Thượng đỉnh Trump–Kim: Điểm nóng nhạy cảm, phức tạp được tháo gỡ?

00:00 12/10/2020

Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Ngô Quang Xuân, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp quốc (New York - Mỹ) cho rằng: Hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong- un đã quyết tâm gặp nhau lần hai, điều đó thể hiện cam kết chính trị rất cao và họ muốn đi tới những bước mang tính chất đột phá mà các thời Tổng thống Mỹ trước ông Trump cũng như thời của ông nội và bố của Nhà lãnh đạo Kim Jong –un không có.

thuong dinh trump–kim: diem nong nhay cam, phuc tap duoc thao go? hinh anh 1

Cuộc gặp của nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong -un được thế giới dành sự quan tâm đặc biệt (ảnh IT).

Thưa ông, trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều diễn ra tại Hà Nội, nhìn lại những động thái cũng như việc làm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên, ông Kim Jong –un, dư luận có thể mong chờ một kết quả khả quan khi họ gặp lại nhau?

- Có thể nói 2 ông Trump và Kim đã có những hoạt động rất đột phá. Trước hết nói về ông Kim Jong –un, giữa năm 2018, ông với Tổng thống Hàn Quốc đã gặp nhau ở biên giới, tạo ra đối thoại rất ấn tượng. Trước đây các nhà lãnh đạo Triều Tiên – Hàn Quốc cũng có sự gặp gỡ nhưng dấu ấn chưa được mạnh mẽ như thế.

Về phía ông Donald Trump, ông có những tuyên bố mạnh mẽ rằng trong nhiệm kỳ sẽ giải quyết vấn đề quan hệ với một số đối tác, giải quyết điểm nóng, trong đó có vấn đề với Triều Tiên. Ông Trump và ông Kim đã đồng ý và sang Singapore gặp nhau lần thứ nhất (tháng 6.2018), cuộc gặp lịch sử này làm cho thế giới rất ngạc nhiên. Tôi cho rằng, bản thân họ gặp gỡ nhau như vậy là đã đóng góp quan trọng cho giải quyết điểm nóng bán đảo Triều Tiên. Đây là điểm nóng nhiều nhà nghiên cứu vẫn nói nó có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau và mở ra hướng giải quyết điểm nóng bằng giải pháp hòa bình như mong muốn của nhân dân hai nước, nhân dân các nước trong khu vực và thế giới.

thuong dinh trump–kim: diem nong nhay cam, phuc tap duoc thao go? hinh anh 2

Ông Ngô Quang Xuân (ảnh VGP).

Năm 2017, ông Donald Trum đến Đà Nẵng (Việt Nam) dự Hội nghị cấp cao APEC ông đã đánh giá rất cao vai trò, vị thế của đất nước, con người Việt Nam. Tôi nghĩ việc chủ động chọn Việt Nam cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần hai do ông Trump, nhưng khi bàn với Triều Tiên, họ cũng đã thống nhất. Việt Nam – Triều Tiên có mối quan hệ tốt, có độ tin cậy cao, nên hai bên dễ thống nhất để chọn Việt Nam làm địa điểm cho cuộc gặp thứ hai này.

Về phía Việt Nam, chúng ta cần tổ chức thật tốt như vấn đề an ninh, tiếp đón, hậu cần, dịch vụ thông tin truyền thông…làm sao đóng góp tốt nhất vào kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều để thể hiện thiện chí của đất nước và nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là để nâng tầm quốc gia.

thuong dinh trump–kim: diem nong nhay cam, phuc tap duoc thao go? hinh anh 3

Đường phố Hà Nội được trang hoàn để đón sự kiện Thượng đỉnh Mỹ -Triều (Ảnh Cao Oanh).

Câu chuyện liên quan đến Triều Tiên là vấn đề phức tạp của lịch sử đã kéo dài 7 thập kỷ, để giải quyết cần phải có những nhà lãnh đạo có sự đặc biệt để có thể tạo sự thay đổi đột phá, thưa ông?

- Đúng là như vậy. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã quyết tâm gặp nhau lần hai, điều đó thể hiện cam kết chính trị rất cao và họ muốn đi tới những bước mang tính chất đột phá mà các thời Tổng thống Mỹ trước ông Trump cũng như thời của ông nội và bố của nhà lãnh đạo Kim Jong –un không có. Tuy nhiên để có những đột phá mang tính bước ngoặt không hề đơn giản. Vấn đề liên quan đến Triều Tiên là phức tạp và tế nhị, theo yêu cầu phía ông Donald Trump và Mỹ muốn CHDCND Triều Tiên phi hạt nhân hóa một cách triệt để. Ông Trump từng tuyên bố chỉ khi nào CHDCND Triều Tiên có những bước đi theo hướng đó rõ rệt thì chắc chắn mới đi đến kết quả và ông hy vọng sẽ làm được. 

Như chúng ta biết, việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là câu chuyện khó, nó không chỉ ngày một, ngày hai mà cần có thời gian. Đây là vấn đề chiến lược của cả hai nước. CHDCND Triều Tiên có thứ đó để họ bảo vệ đất nước, có thứ đó để đứng trên bàn đàm phán với tư cách của quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Để triệt tiêu điều này với giá nào đó thì đây là bài toán không đơn giản, khó có thể giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên cả hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố có giải pháp thì dư luận có thể hy vọng vào một kết quả khả quan. Chúng ta rất hoan nghênh và ủng hộ các bước đi mà ông Trump và ông Kim đã tiến hành.

thuong dinh trump–kim: diem nong nhay cam, phuc tap duoc thao go? hinh anh 4

Trung tâm báo chí để hàng nghìn phóng viên trong và ngoài nước tác nghiệp (ảnh Vinh Phúc).

Có ý kiến cho rằng việc đàm phán với Mỹ luôn khó. Việt Nam là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán với Mỹ và đã thành công. Điều này có thể giúp Triều Tiên tham khảo khi đàm phán với Mỹ?

- Tôi nghĩ mỗi quốc gia tham gia chính trường quốc tế có nét đặc thù riêng. Nói việc của quốc gia này có thể để trao đổi, học hỏi cho quốc gia khác cũng được nhưng không phải đơn giản là lấy kinh nghiệm của quốc gia này áp dụng máy móc vào việc quốc gia khác. 

Chúng ta có những cuộc đàm phán rất thành công với Mỹ, trong chiến tranh có Hội nghị Paris. Sau này khi hai nước bình thường hóa quan hệ, Việt Nam có những cuộc đàm phán về kinh tế, thương mại với Mỹ rất cam go nhưng cuối cùng đi đến kết quả rất tốt. Ví dụ như cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại song phương với Mỹ kết thúc và ký năm 2000; cuộc đàm phán để đưa Việt Nam vào tổ chức thương mại quốc tế (WTO), thời kỳ đó tôi làm Đại sứ tại Giơ –ne –vơ (Thụy Sĩ) nên biết chúng ta phải rất nhiều năm mới kết thúc cuộc đàm phán này.

Trong đàm phán song phương, vấn đề hài hòa lợi ích của hai bên được đảm bảo chính là yếu tố để đi tới thành công, thưa ông?

- Về đám phán nói chung, để đạt kết quả trước hết phải có vị thế vững chắc, như câu chuyện đàm phán của Việt Nam với Mỹ, chúng ta có đủ bản lĩnh, trí tuệ nhưng rõ ràng vị thế của đất nước trên trường quốc tế vững chắc đã tạo thuận lợi cho việc đám phán. Điều đó giúp các nhà đàm phán có “chỗ dựa” rất tốt để đi tới những kết quả khả quan.

Trong đàm phán tôi nghĩ điều rất quan trọng là tôn trọng ý kiến, quan điểm của các bên. Đàm phán để đi đến kết quả thì các bên phải có lợi, chứ bên thắng bên thua thì rất khó.

Quay lại vấn đề Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều thì hai bên cũng quan tâm đến lợi ích, việc quan tâm một cách đúng đắn, phù hợp thì có thể dần dần từng bước tìm ra tiếng nói chung. Còn như tuyên bố cho hay, có tính định hướng, không có thực chất về nội dung thì rất khó tiến triển trên thực tế. Những điều này hai bên khi đàm phán đều biết rất rõ. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tới đây, tôi mong sẽ đi đến kết quả nào đó để mở đường cho những bước tiếp theo. Cuộc đàm phán này có thể sẽ còn kéo dài, đòi hỏi thời gian bởi đây là vấn đề rất tế nhị, nhạy cảm.

Lương Kết (thực hiện)