Thuế thu nhập doanh nghiệp có thể giảm

00:00 12/10/2020

Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động sang mô hình DN, thúc đẩy DN nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập DN. Theo đó, mức thuế dự kiến sẽ được giảm từ mức trung bình 20% như hiện nay xuống còn 15 - 17%.

Ưu đãi thuế cho DN

Dự thảo giảm thuế mới có điểm đáng chú ý là áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN. Cụ thể, nhóm DNNVV được giảm thuế suất thuế thu nhập DN xuống còn 15 - 17%, thay vì mức 20% như hiện nay. Điều kiện để áp mức thuế suất 15% là DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Mức thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.

thue thu nhap doanh nghiep co the giam
Chính sách thuế sẽ thay đổi theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Để tránh trường hợp DN thành lập các công ty con hưởng chính sách nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế suất 15 - 17% không áp dụng đối với công ty con, công ty có quan hệ liên kết. DN trong quan hệ liên kết không phải là DN nhỏ, siêu nhỏ và các trường hợp không áp dụng ưu đãi thuế thì áp dụng theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN.

Đánh giá từ Bộ Tài chính cho thấy, nếu giảm thuế thu nhập DN xuống còn 15 - 17%, sẽ tạo điều kiện cho các DN mới thành lập từ hộ cá nhân kinh doanh tích tụ vốn, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65% đã được xác định trong Nghị quyết số 10- NQ/TW.

Nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, khi thực hiện chính sách giảm thuế cho DN, có thể giảm thu ngân sách khoảng 9.200 tỷ đồng/năm; trong đó, giảm thuế suất cho DN nhỏ và siêu nhỏ giảm khoảng 6.500 tỷ đồng/năm và miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm.

Việc giảm nghĩa vụ thuế này cho DN trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhưng về dài hạn, sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, góp phần tăng thu từ thuế thu nhập DN cho ngân sách vào những năm tiếp theo. Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh - giảm thuế thu nhập cho DNNVV sẽ góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho khối DN này tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, là tiền đề giúp các DNNVV phát triển, chuyển đổi thành DN có quy mô lớn hơn. Việc giảm thuế sẽ gián tiếp thúc đẩy DN kinh doanh chân chính thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật của nhà nước về thuế, hạn chế hoạt động trốn thuế, lách thuế, mua - bán hóa đơn bất hợp pháp…

Nếu nghị quyết của Quốc hội thông qua việc giảm mức thuế thu nhập DN từ 20% xuống còn 15 - 17%, sẽ tác động tích cực đến DN, đặc biệt là DNNVV.

Thanh Thanh