Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thúc đẩy "cỗ xe tam mã" để đất nước phát triển

00:00 12/10/2020

Tận dụng tốt cơ hội khống chế thành công dịch Covid-19 để phát triển kinh tế là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiều lần khi phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm được tổ chức sáng 2/7.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hộI nghị. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Phát biểu tại Hội nghị với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam có nền kinh tế hội nhập sâu, rộng, càng cần phải tính toán bước đi, cách làm trong bối cảnh hiện nay. Thực tế tình hình trong nước, ảnh hưởng kinh tế thể hiện rõ nhất trong quý II. Tăng trưởng kinh tế quý II giảm mạnh, GDP chỉ tăng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua.Trong bối cảnh này, nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là cấp bách hơn bao giờ hết... Tuy nhiên, bài toán phục hồi kinh tế phải đáp ứng được yêu cầu là kiên quyết không để dịch bệnh quay lại Việt Nam. Bối cảnh tình hình thế giới, nhất là các nước đối tác lớn vẫn rất phức tạp.

Thủ tướng dẫn báo cáo của nhiều tổ chức và tờ báo quốc tế đánh giá Việt Nam đã được thành công trong kiểm soát dịch bệnh và bước đầu phục hồi kinh tế. Ông nhấn mạnh tuy tăng trưởng thấp, nhưng trong bối cảnh quốc tế như hiện nay, cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong chủ động nắm bắt tình hình, không được bi quan.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại truyền thống của dân tộc Việt Nam là mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để bản lĩnh, trí tuệ và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của dân tộc Việt Nam toả sáng. “Đó là thời điểm ‘lửa thử vàng, gian nan thử sức’, càng khó khăn càng nỗ lực, vượt khó vươn lên, càng nung nấu quyết tâm hơn”, Thủ tướng nói.

Tuy không bi quan hay ngại khó, song theo Thủ tướng, cần dự báo tình hình còn rất khó khăn, kinh tế thế giới suy thoái nặng nề, chưa thể phục hồi trong ngắn hạn.

“Trong bối cảnh ấy ta phải làm gì để bước vào trạng thái bình thường mới?”, Thủ tướng nêu vấn đề và muốn nghe hiến kế để có những chính sách đặc biệt, vừa ngăn dịch bệnh quay lại, vừa phát triển mạnh và nhanh về kinh tế, xã hội.

Mục tiêu kép tiếp tục được Thủ tướng quán triệt là không để dịch Covid-19 quay lại, xoá bỏ thành quả của nhân dân ta và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tăng trưởng và đời sống nhân dân.

Nhiều nhóm giải pháp cũng được Thủ tướng nêu ra, định hướng tại hội nghị.

Trước hết, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Thủ tướng, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, liên tục những ngày qua 4 lần tăng giá dầu, giá thịt lợn còn cao, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng.

Vì thế, cần nhìn rõ rủi ro bên ngoài và bên trong để có giải pháp kịp thời; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, tạo nền tảng ổn định và phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như cỗ xe tam mã, gồm 3 cấu phần quan trọng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Lần này, ông nhấn mạnh phải dùng mọi biện pháp để thúc đẩy cỗ xe tam mã này, tạo động lực cho phát triển đất nước.

Về điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, tinh thần được Thủ tướng quán triệt là không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà còn phải tiến công để phát triển. “Phòng thủ tích cực, tiến công nhanh và bền vững để phát triển”, ông nói và nhận định dư địa của Việt Nam còn lớn nên cần thống nhất, chủ động, linh hoạt trong các chính sách này, vì lợi ích tổng thể của đất nước.

Trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

“Chúng ta có gần 700.000 tỷ đồng, nếu giải ngân tốt sẽ kích cầu rất hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng”, ông nhấn mạnh về yêu cầu các bộ ngành, địa phương có giải pháp, chế tài giải ngân hết số vốn này.

Ông cũng nhắc lại Bộ Chính trị, Quốc hội đã quyết định ngành nào, địa phương nào không giải ngân được thì Thủ tướng có quyền chuyển số vốn đó cho ngành, địa phương khác.

“Các tỉnh thành phải nóng ruột lên. Vừa qua Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kiểm tra giải ngân vốn ODA ở TPHCM và ĐBSCL thì thấy tỷ lệ rất thấp. Khi đề nghị dự án thì rất quyết liệt nhưng khi GPMB lại giao cấp dưới, khiến bế tắc chỗ này. Lần này phải có chế tài mạnh”, Thủ tướng quán triệt.

Bên cạnh những giải pháp ấy, Thủ tướng nhắc nhở các bộ ngành phải rà soát quy định của pháp luật, giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

“Tinh thần phải phục vụ nhân dân, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp mới tạo được động lực phát triển. Các anh cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó khăn, khó dễ cho nhà đầu tư thì không bao giờ tạo được động lực”, Thủ tướng lưu ý.

Đồng thời, gợi mở hướng phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị… Theo ông, những cái này rất mới, địa phương nào biết chỉ đạo sẽ góp phần phát triển kinh tế rất lớn.

Thủ tướng yêu cầu phải bỏ ngay những điều bất hợp lý, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân.

 Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020

 Theo Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020 do quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Do đó, Tổng cục Thống kê đề xuất, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, chủ động có giải pháp ngăn ngừa làn sóng COVID-19 đợt 2 có khả năng diễn ra trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời;

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế;

Thứ ba, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát;

Thứ tư, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2020;

Thứ năm, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;

Thứ sáu, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Gia Gia