Thuỷ sản cầm cự được đến bao giờ?

00:00 12/10/2020

Dự báo xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam còn khó khăn ít nhất cho đến hết tháng 6.

Dịch bệnh bùng phát đã khiến các doanh nghiệp thuỷ sản vốn gặp khó khăn nay càng khó khăn hơn. Tuy nhiên vẫn còn có những cơ hội để thuỷ sản Việt Nam bứt phá.

Tình hình ở 4 thị trường chính

Trong suốt 2 năm qua, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu chính của thủy sản Việt Nam. Trong tháng 1.2020, 4 thị trường này vẫn chiếm 54,9% tổng giá trị xuất khẩu.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản chiếm 18,02% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 28,16% so với cùng kỳ năm 2019. Mỹ chiếm 17,62%, giảm 26,34%. Hàn Quốc chiếm 10,27%, giảm 31,53% và Trung Quốc chiếm 8,94%, giảm tới 43,48%. Trung Quốc là thị trường giảm mạnh nhất, trong khi trước đây thị trường này vốn được nhiều doanh nghiệp Việt mong chờ sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong 2020.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành, và dĩ nhiên hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, ít nhất cho đến hết tháng 6.2020.

Cụ thể, theo khảo sát của Vasep, tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký của các doanh nghiệp thủy sản hiện chỉ chiếm 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng là 20-40% và hủy là 20-30%. Nguyên nhân chính do chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch COVID-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm cũng ngừng hoạt động.

Cũng theo thống kê cảu Vasep, các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng nhiều là châu Âu (EU), Hàn Quốc và Trung Quốc. Các thị trường khác cũng có đơn hàng bị hoãn và hủy như Nhật Bản, Mỹ, Nga... nhưng không nhiều như các nước trên. Đặc biệt tại thị trường châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng, mặt hàng cá tra chịu tác động ít hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị.

Theo đại diện của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, các lô hàng xuất khẩu cá tra, cá basa của Vĩnh Hoàn vẫn đang được xuất khẩu sang EU và Mỹ bằng đường biển.Theo thống kê của Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đã sụt giảm 4,56%, chỉ đạt 5,15 tỉ USD.

Một số nguyên nhân khác ảnh hưởng đến tình hình sụt giảm xuất khẩu thuỷ sản như, các hãng tàu biển thu hẹp lượng tàu và bỏ chuyến. Do đó, hành trình của tàu về Việt Nam hoặc đi từ Việt Nam sang các nước bị kéo dài, đã ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch giao hàng và làm tăng đáng kể chi phí của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, do lệnh phong tỏa của nhiều nước, một số nước không cấp được chứng từ gốc (như H/C gốc, C/O gốc...) nên nhiều khi các container hàng nguyên liệu đã về cảng nhưng doanh nghiệp không đưa được hàng về vì chưa nhận được chứng từ gốc của nhà xuất khẩu gửi. Quá trình xuất khẩu hàng sang các nước cũng bị ảnh hưởng tương tự vì nguyên nhân chứng từ gốc đến chậm hơn các container hàng…

Cũng do COVID-19, doanh nghiệp thu hồi tiền hàng từ khách hàng chậm và rất chậm. Doanh thu xuất khẩu lại giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng.

Nguồn ảnh: Vasep

Còn cơ hội nào cho thuỷ sản Việt?

Theo một số thông tin thực tế, ngành thuỷ sản vẫn đang có những cơ hội, nhất là khi dịch bệnh lắng xuống ở các thị trường quan trọng. Từ tháng 3, thị trường Trung Quốc đã bắt đầu có các đơn hàng trở lại. Theo dự đoán của một số doanh nghiệp cá tra, sang tháng 4, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, đến tháng 6 có thể hồi phục hoàn toàn 100%. 

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại cũng là một lợi thế. Cá tra xuất sang EU chủ yếu bán cho hệ thống bán lẻ chứ không phải là phân khúc dịch vụ thực phẩm. Do đó thị trường này là cơ hội cho ngành cá tra khôi phục lại về xuất khẩu, nhất là sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu cá tra từ Việt Nam vào EU giảm từ 5% xuống 0%.

Ở thị trường Mỹ, giá cá tra bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu xuống nhưng sản lượng tiêu thụ năm nay dự báo sẽ tốt hơn năm 2019 vì tồn kho đã hết. Dịch bệnh ở Mỹ dù lan rộng, nhưng cá tra vẫn có thể đứng vững trên thị trường này. Các nhà máy chế biến cá thị trắng ở Trung Quốc bị đóng cửa do dịch bệnh, khiến cho sản lượng cá pollock từ Trung Quốc đưa sang Mỹ giảm, cũng là cơ hội cho cá tra. Giá cá Pollock cũng đang tăng sẽ là một yếu tố khiến cho các nhà máy chế biến EU có thể sẽ cân nhắc thay thế một phần bằng cá tra

Với ngành tôm, nếu người nuôi tôm cùng doanh nghiệp duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6, tháng 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành này vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm.

Vừa qua, doanh nghiệp thuỷ sản cũng đã có một số kiến nghị lên chính phủ về những giải pháp giúp ngành vượt qua khó khăn. Cụ thể, về bảo hiểm xã hội (BHXH), trước mắt, các hiệp hội đề nghị cho phép doanh nghiệp và người lao động ngừng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và tùy theo tình hình tác động của dịch bệnh xin miễn đóng với mức tương ứng. 

Dùng tiền dư của quỹ BHXH, BHTN hỗ trợ 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, còn 50% do doanh nghiệp chi trả. Dùng tiền dư quỹ BHXH và BHTN cho doanh nghiệp vay không lấy lãi để chi phí cho người lao động. Quốc hội thông qua việc giảm tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ BHTN từ 1% xuống còn 0,5%.

Về mức lương, đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép lựa chọn 1 trong 2 giải pháp. Người lao động chấp nhận mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng do 2 bên thỏa thuận. Đề nghị cho phép áp dụng ngay Điều 99 của Luật Lao động 2019 trong trường hợp ngừng việc do dịch thì 14 ngày đầu tiên lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng, từ ngày 15 trở đi mức lương do 2 bên thỏa thuận.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, các hiệp hội xin cho phép nộp chậm thuế doanh nghiệp 2019 đến hết 2020 và không tính lãi nộp chậm. Thuế VAT hoãn cho các doanh nghiệp trong năm 2020 và không tính lãi nộp chậm. Các hiệp hội cũng xin miễn kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp và phí công đoàn cho người lao động trong năm 2020.

Hiệp hội cũng xin hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trước năm 2020, cụ thể hạ 4 - 5% đối với VNĐ và 2 - 3% đối với USD. Ngân hàng có chính sách cho các doanh nghiệp giãn các khoản nợ đến hạn trong năm 2020 (với thời gian trả chậm được phép tối thiểu là 3 - 6 tháng) mà không tính lãi suất chậm trả nợ và đề xuất giảm giá điện và nước 30% trong năm 2020.

Thanh Hường