Thông tin về dự án nghìn tỷ bị “chết yểu” ở Hà Tĩnh

00:00 12/10/2020

Trong ngày họp thứ hai kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, dự án bò Bình Hà của cty CP Bình Hà được nhiều đại biểu quan tâm. Đây là dự án được đánh giá lớn nhất khu vực miền Trung trong lĩnh vực chăn nuôi với tổng số vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng nhưng “chết lâm sàng” sau 2 năm triển khai.


Soát xét lại năng lực nhà đầu tư

Là đại biểu đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh nhận được rất nhiều câu hỏi của đại biểu liên quan đến dự án bò Bình Hà, dự án từng được xem là đầu kéo làm thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh lại “chết lâm sàng” sau một thời gian ngắn. Trong đó có các vấn đề như chủ đầu tư huy động nguồn vốn dự án từ đâu và hiệu quả sử dụng nguồn vốn này như thế nào? Lúc quy hoạch, kêu gọi dự án đã đánh giá đúng năng lực của phía chủ đầu tư hay chưa? Cũng như nguyên nhân, hướng giải quyết và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến dự án này?

Tại phiên chất vấn, ông Đặng Quốc Cương (đại biểu Cẩm Xuyên) và bà Nguyễn Thị Thúy Nga (đại biểu Can Lộc) cho rằng: Việc đánh giá nguyên nhân dẫn đến dự án bò Bình Hà thua lỗ là chưa thỏa đáng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như thế nào trong việc thẩm định đến quá trình triển khai, theo dõi dự án?

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, thời gian đó, tỉnh đang có chủ trương thu hút đầu tư. Dự án này vào với kỳ vọng rất lớn, tạo chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài những nguyên nhân khách quan, ông Việt cho rằng nguyên nhân chủ quan là do thời gian đó, nhà đầu tư có sự thay đổi chủ sở hữu và hệ điều hành nên chưa quyết liệt trong vấn đề sản xuất.

Còn đại biểu Nguyễn Huy Hùng cho rằng, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, dự án chưa đem lại hiệu quả và gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội và ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt, dự án gây lãng phí hàng trăm héc ta đất khi người dân vẫn có nhu cầu sử dụng. "Về vấn đề này, tỉnh đã xử lý vi phạm như thế nào? Thanh tra chuyên ngành các sở ngành đã vào cuộc hay chưa?" - đại biểu Huy đặt câu hỏi.

Một góc trại chăn nuôi bò của dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh do Công ty CP chăn nuôi Bình Hà thực hiện ở địa bàn huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị bỏ hoang

Với câu hỏi này, ông Việt khẳng định ngay sau khi phát hiện những sai phạm tại công ty Bình Hà, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý. Phía công ty Bình Hà đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất. Hiện công ty đang xin điều chỉnh lại dự án. Các cơ quan chức năng sẽ soát xét lại diện tích đất đai, năng lực nhà đầu tư, nếu không đảm bảo thì sẽ điều chỉnh quy mô dự án.

Sẽ thu hồi nếu dự án không hiệu quả

Việc công ty Bình Hà đã chuyển 212ha diện tích quy hoạch trồng cỏ sang trồng chuối chưa đúng với mục tiêu của dự án theo chủ trương đầu tư của UBND tỉnh cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu Nguyễn Huy Hùng (đại biểu Lộc Hà), Trần Văn Kỳ (đại biểu Kỳ Anh) chất vấn về việc tỉnh sẽ xử lý vi phạm này như thế nào?

Đại biểu Trần Văn Kỳ (đại biểu huyện Kỳ Anh)

Về vấn đề này, ông Việt cho biết: “Khi phát hiện việc này, chúng tôi đã yêu cầu công ty phải có các thủ tục điều chỉnh mục đích sử dụng đất, điều chỉnh nội dung dự án và cung cấp các hồ sơ, trước mắt dừng việc trồng chuối đến khi báo cáo đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định”.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hà, đoàn đại biểu Thị xã Kỳ Anh cho rằng, dự án bò Bình Hà khi bắt đầu đầu tư vào đã nhận được sự quan tâm của các sở, ban ngành Hà Tĩnh. Nhưng trong quá trình thực hiện lại nảy sinh nhiều vấn đề. Hiện tại người dân muốn biết thời gian tiếp theo dự án này sẽ như thế nào?

Trước các câu hỏi của đại biểu về dự án này, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời chất vấn. Ông Sơn cho biết, việc sản xuất nông nghiệp vốn luôn rủi ro và gặp nhiều khó khăn. Dự án bò Bình Hà triển khai khi tỉnh ta đang quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và thời điểm đó dự án cao su đang hết sức khó khăn, đòi hỏi một hướng đầu tư mới.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Theo ông Sơn, quá trình thực hiện, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm các thông số trình bày với các sở, ban ngành. Ngoài ra, thời điểm đó tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang làm ăn tốt, tỉnh Hà Tĩnh cũng nhiều lần vào tham quan dự án nuôi bò ở đây. Quá trình cấp phép cho công ty Bình Hà đầu tư là đúng trình tự quy định. Chỉ có vấn đề chậm là báo cáo đánh giá tác động môi trường, các sở, ban, ngành cũng đã yêu cầu công ty làm đầy đủ vấn đề này.

Chia sẻ thêm về việc chuyển từ trồng cỏ sang trồng chuối, ông Sơn cho biết là do công ty Bình Hà gặp quá nhiều khó khăn. Nếu các cơ quan chức năng xử lý cứng, đúng pháp luật sẽ đổ vỡ dự án. “Thông tin đến nay là giống này do một công ty trong nước cung cấp. Hiện chưa phát hiện bệnh ngoại lai nào với cây chuối. Cục Trồng trọt đã có văn bản hướng dẫn việc bổ sung những hồ sơ cần thiết và có thể xem đây là một hướng chuyển đổi sản xuất cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi số diện tích trồng chuối này, hỗ trợ công ty đánh giá khách quan. Thời gian tới, nếu công ty hoạt động không hiệu quả sẽ đánh giá thu hồi dự án”, ông Sơn nói.

Trước đó, báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài viết “Hà Tĩnh: Dự án nghìn tỷ bị “chết yểu” phản ánh về dự án chăn nuôi bò của công ty CP chăn nuôi bò Bình Hà được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định số 99 ngày 12/01/2016 với diện tích đất thực hiện dự án là 2.163ha, tổng mức đầu tư gần 4.582 tỷ đồng với quy mô đàn bò 254.200 con. Đến nay, công ty đã bồi thường được 1.131ha đất trong dự án chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích đưa vào sử dụng là 891ha.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai đến nay dự án vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Công ty chưa thực hiện được việc nhập ngoại bò giống để nuôi sinh sản, chưa thực hiện được việc liên kết chăn nuôi bò với các hộ dân. Hiện đàn bò còn lại 1.140 con nên một số hệ thống chuồng trại để trống, không sản xuất chăn nuôi. Theo đó, cty CP bò Bình Hà đã phá bỏ toàn bộ diện tích trồng cỏ (767ha) chuyển sang trồng chuối (212ha). Điều này là chưa đúng với mục tiêu của dự án theo chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.

Thanh Tâm