Thủ tướng: Nhiều chỉ đạo của Bí thư, Chủ tịch tỉnh, cấp dưới "vâng, dạ" nhưng không làm

00:00 12/10/2020

Thủ tướng chia sẻ, ông từng làm 5 khoá Tỉnh uỷ của địa phương nên rất hiểu, nhiều thông báo của bí thư, chủ tịch tỉnh nhưng cấp dưới chỉ "vâng vâng, dạ dạ nhưng không làm". Cho nên, Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiểm tra mới ra vấn đề.

Theo báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, từ 1/1/2016 đến 25/12/2016 có tổng số 10.205 nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành, địa phương.

thu-tuong

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và doanh nghiệp (ảnh: VGP)

Trong đó có 6367 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn 5265, quá hạn 1102); chưa hoàn thành 3838 (trong hạn 3656, quá hạn 182); số nhiệm vụ quá hạn trong năm 2016 chỉ chiếm 2,82%, giảm 22,18% so với cùng kỳ năm trước. Ghi nhận những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chia sẻ, ông từng làm 5 khoá Tỉnh uỷ của địa phương nên rất hiểu, nhiều thông báo của bí thư, chủ tịch tỉnh nhưng cấp dưới chỉ "vâng vâng, dạ dạ nhưng không làm". Cho nên, Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiểm tra mới ra vấn đề. "Qua kiểm tra của Tổ công tác, trong 10.205 nhiệm vụ đã được giao thì cơ bản đã hoàn thành. Quá hạn chỉ có 182 nhiệm vụ, chiếm hơn 2,2% thì đây là điều đáng mừng, một điều thể hiện kỷ cương phép nước, chứ không phải nước đổ lá khoai, trên bảo dưới không nghe như người ta vẫn nói", Thủ tướng nhận xét. "Tuy nhiên, nhiều việc ở trên nói nhưng chưa chắc bên dưới đã làm tốt nên tuỳ tình hình, cấp Bộ, địa phương có thể thành lập các tổ công tác để tổ chức thực hiện cho tốt. Khâu yếu vẫn là hành động nên làm sao nói phải đi đôi với làm", Thủ tướng nêu ý kiến. Thủ tướng cũng yêu cầu phải mạnh mẽ loại bỏ tiêu cực trong trong cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp"; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, "lợi ích nhóm", "sân sau", trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... Phải kiên quyết sắp xếp lại bộ máy một cách tinh gọn và hiệu quả. Theo đó, đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện suy thoái, Thủ tướng yêu cầu cần phải thay đổi ngay. Sự thay đổi cần phải thể hiện trong cả tư tưởng và hành động, cán bộ phải là người tiên phong, gương mẫu, hăng hái. Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ, các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương tham gia góp ý kiến, tham vấn cho Chính phủ về cơ chế giám sát đối với cán bộ, công chức Nhà nước. Không thể để tình trạng “nói rất hay nhưng đi vào thực hiện thì không giám sát được”. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: "Trong dịp Tết tới đây, toàn thể nhân dân cũng như các bí thư, chủ tịch tỉnh không phải đi thăm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng nữa. Không về Hà Nội để chúc Tết". Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu tham dự hội nghị rằng, thông thường cứ dịp Tết, cán bộ địa phương thường có những mối tâm tư, như chưa đi thăm, chưa đi chúc Tết cấp trên thì “lo ngay ngáy”. "Không tới thì thấp thỏm, băn khoăn, tới thì đi lại khổ cực". Do đó, Thủ tướng đề nghị, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng cần phải gương mẫu, đi đầu. Sự gương mẫu của các lãnh đạo cấp cao là điều rất cần thiết. "Làm được việc này sẽ rất nhẹ nhàng, giải tỏa được mối lo lắng, băn khoăn của cấp dưới để khi áp dụng thực hiện thì ai cũng đều vui vẻ, để các tỉnh không phải đi lên đi xuống, đi vào đi ra xếp hàng chờ đợi", Thủ tướng nói. Người đứng đầu Chính phủ nhận xét vui rằng, với việc không chúc Tết, tặng quà lãnh đạo thì sẽ bớt được cảnh “Hà Nội xe chạy quá trời quá đất, chật cả đường” hay góp phần dẹp bỏ những khoản chi tiêu không đúng quy định. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu, trong các chuyến thăm địa phương của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cần chuẩn bị, tổ chức một cách đơn giản: đoàn xe ngắn gọn hơn, đón tiếp đơn giản hơn, không phải là ra địa giới hai tỉnh đón tiếp, chụp ảnh rườm ra. Cán bộ công chức Nhà nước tình cảm gắn bó, nhưng phong cách sống cần giản dị, đơn giản để gần gũi với dân hơn. Bích Diệp/nguồn dantri.com.vn