Tiếc nuối du lịch Bạc Liêu...

00:00 12/10/2020

Rồi tôi cũng đến được mảnh đất Bạc Liêu, để thỏa cái mong muốn được một lần ăn con cua Huỳnh đế chính hiệu và nghe tấu bản "Dạ cổ hoài lang" trong đêm Gành Hào huyền ảo với "Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm, Xề u xế u liu phạn. Dây tơ đàn kìm buông thiết tha". Nhưng đến, rồi đi, với niềm trống vắng, tiếc nuối khi đất này dường như đã bỏ qua quá nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là với Ngành Du lịch...

Bạc Liêu chỉ có gia trang Công tử? Mong mỏi đến với Bạc Liêu nung nấu trong tôi nhiều năm qua, ít nhất từ hồi được nghe anh bạn sống ở Nam Bộ hát ngay giữa lòng Thủ đô bài "Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang" của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Cộng thêm những giai thoại về cuộc đời Công tử Bạc Liêu nổi tiếng ăn chơi. Lại nữa, cứ nghe thấy vùng nào có biển là mê. Thế là đi...
Nhà Công tử Bạc Liêu - “đặc sản” của du lịch Bạc Liêu.
Từ Sân bay Cần Thơ, mất thêm 2 giờ 30 phút bắt xe khách đi Bạc Liêu. Xe khách chỉ đỗ ở bến xe ngoại vi rồi lên xe nhỏ về trung tâm thành phố, đỗ xịch trước cửa nhà Công tử Bạc Liêu. Trời tối. Đi tìm khách sạn rồi gọi taxi đi thưởng thức cua Huỳnh đế. "Phải ăn ở ngoài biển chứ không chơi trong phố đâu nhé!". 70.000 đồng tiền taxi thẳng tiến ra bờ kè ngoài biển. Những ki ốt nhỏ ngập tràn hải sản tươi sống đủ loại. Những dãy bàn nhựa kê ngay sát bờ kè để khách hàng vừa tự nướng, tự ăn và hưởng gió biển.Giá cả nhìn chung là rẻ, ngang bằng với hầu hết các vùng biển từ Nam Trung Bộ đổ vào. Chỉ tiếc biển Bạc Liêu không như các vùng biển khác, buổi tối có đèn điện nhưng chẳng thấy nước biển đâu, chỉ thấy những vạt cây sú vẹt, cây đước và bùn bồi lắng. Và rác, rất nhiều rác... Hình như biển vùng này không phải để tắm, cũng chẳng thể ngắm. Nhưng hải sản ngon… Trước khi đi Bạc Liêu, tôi đã cẩn thận "mò" Google để tìm hiểu. Trong những cái tên được giới thiệu thì Công tử Bạc Liêu và Cao Văn Lầu, đương nhiên là những thông tin hấp dẫn nhất. Trở dậy, việc đầu tiên của tôi là vào thăm gia trang Công tử. Gần 100 năm đã trôi qua nhưng ngôi nhà Công tử Bạc Liêu - một biệt thự kiểu Pháp, từng bề thế nhất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc. Người dân Bạc Liêu gọi đây là "Nhà Lớn". Ngôi nhà này không chỉ đẹp về kiến trúc, nội thất mà nhà Hội đồng Trạch cũng quy tụ vô số đồ gỗ, sứ, đồng... quý giá. Khi hoàn thành, đây được xem là ngôi biệt thự bề thế nhất ở Nam Kỳ lục tỉnh khi ấy. Sau một thời gian trùng tu, ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu vẫn giữ được kiến trúc xưa và từ tháng 2-2014, địa chỉ này đã đón hàng trăm, hàng ngàn lượt khách du lịch tới thăm mỗi ngày. Cuối tuần khách đông. Ly cà phê 30.000 đồng, mua vé tham quan nhà cộng thêm mấy chục ngàn cho cuốn sách "Công tử Bạc Liêu" chắc là đã được tái bản khá nhiều từ trực tiếp tác giả là con trai của công tử. "Tặng" thêm 50.000 đồng cho một hướng dẫn viên có tuổi, chính là cháu "xịn" của công tử. Xưa xênh xang, tiền tiêu không cần đếm, nhưng giờ chỉ ước có được ít tiền mua vé ra Hà Nội vào Trường Đại học Bách Khoa thăm chỗ ông anh trai trong chiến tranh bị bom Mỹ giết hại. Vậy mà chưa từng một lần thỏa nguyện. Hỏi vợ con chú đâu. Chú bảo giờ nghèo quá vợ con bỏ đi hết từ lâu rồi. Giờ mỗi ngày làm hướng dẫn viên, chú được Ban quản lý trả cho 70-80 ngàn đồng, chỉ đủ ăn cơm thôi. Quần thể di tích nhà công tử đã được chính quyền để cho tư nhân thầu quản lý và khai thác. Quanh quẩn cà phê, ngắm nghía, chụp ảnh hiện vật này nọ được lúc cũng chán. Tôi quay ra lấy xe đi tìm khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu... Chưa chạm tới cảm xúc của du khách Cũng quanh quẩn gần thôi trong lòng thành phố. Rộng và thoáng đãng. Hướng dẫn viên hướng dẫn chi tiết thân thế và sự nghiệp; những tác phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ tài tử Cao Văn Lầu và hàng loạt cái tên đã đi vào huyền thoại góp công đưa Dạ cổ hoài lang lên tầm cao, đưa cải lương Nam Bộ ra thế giới, như Phùng Há, Lệ Thủy, Minh Phụng, Minh Vương... Trong số đó có NSND Phùng Há - người con gái tài sắc xuất hiện trong giai thoại Hắc công tử và Bạch công tử thách nhau đốt tiền nấu trứng để chinh phục mỹ nhân... Nhưng ngoài những phòng lưu niệm, chỉ thấy những hình người mô phỏng một gánh hát. Ngỏ lời muốn được nghe trực tiếp từ các nghệ nhân, hay ít nhất là một vài nghệ sĩ, cô hướng dẫn viên cười bảo, chỉ tổ chức đàn hát vào các dịp quan trọng. Muốn nghe thì các anh thì phải vào phố tìm đến các câu lạc bộ. Trời mưa lớn, lại đúng sắp bữa trưa, chúng tôi mời một người là cháu ruột của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đi ăn. Anh rất lịch sự, nhiệt tình phóng xe máy dẫn đường tới quán mà theo anh nói là ngon nhất vùng, rồi nhẹ nhàng từ chối. Hỏi nghe đờn ca tài tử chỗ nào, anh cũng chỉ cười. Buổi tối lại phóng xe lang thang trên các phố quyết đi tìm tiếng đàn kìm, đàn cò, tiếng xề u xế u liu phạn... Qua Câu lạc bộ đờn ca tài tử trong tỉnh, dù đúng tối thứ bảy đẹp trời nhưng chỉ thấy một sân khấu hoành tráng với sặc sỡ đèn màu và ca sĩ đang lắc lư trình diễn các bản nhạc mới. Quay xe lại sân khấu của nhà Công tử Bạc Liêu, chưa kịp gửi xe thì nghe thấy vọng ra tiếng nhạc "Trên đường đi lễ xuân đầu năm, qua một năm ruột rối tơ lòng...". Nỗi thất vọng càng thêm nặng lòng. Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu, doanh thu Ngành Du lịch năm 2015 của tỉnh là trên 975 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu du lịch đạt 580 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ năm 2015. Điều này cho thấy, lượng khách đến tham quan du lịch ở Bạc Liêu ngày càng tăng. Bạc Liêu không chỉ có gia trang Công tử, mà còn có bờ biển dài đến 56km, nhiều mảng rừng phát triển xanh tốt gần với trung tâm tỉnh lỵ là điều kiện lý tưởng để tỉnh đầu tư, phát triển du lịch sinh thái. Có thể kể tới vườn nhãn hay sân chim Bạc Liêu rồi quần thể du lịch Nhà Mát với khu Quán âm Phật Đài với diện tích 2,5ha, có tượng Phật bà cao được xây dựng năm 1973 - điểm du lịch tâm linh phù hợp dành cho du khách mọi miền đất nước hành hương. Rất tiếc, cho dù Bạc Liêu có sản phẩm du lịch đặc thù không nơi nào có được, nhưng theo một lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu thì, “hạ tầng phục vụ du lịch của Bạc Liêu chỉ là em út so với nhiều địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long". Khả năng khai thác giá trị của các khu du lịch cũng chưa chạm tới cảm xúc của du khách. Ngoài ra, ngành chức năng hiện cũng chưa quảng bá một cách chuyên nghiệp, sâu rộng các điểm du lịch mà chủ yếu chỉ là truyền khẩu. Như điểm du lịch Quán Âm Phật Đài hay chùa Hưng Thiện có tượng Phật Quan Âm cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long,… thì hầu như người này đi rồi nói lại cho người kia, chứ cơ quan quản lý du lịch địa phương vẫn chưa thật sự biết cách quảng bá. Có lẽ vậy nên sáng hôm sau, như nhiều du khách khác, chúng tôi... tiến thẳng Cà Mau, thay vì sẽ ở Bạc Liêu hơn 2 ngày như kế hoạch ban đầu. Từ bến thuyền, thấy những con tàu ầm ào chở khách về Năm Căn mà thấy tiếc. Đành vậy thôi. Tiếc cho chuyến đi và tiếc cho một du lịch Bạc Liêu còn nhiều tiềm năng nhưng mới chỉ biết phát triển dựa vào những cái tên đã thành quá vãng...
(Theo hanoimoi.com.vn)