Thông tư 37 của Bộ Công Thương: Vừa ‘hành’ DN, vừa trái luật?

00:00 12/10/2020

Nhóm nghiên cứu của GIG và CIEM vừa kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ ngay Thông tư 37 do ban hành thiếu cơ sở pháp lý.

Các doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn với thủ tục kiểm tra formaldehyt-Ảnh minh họa
Nhóm chuyên gia dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định Thông tư 37/2015 của Bộ Công Thương quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm… trong sản phẩm dệt may là trái luật.
“Việc Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với sản phẩm dệt may là không đủ cơ sở pháp lý. Trong 7 năm qua, quy định này đã gây tốn kém rất lớn về thời gian và chi phí của doanh nghiệp” – bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM nhận định. Cụ thể, theo nhóm chuyên gia của GIG và CIEM, trước đó Bộ Công Thương có Thông tư số 32/2009 về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may đã tạo ra nhiều bất cập cho doanh nghiệp. Ngày 30/10/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 37/2015 để thay thế. Tuy nhiên, qua rà soát các văn bản pháp lý liên quan cho thấy việc Bộ Công Thương ban hành thông tư 37 là trái luật. Vì theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Công Thương chỉ được ban hành các quy định về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may nếu sản phẩm dệt may thuộc sản phẩm, hàng hóa trong trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, tại chính Thông tư số 08/2012 về “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương” thì sản phẩm dệt may lại không có trong danh mục này. Như vậy, việc ban hành Thông tư 37 của Bộ Công Thương là trái Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đến ngày 24/11/2015, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư số 41/2015/TT-BCT thay thế Thông tư số 08/2012, trong đó bổ sung sản phẩm dệt may vào danh mục. Tuy nhiên, động thái này không “sửa” được một thực tế là Thông tư 41 ban hành và có hiệu lực sau Thông tư 37. Theo chuyên gia hải quan Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, đây là cách “chữa cháy” này của Bộ Công Thương nhưng Thông tư 37 37 vẫn không có cơ sở pháp lý, Thông tư 32 lại càng không có cơ sở pháp lý. “Vậy mà hàng trăm trăm doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu chủ lực, với hàng triệu lao động bị “hành” bởi 1 văn bản không có cơ sở pháp lý suốt 6 năm trời, với biết bao chi phí và thời gian”, ông Bình bày tỏ. Kiểm tra vô cùng nhiều, kết quả vô cùng nhỏ Trước đó, các doanh nghiệp đã nhiều lần ca thán về Thông tư này của Bộ Công Thương với lý do kiểm tra quá nhiều, gây tốn kém rất nhiều về thời gian và chí phí cho doanh nghiệp nhưng lại không có nhiều hiệu quả. Tại Nghị quyết 19 năm 2015, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2009/TT-BCT. Sau đó Bộ đã sửa đổi Thông tư 32 bằng Thông tư 37, nhưng việc sửa đổi này chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Tại Nghị quyết 19 năm 2016, Chính phủ đã yêu cầu Bộ phải có văn bản giải thích những nội dung chưa rõ ràng của Thông tư 37. Theo đánh giá của Bộ KHĐT, Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công thương chưa đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị quyết 19; chưa giải quyết được vấn đề, gây bức xúc cho doanh nghiệp. Theo ý kiến của Hiệp hội Dệt may và một số doanh nghiệp có liên quan, thì Thông tư số 37 chưa thực sự tạo thuận lợi, mà trái lại còn gây khó khăn, làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Thực tiễn 7 năm áp dụng kiểm tra formaldehyt cho thấy chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định và chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyt cao quá mức quy định. Theo thống kê của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, mỗi năm có khoảng 8.000 lô hàng dệt may làm thủ tục nhập khẩu tại sân bay này phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt, nhưng chỉ có 6 trường hợp (0,0125%) không đáp ứng hàm lượng theo quy định Trong khi đó, 7 năm qua, doanh nghiệp phải trả hàng trăm tỉ đồng chi phí cho việc kiểm tra formaldehyt, thời gian thông quan hàng hoá bị kéo dài. Chi phí giám định formaldehyt cho một lô hàng nhập khẩu để sản xuất là 2.035.000 đồng/1 mẫu vải. Mỗi lô hàng thực hiện kiểm tra mất từ 3 – 7 ngày, mỗi năm có nhiều nghìn lô hàng, gây lãng phí nhiều nghìn ngày công của cả doanh nghiệp và của cơ quan kiểm định. Ví dụ trong tháng 3 và tháng 4 năm 2016, có doanh nghiệp dệt may nhập khẩu 96 hàng mẫu, với trọng lượng và giá trị là rất nhỏ. Có hàng mẫu (vải) chỉ 5-10m với giá trị chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng, nhưng phí kiểm tra formaldehyt mà doanh nghiệp phải trả là 2 triệu đồng, cao gấp 10-20 lẩn giá trị hàng mẫu.  Hà Chính/Chinhphu.vn