Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Làm thì phải nhanh, không nói thứ không làm được”

00:00 12/10/2020

Chiều ngày 2/7/2019, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi với chủ đề: “Quảng Ngãi – Đồng hành cùng doanh nghiệp” được tổ chức đúng vào dịp kỉ niệm 30 năm ngày tái lập Quảng Ngãi, thu hút hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Nhà đầu tư cần liên kết để tạo ra hệ “giá trị kép”

Quảng Ngãi có rất nhiều năng mà các nhà đầu tư cần, tuy nhiên cần phải biết cách quảng bá và phát triển để tạo ra  sự nổi bật và hấp dẫn hơn nữa để thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài  và trong nước. Thủ tướng cho rằng, có 5 loại vốn sẵn có ở Quảng Ngãi để các nhà đầu tư và địa phương phát huy. Đầu tiên, vốn địa kinh tế, trong vị trí chiến lược của Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung và hành lang kinh tế Đông – Tây. Thứ hai, vốn cơ cở hạ tầng và vốn tự nhiên (tỉnh có hơn 130 km bờ biển, đó là nguồn tài nguyên hình thành hệ sinh thái biển đầy tiềm năng với nhiều bãi biển đẹp như Sa Huỳnh, Mỹ Khê, Khe Hai, Đức Minh…Thứ ba, vốn văn hóa và vốn con người (nhờ được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt, con người Quảng Ngãi đã rèn đúc cho mình sự cứng cỏi, dẻo dai, có sức chịu đựng, ý chí nghị lực, sáng tạo để cải biến tự nhiên, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội tốt đẹp.

Thủ tướng khẳng định, sản vật của tự nhiên qua bàn tay khối óc con người Quảng Ngãi trở thành những món đặc sản đậm phong vị quê hương như cá bống, cá thài bai, đường phèn, đường phổi, kẹo gương, mạch nha và rất nhiều món ăn đặc sản khác... Đây là những thương hiệu bản địa đặc sắc nếu các nhà đầu tư biết cách khai thác, quảng bá và phát triển sẽ tạo nên những giá trị thương mại rất lớn. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi 

Nền kinh tế Quảng Ngãi hiện đang chiếm 1,3%  GDP của cả nước, từng phầm trăm tăng trưởng của Quảng Ngãi sẽ rất có ý nghĩa đối với sự tăng trưởng của cả nước. Thủ tướng Chính phủ đề nghị, tỉnh Quảng Ngãi cần nhất quán quan điểm về  việc thu hút nhà đầu tư không “tham lớn khinh nhỏ”  mà cần một lợi ích lâu dài, bền vững không được vì cái lợi trước mắt. “Nói phải đi đôi với làm, làm thì phải làm nhanh, không nói thứ không làm được”.

"Việc thu hút nhà đầu tư rất quý giá nhưng nuôi dưỡng nhà đầu tư sẽ quý hơn rất nhiều. Chính phủ rất cần những nhà đầu tư chuẩn mực, hướng đến giá trị dài hạn, bền vững và thật sự đóng góp cho nền kinh tế và thực hiện đầy đủ các trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Chúng ta kiên quyết không chấp nhận những doanh nghiệp lợi dụng lỗ hổng của pháp luật để trục lợi, trốn thuế, gian lận thương mại, làm ăn phi chân chính, gây ô nhiễm môi trường, làm hư tổn các tài nguyên thiên nhiên, làm xói mòn các giá trị xã hội…  Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư hôm nay có các biên bản ghi nhớ, ký kết các khuôn khổ hợp tác đầu tư cần phải sớm thực hiện các cam kết của mình. Thủ tướng được biết có những nhà đầu tư đã bắt tay vào hiện thực hóa các ý tưởng mà không cần chờ đợi hội nghị xúc tiến hôm nay. Đó là vì thời cơ kinh doanh không thể chờ đợi", Thủ tướng nhấn mạnh.

Quảng Ngãi đồng cùng doanh nghiệp để phát triển địa phương

Theo báo cáo, sau 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, đến nay Quảng Ngãi đã có những bước phát triển vượt bậc - nhất là kể từ năm 2009, khi Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất đi vào hoạt động - đã tạo bước đột phá và giữ vai trò chủ lực ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 116.223 tỉ đồng, gấp gần 200 lần so với năm đầu tái lập tỉnh cách đây 30 năm (1989) với mức tăng trưởng bình quân hằng năm đạt gần 20%/năm.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất với vốn đầu tư 54.000 tỉ đồng, công suất 4 triệu tấn sản phẩm/năm. Dự án này sẽ góp phần tăng đáng kể sản lượng công nghiệp, dịch vụ cho tỉnh trong những năm tới. Dự kiến, sau khi hoàn thành, đưa vào hoạt động, dự án trên sẽ đem lại doanh thu khoảng 2 tỉ USD/năm, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Đặc biệt, sau khi nhà máy hoạt động hết công suất sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh 4.000 tỉ đồng mỗi năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm nay ước đạt gần 55.000 tỷ đồng. So năm 1989, GRDP tăng 19,5 lần (tăng trưởng bình quân 10,49%/năm). Từ chỗ thu ngân sách năm 1989 chỉ đạt 16 tỷ đồng đã tăng lên ở mức hơn 16.700 tỷ đồng vào năm 2010, năm 2019 ước đạt 20.000 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, Quảng Ngãi có hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt, đảm bảo thuận lợi cho quá trình đầu tư phát triển, với tuyến Quốc lộ 1A nối liền Bắc Nam; hệ thống đường sắt Bắc Nam; đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; Quốc lộ 24 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào, sân bay Chu Lai; có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Quảng Ngãi với Tập đoàn Hòa Phát - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Quảng Ngãi có chiều dài bờ biển 130 km, với các bãi biển đẹp như Bình Châu, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, huyện đảo Lý Sơn có thể phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Với tiềm năng và thế mạnh của Quảng Ngãi, trong thời gian tới, định hướng của tỉnh là tập trung thu hút những dự án trong lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hóa dầu, hóa chất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng đô thị, du lịch dịch vụ, khai thác, nuôi trồng thủy sản,... với công nghệ tiên tiến, không tác động xấu đến môi trường; đồng thời khuyến khích thu hút các dự án đầu tư xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa, thể dục thể thao.

Đến nay, ngành công nghiệp tại Quảng Ngãi đã hình thành một số sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: các sản phẩm xăng, dầu, hạt nhựa của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các sản phẩm siêu trường, siêu trọng như lò hơi, thiết bị nâng hạ, hệ thống khử nước mặn; các thiết bị điện, sản phẩm điện tử… ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, còn xuất khẩu đi gần 20 nước trên thế giới. Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, Quảng Ngãi có rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác xứng tầm và khẳng định tỉnh nhà luôn cam kết xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sẽ luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tham gia định hướng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động; nhất quán trong chính sách đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng.

Điểm “lấn cấn chung”  trong việc đầu tư

Quảng Ngãi từ ngày tái lập từ một tỉnh khó khăn, với một vài nhà máy xí nghiệp, nhà máy trong hệ thống quốc dân nhưng đến nay đã có 600 dự án, tạo ra giá trị sản xuất cao và giải quyết lao động cho địa phương. Tuy nhiên, việc đầu tư phải có quy hoạch và chiến lược ưu tiên phát triển các ngành kinh tế một cách chọn lọc và rõ ràng dựa trên lợi thế so sánh để điều hướng phân bổ nguồn lực. Đặc biệt là giữa ưu tiên phát triển công nghiệp (nhất là công nghiệp nặng) với du lịch. Đây cũng là vấn đề "lấn cấn" của nhiều địa phương. Thủ tướng đề nghị Quảng Ngãi tiên phong thực hiện một cuộc “đột phá Ba Tơ” cho vấn đề này, làm bài học cho các địa phương khác.

 Hội nghị đã thu hút khoảng 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng: Thứ Quảng Ngãi đang thiếu hiện nay chính là môi trường kinh doanh. Năm 2018, Quảng Ngãi xếp hạng không tốt về PCI (hạng 41), dù đã từng đạt thứ hạng khá cao trong quá khứ (PCI thứ 7 năm 2013). Để khắc phục những hạn chế, cải thiện môi trường đầu tư, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi cần tiếp tục cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của địa phương. Tiếp tục thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức, phát huy tính năng động, sáng tạo, tiên phong dám nghĩ dám làm của cán bộ các cấp …

"Phải có quy hoạch và chiến lược ưu tiên phát triển các ngành kinh tế một cách chọn lọc và rõ ràng dựa trên lợi thế so sánh để điều hướng phân bổ nguồn lực. Cần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động tương xứng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất mà nền kinh tế đã đạt được, tránh hiện tượng “bóng đi trước, hình chạy sau”. “Vì vậy, tôi đề nghị những nơi có thể phát triển đô thị mạnh mẽ như Đức Phổ, Vạn Tường… cần quy hoạch tốt, đầu tư tốt để cải thiện đời sống nhân dân. Làm đô thị rất lớn, mấy trăm, mấy nghìn ha là cần thiết, như FLC đang làm ở đây, còn những đô thị quy mô nhỏ, chúng ta phải tiếp tục tổ chức để bộ mặt nông thôn tốt hơn nữa cùng với việc xây dựng nông thôn mới”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế cao nhưng còn chứa đựng nhiều yếu tố thiếu ổn định, chất lượng vẫn chưa cao, chưa hài hòa, chưa bao trùm. Quy mô nền kinh tế nhìn chung còn nhỏ. Thu nhập bình quân đầu người chỉ tương đương với trung bình cả nước, chưa thể dẫn dắt thu nhập chung của cả nước. Tỷ lệ tiêu dùng cao nhưng sức mua yếu. Cấu trúc tiêu dùng của xã hội chưa thay đổi nhiều, cho thấy đời sống của người dân vẫn chưa thực sự khấm khá.

Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược về đầu tư phát triển giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Hoà Phát; trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án với tổng mức đầu tư 14.532 tỷ đồng; trao ghi nhận đầu tư cho 5 dự án khác với tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng.

Đỗ Hiếu  (tổng hợp)