Thu hút FDI: Cần có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách

00:00 12/10/2020

Luật Đầu tư nên có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách, về mặt tư duy, để thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài (ĐTNN)...

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng, hơn 3 năm thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng đột biến trên 70%. Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng trên thực tế, trong quá trình thực thi, luật Đầu tư vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Để luật thực sự đi vào cuộc sống thì còn nhiều việc phải làm và còn nhiều chính sách phải thay đổi.  

Một trong những điểm hạn chế mà ông Thắng chỉ ra đó là, Luật Đầu tư chưa quy định cụ thể về khái niệm, mục đích, giá trị pháp lý, phạm vi áp dụng của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với từng hình thức đầu tư và nguồn vốn sử dụng. 

thu hut fdi: can co nhung thay doi manh me ve chinh sach hinh 1

Cần nhiều thay đổi trong Luật Đầu tư để thu hút mạnh mẽ FDI. 


Luật cũng chưa có quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với các quy định của các luật chuyên ngành mới chỉ là những phát hiện mang tính hình thức, chưa xác định được nội dung cụ thể gây ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Do vậy, việc tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề đầu tư, kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn của Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, để Luật Đầu tư có sức lan tỏa và thực sự đi vào cuộc sống thì trong chính sách, trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới phải nghiên cứu đề ra những quy định về việc xây dựng những tập đoàn dẫn dắt. Tại Việt Nam, hiện có những tập đoàn phát triển tương đối tốt, có tiếng tăm, thương hiệu, tuy nhiên vẫn chưa có tầm quốc tế về cả giá trị cốt lõi, thương hiệu.

Cũng theo ông Toàn, về đầu tư nước ngoài (ĐTNN), trong luật phải có cải cách cơ bản. Những năm qua, “sứ mệnh” và vai trò của ĐTNN là rất quan trọng, Chính phủ đã thừa nhận, các doanh nghiệp ĐTNN là một phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Nếu không có ĐTNN thì kinh tế Việt Nam sẽ khó mà khởi sắc, đây chính là nhân tố để thúc đẩy Việt Nam hội nhập và phát triển. 

Bên cạnh đó, việc thu hút ĐTNN phải được tính toán kỹ lưỡng hơn, có chọn lọc, có ưu tiên và có từ chối. Ông Toàn cho rằng, luật ĐTNN phải được thay đổi một cách căn cơ, đột phá về mặt tư duy để thu hút mạnh mẽ ĐTNN. Bởi trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút ĐTNN đặt mục tiêu cao hơn trước rất nhiều, chú trọng đến chất lượng và hiệu quả của việc đầu tư chứ không thu hút đầu tư bằng mọi giá. 

“Từ những định hướng đó, hiện, Bộ Chính trị đang xây dựng Nghị quyết về thu hút ĐTNN trong giai đoạn mới, đây là tín hiệu tốt. Trong soạn thảo lần này nếu không theo những xu hướng đó mà cứ sai đâu sửa đấy, sửa những điều lặt vặt thì sẽ không giải quyết được việc gì”, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết. 

Ông Toàn chia sẻ thêm, hạn chế của ĐTNN hiện nay là không hút được nguồn đầu tư nước ngoài có công nghệ cao từ những nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và EU. 

Theo số liệu của đầu tư quốc tế của Mutrap, năm 2017, đầu tư ra nước ngoài của Mỹ là 342 tỷ USD, trong khi đó đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam chỉ khoảng 560 triệu USD năm 2018. Đây là con số quá nhỏ. Với Liên minh châu Âu, đầu tư vào Việt Nam năm 2018 khoảng hơn 20 tỷ USD, riêng Hà Lan là gần 9 tỷ USD… Những con số này cho thấy, phải chăng môi trường đầu tư tại Việt Nam trong đó có môi trường pháp lý đối với ĐTNN chưa phù hợp với nguồn công nghệ cao từ những nước tiên tiến như Mỹ, EU. 

Do vậy, ông Toàn đề đề xuất, ban soạn thảo cần đưa ra sự đổi mới về chính sách trong luật để có thể thu hút được công nghệ cao, tạo sự kết nối với các doanh nghiệp trong nước cũng như lan tỏa đầu tư nước ngoài. Đó là điều kiện để Việt Nam có thể khắc phục được những điểm yếu và phát huy được những lợi thế tốt nhất trong thu hút ĐTNN thời gian tới./.

Chung Thủy