

Vì thế, nhiều chuyên gia còn đề nghị không nên nới rộng chính sách tài chính tiền tệ để kích thích kinh tế trong giai đoạn này, bởi như vậy có thể khiến lạm phát tăng cao, tiền đồng mất giá, kéo theo hàng loạt cân đối vĩ mô bị ảnh hưởng.

Chia sẻ thêm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng Bộ Tài chính cần gấp rút đề xuất và triển khai các biện pháp hỗ trợ cho những đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, như miễn, giảm, giãn thuế cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể tăng mua để hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực đang chịu tác động của dịch bệnh nếu đó là mặt hàng Chính phủ có thể tăng mua dự trữ.

“Nói chung, đến thời điểm này chưa đủ cơ sở để đưa ra những cái gọi là gói kích thích kinh tế hay gói kích cầu kinh tế. Không phải doanh nghiệp thiếu tiền, mà người dân đang sợ rủi ro lây bệnh, nên tạm thời co cụm lại. Chống dịch thành công thì các nhịp đập kinh tế sẽ quay trở lại”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.

Hoàng Hà