Thương hiệu thực phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị hàng nông sản

00:00 12/10/2020

             THƯƠNG HIỆU THỰC PHẨM AN TOÀN GẮN VỚI CHUỖI GIÁ TRỊ HÀNG NÔNG SẢN

PGS.TS. Lê Quân

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

  Vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung càng làm nổi bật hơn sự bất cập và yếu kém trong phát triển chuỗi giá trị hàng thực phẩm. Mặc dù nhiều lãnh đạo bộ ngành, địa phương cố gắng thuyết phục rằng cá biển được đánh bắt xa bờ là an toàn. Nhưng người tiêu dùng ngày càng thông minh nên họ gặp khó khăn khi gửi gắm niềm tin vào các thông điệp này.

ca-bien

Câu hỏi đặt ra là làm sao phân biệt được cá được đánh bắt, nuôi trồng từ các vùng biển khác nhau? Từ môi trường có nguy cơ ô nhiễm và môi trường an toàn. Một số địa phương đã bước đầu xác nhận nguồn gốc cho hải sản đánh bắt xa bờ. Đó là việc làm tốt và đúng hướng và cần thiết để giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm. Nhưng trên góc độ quản trị chất lượng, cũng chưa đủ căn cứ để người tiêu dùng đặt niềm tin.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu

Qua vụ việc này, chúng ta đều thấy sự cần thiết phải xây dựng các chuỗi giá trị hàng nông sản với chỉ dẫn địa lý, xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu riêng gắn với từng doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc nhóm hộ gia đình, có độ tin cậy “tuyệt đối” để người tiêu dùng phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn và ai là người sản xuất ra các sản phẩm an toàn này. Khi đó, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả, kể cả đắt hơn để mua sản phẩm. Giải pháp tăng chế tài xử phạt với người sản xuất và kinh doanh sản phẩm không an toàn giải quyết được phần ngọn. Phần gốc phải làm sao để mọi người đều có lợi ích khi sản xuất và kinh doanh sản phẩm an toàn. Cần có căn cứ để người sản xuất và kinh doanh sản phẩm an toàn được phân biệt và được thanh toán xứng đáng hơn. Cốt lõi của vấn đề là ở chỗ người nông dân và nhà phân phối chưa thấy được lợi ích dài hạn khi làm sản phẩm sạch. Người nông dân khi làm sản phẩm an toàn thường có chi phí cao hơn, nhưng không bán được với giá cao hơn. Thậm chí sản phẩm an toàn có hình thức đôi khi không bắt mắt nên khó tiêu thụ hơn. Nhà phân phối khi không sử dụng chất bảo quản thì sản phẩm nhanh hư hỏng hơn; hoặc đôi khi giá bán khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do đó cần xây dựng các thương hiệu riêng và tổ chức chuỗi cung ứng để người tiêu dùng lựa chọn, và tất nhiên trả giá cao hơn. Và đấy chính là vai trò của Nhà nước trong định hướng chính sách và khuyến khích hỗ trợ người làm thật; chứ không đơn thuần là cây gậy hành chính, hình sự.

cam-ngon

Hoàn chỉnh chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản

Thực tế năm qua, tác giả bài viết này (PGS. TS Lê Quân) và các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội đi hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang phát triển thương hiệu cam sành Hàm Yên. Tác giả nhận thấy lý do người nông dân chưa quan tâm đến làm sản phẩm sạch dù tỉnh cũng đã quan tâm hỗ trợ; bởi vì sản phẩm đưa ra thị trường thì quả cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap hay quả cam khác đều được mua đồng giá và cùng đổ lên xe đem đi tiêu thụ. Người tiêu dùng không thể phân biệt được quả cam Hàm Yên giá hơn chục ngàn/kg trong một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm với quả cam được cho là sản xuất theo VietGap với giá bán cao hơn vì chi phí thu mua, bảo quản, phân phối, hao hụt… thường cao hơn. Cam an toàn chưa có thương hiệu và kênh phân phối riêng; nên hậu quả là nông dân chưa quan tâm làm VietGap bởi giá thành cao, năng suất không cao, giá bán cũng không thay đổi. Giải pháp đưa ra là trên nền chỉ dẫn địa lý cam Hàm Yên, cam Cao Phong, cần có các thương hiệu riêng Cam A, Cam B, C… có địa chỉ sản xuất rõ, có kênh tiêu thụ và có giá bán cao để người nông dân có lợi, và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Sáu tháng chạy dự án thí điểm bước đầu cũng thành công. Hy vọng năm sau dự án sẽ chạy quy mô lớn hơn, và trở thành Pilot để các hộ gia đình khác học theo.

                              PGS.TS. Lê Quân