Thương mại điện tử: Chắp cánh doanh nghiệp Việt vươn ra quốc tế

00:00 12/10/2020

Trước sự bùng nổ công nghệ thông tin nhiều loại hình kinh doanh mới đã ra đời - “Thương mại điện tử” phù hợp với xu thế và đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Trước sự phát triển của TMĐT trên thế giới, doanh nghiệp Việt cũng đã nắm bắt xu thế, từng bước đưa sản phẩm trong nước đã vươn tới thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp “kết nối”: Nền tảng cho doanh nghiệp Việt cất cánh

Ngày nay, hầu hết những người sở hữu smartphone đều đã quá quen thuộc với các ứng dụng giao nhận thức ăn, đặt xe hay đặt và cho thuê phòng ốc, căn hộ. Chỉ có mặt trên thế giới trong khoảng 1 thập kỷ, những ứng dụng trên đã phát triển theo cái cách mà không một doanh nghiệp vận tải hay lưu trú nào có thể bắt kịp.

Nhờ hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ mà các công ty này không cần phải sở hữu một đội ngũ hàng chục ngàn chiếc taxi “xịn” và tài xế dày dặn kinh nghiệm, hay một mạng lưới hàng trăm ngàn khách sạn đạt chuẩn chất lượng và dịch vụ. Chính lợi thế về công nghệ đã giúp các công ty dễ dàng giành thị phần trong thị trường quốc tế vốn có tính cạnh tranh gay gắt.

Thay vì cố gắng kinh doanh hoạt động theo mô hình truyền thống, các doanh nghiệp đã tập trung vào một mục tiêu duy nhất. Đó là mở rộng khả năng kết nối các nguồn lực lại với nhau. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, người dùng chỉ cần một ứng dụng trên di động thông qua kết nối với internet có thể tìm xe, đặt phòng, mua vé máy bay… ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Theo thống kê của hãng kiểm toán KPMG, mô hình kinh doanh thương mại điện tử đã mang về tổng doanh thu lên tới 7,18 nghìn tỷ USD trong năm 2018 cho các “siêu doanh nghiệp kết nối” nổi tiếng trên thế giới. Sự chuyển đổi nhanh chóng của hành vi khách hàng và công nghệ kỹ thuật số đã làm thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh truyền thống.

Dịch vụ bán hàng trên Amazon giúp các doanh nghiệp trên toàn thế giới phát triển kinh doanh toàn cầu, tiếp cận hàng triệu khách hàng tiềm năng của Amazon trên khắp thế giới và xây dựng hương hiệu quốc tế. Điều này cũng giúp cho nhiều doanh nghiệp trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương có cơ hội mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế. Chỉ cần vài cú nhấp chuột, người mua có thể “rinh" hàng ngay tại cửa, còn người bán có thể xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ.

Amazon mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa của mình đến với khách hàng toàn cầu, thậm chí trước cả khi các khách hàng trong nước biết đến họ.

Cuộc “vượt biên siêu lợi nhuận” của doanh nghiệp Việt

Hân Nguyễn - nhà sáng lập Andre Gift Shop, một doanh nghiệp nhỏ kinh doanh bán đồ lưu niệm, hàng thủ công online, luôn ấp ủ ước mơ đưa hàng Việt ra nước ngoài. Từ năm 2013, cô đã lựa chọn doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất thế giới để “vượt biên” với tham vọng “bán lẻ trực tiếp cho nhiều khách hàng trên khắp thế giới”.

 

Chị Hân tìm thành công trên con đường chinh phục thị trường quốc tế với TMĐT

Andre Gift Shop nhanh chóng tiếp cận được những khách hàng tại Mỹ nhờ ông lớn Amazon, cung cấp 9000 mặt hàng đa dạng: hàng thủ công, đồ gỗ, ốp điện thoại, khung tranh… Từ cơ sở ban đầu là căn gác nhỏ trên mái với chỉ 4 nhân viên thì nay Andre Gift Shop đã có 1 xưởng sản xuất rộng 300m2 và 35 nhân viên. Năm 2018, doanh số bán hàng từ Amazon chiếm 50% doanh số bán hàng online. Hân dự tính sẽ sớm mở hoạt động của Andre Gift Shop sang Amazon châu Âu, Úc, Nhật Bản.

Hân cho biết, “Thông qua Amazon, nhiệm vụ quảng bá sản phẩm tới khách hàng trở nên dễ dàng hơn!”. Tuy nhiên, đó mới là một nửa của hành trình. Phần còn lại nằm ở việc hàng hóa sẽ chuyển đến tay khách hàng như thế nào. Với một doanh nghiệp nhỏ như Andre Gift Shop, kiểm soát hoạt động logistics như đóng gói, vận chuyển hay dịch vụ sau bán có thể là một cơn ác mộng.

Để xử lý vấn đề này, chương trình hỗ trợ bán hàng và xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài trên Amazon (Amazon Global Selling - AGS) mang đến cho doanh nghiệp các giải pháp nhằm tối ưu hoá quy trình và hoàn thiện đơn hàng (Fulfillment by Amazon - FBA). “Loại bỏ được các công việc liên quan tới logistics và vận chuyển giúp chúng tôi giảm được gánh nặng rất lớn cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nhiều”, Hân cho biết. Amazon sẽ chịu trách nhiệm nhận hàng, đóng gói, vận chuyển đến tay người mua. Hiện tại, Amazon có 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực.

Mary Nguyễn, nhà sáng lập Mary Craft, doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm may mặc và trang sức mỹ nghệ từ sừng, gỗ cũng gặp phải bài toán tương tự.

Giữa năm 2012, khi đi du lịch tới Vienna, Áo, cô nhận ra các sản phẩm mỹ nghệ tại đây có chất lượng không bằng Việt Nam. Sau khi trở về, cô thành lập Mary Craft, dựng xưởng sản xuất tại Việt Nam và bắt đầu bán các sản phẩm thời trang và trang sức trên cửa hàng của Amazon.

“Lợi ích lớn nhất khi gia nhập Amazon là công cụ giúp hoàn thiện hầu hết các đơn hàng (FBA), vận chuyển hàng từ 1 – 2 ngày, cực kỳ hữu hiệu cho các doanh nghiệp nhỏ, vốn rất yếu các hoạt động liên quan tới logistics”, Mary Nguyễn cho biết.

Kể từ khi bắt đầu bán hàng trên Amazon vào năm 2015, doanh số của Mary Craft tăng hơn 150% so với năm trước đó. Từ một xưởng sản xuất, Mary Craft đã “đổi đời”, thành lập thêm 3 xưởng, mang việc làm cho khoảng 100 nhân công. Nhà sáng lập công ty hào hứng, chờ Mary Craft đủ mạnh, cô sẽ đưa thương hiệu của mình tiến ra nhiều thị trường rộng lớn khác như Anh, Canada, hay Úc.

Những câu chuyện thành công của Andre Gift Shop hay Mary Craft dường như là lời gợi ý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ  tại Việt Nam. Trong một thế giới ngày càng phẳng hơn, ngày nay các doanh nghiệp đến từ mọi quốc gia đều có cơ hội tuyệt vời để gia nhập sân chơi toàn cầu.

Thông qua các cửa hàng của Amazon, doanh nghiệp nhỏ không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường mới, phát triển mạng lưới đối tác và nâng cao dịch vụ sản phẩm; vượt qua nhiều giới hạn mà hình thức kinh doanh truyền thống vẫn đang gặp phải. Amazon đã trở thành một trong những đại diện tiêu biểu cho sự làm chủ của TMĐT trong bối cảnh thị trường đang thay đổi nhanh chóng.

 

Nhiều doanh nghiệp chọn Amazon trở thành người đồng hành trong “cuộc vượt biển lớn”

Lựa chọn kênh TMĐT phù hợp cũng chỉ là một nửa của thành công. Mỗi doanh nghiệp Việt Nam cũng nên chủ động tìm cho mình một hướng phát triển sản phẩm mới lạ, và quan trọng nhất vẫn phải đánh trúng được tâm lý khách hàng ở thị trường mình đang hướng tới.

“Nếu các bạn tìm ra được một sản phẩm chưa có trên thị trường mà khách hàng yêu cầu thì bạn sẽ có một cơ hội phát triển rất lớn nếu bạn tận dụng các kênh phân phối quốc tế như Amazon", Mary Nguyễn chia sẻ.

PV