Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Thái Bình

00:00 12/10/2020

Sáng 8/4, tại thành phố Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình. Cùng tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương và hàng trăm nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Thái Bình là tỉnh có điều kiện tự nhiên, sinh thái thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, Thái Bình có nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản có năng suất, chất lượng đứng đầu cả nước, như gạo đạt 1 triệu tấn/năm, ngao chiếm 50% sản lượng cả nước, tổng đàn lợn trên 1 triệu con… Toàn tỉnh có 245 làng nghề với các nghề nổi tiếng như chạm bạc, dệt, thêu, chiếu cói, gỗ mỹ nghệ… Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi chứng kiến sự có mặt của các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước và quốc tế và không khí sôi nổi, lạc quan tại tất cả các hội nghị về nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh thiên tai gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp năm qua. Điều đó cho thấy khí thế hướng về nông nghiệp, nông thôn, khai thác tiềm năng còn lớn của khu vực này. Thủ tướng nhấn mạnh, trong giai đoạn trước, Chỉ thị 100 hay Khoán 10 với tinh thần là cởi trói thì cải cách hiện nay phải trên tinh thần kiến tạo, giải phóng và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Để thành công trong nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, cần sự hiện diện, liên kết của 5 nhà: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng. Vai trò của 5 nhà đều quan trọng nhưng nhà doanh nghiệp đi đầu trong việc đưa nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập kinh tế thị trường thế giới và Việt Nam. Tại hội nghị này, Thủ tướng đã gợi ý tầm nhìn phát triển nông nghiệp đối với tỉnh Thái Bình. Theo Thủ tướng, Thái Bình cần phấn đấu trở thành tỉnh tiên phong, khơi nguồn cho những đổi mới trong phát triển. Thái Bình phải là tỉnh trù phú, giàu có dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu cho nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần hình thành nên một diện mạo mới của nền nông nghiệp Việt Nam và bức tranh nông thôn Việt Nam trong thập niên tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng cho rằng Thái Bình có sẵn các điều kiện để hiện thực hóa tầm nhìn này như có trình độ thâm canh cao, hạ tầng nông nghiệp cơ bản, gần các trung tâm tiêu thụ lớn… Từ đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển cả trước mắt và lâu dài, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở lợi thế so sánh, gắn chặt với từng vùng sinh thái, tránh cát cứ địa phương, mất đi tính liên vùng. Trong điều kiện đất chật người đông, Thái Bình cần có phương thức hợp lý để nông dân không bị mất đất mà vẫn tạo ra sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, Thái Bình cần mở rộng không gian phát triển hướng ra Biển Đông chứ không phải chỉ đứng trước biển. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong đó đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản là một trong những trụ cột quan trọng. Cần có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ để thu hút các doanh nghiệp, đối tác chiến lược mạnh về tài chính, có thị trường ổn định, có công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị sản phẩm của tỉnh, trong đó thủy hải sản mang thương hiệu Thái Bình trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và vươn ra quốc tế- Thủ tướng nêu rõ. Với nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ; có trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội, bảo đảm phát triển bền vững. Tập trung đầu tư các dự án sản xuất theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú trọng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; thực tâm hình thành mối quan hệ 3 bên (nhà đầu tư, nhà nước và người dân) cùng thắng trong hoạt động kinh doanh. Về phía Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tập trung làm thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cùng với nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn.

Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết hợp tác đầu tư tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng tin tưởng với nguồn lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, hỗ trợ của nhà đầu tư, Thái Bình sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo, đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chiến lược, chính sách của Đảng, Nhà nước để nông nghiệp, nông thôn, nông dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao các quyết định cho 33 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến 25.658 tỷ đồng; trong đó trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với số vốn đăng ký trên 2.016 tỷ đồng; trao quyết định chấp thuận nghiên cứu dự án đầu tư cho 19 dự án với số vốn đăng ký 20.925 tỷ đồng, chủ yếu để sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng cao, nuôi trồng thủy hải sản… Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thái Bình, chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát việc thi công Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và Xí nghiệp phân phối khí thấp áp miền Bắc. Thủ tướng cũng đã tới thăm ông Tô Ngọc Lanh, 70 tuổi là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ; thăm mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Cúp 99 tuổi, có 2 con là liệt sĩ. Theo congluan