Thời của các cổ phiếu 'trà đá'?

00:00 12/10/2020

Trong những phiên đầu tháng 6, thị trường liên tiếp chứng kiến "con sóng" tại nhóm các cổ phiếu lâu nay vẫn giao dịch quanh vùng giá “trà đá” với thanh khoản vượt trội dù không có thông tin hỗ trợ nào đáng kể.

Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đang trở thành tâm điểm của thị trường với sự bứt phá nhanh chóng của thị giá và khối lượng liên tục duy trì ở mức cao.

Tính đến phiên giao dịch sáng 9/6, cổ phiếu ITA ghi nhận phiên tăng trần thứ 11 trong 12 phiên gần nhất, lên 5.300 đồng/cp. Thanh khoản đã giảm so với tuần trước nhưng vẫn duy trì ở mức hơn 4,4 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Đua nhau "nổi sóng"

Sự bứt phá mạnh mẽ trở thành một cổ phiếu “nóng” của ITA đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư, bởi giá cổ phiếu này đã "nằm đáy" suốt nhiều năm khiến cổ đông dần dần rời bỏ vì mất hết hy vọng vào một sự phục hồi. Thậm chí, có ý kiến cho rằng ITA sẽ tiến về mốc 10.000 đồng/cp cho đợt tăng trưởng lần này.

Bên cạnh tiềm năng chung của nhóm cổ phiếu khu công nghiệp (KCN) thì đà tăng của ITA có lẽ đến từ kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2020 với lợi nhuận sau thuế cao gấp 4,5 lần cùng kỳ năm trước, đạt 25 tỷ đồng.

co-phieu-tra-da-3458-1591687649.jpg

Nhiều cổ phiếu đã từng là "con ghẻ" của thị trường chứng khoán đột ngột tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây (Ảnh: Internet)

Bên cạnh ITA, một cổ phiếu penny khác cũng đang “nóng bỏng tay” trên thị trường là HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân. Tính đến phiên sáng 9/6, mã cổ phiếu này đã tăng trần phiên thứ 7 liên tiếp, đưa thị giá từ mức 1.100 đồng lên 1.740 đồng/cp, tương đương gần 58,2%.

Khối lượng giao dịch cũng ghi nhận đột biến, bình quân đạt hơn 19 triệu đơn vị/phiên, gấp 4 lần so với tuần giao dịch cuối tháng 5.

Đây có thể xem là hiệu ứng tích cực từ các thông tin mà Hoàng Quân đưa ra tại kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra vào ngày 30/5 vừa qua với kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng: tổng doanh thu 1.019 tỷ đồng, lợi nhuận 63 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 55,3% và 52,3% so với thực hiện năm 2019.

Đặc biệt, trong định hướng kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025, Hoàng Quân đặt ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế mỗi năm đạt từ 100 tỷ đồng; mục tiêu cụ thể 5 năm tới đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Với kết quả đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu cải thiện giá cổ phiếu, đến năm 2024 đưa cổ phiếu HQC về mệnh giá. Đáng chú ý, kể từ năm 2020, công ty cũng cam kết và phấn đấu chia cổ tức mỗi năm bằng tiền cho cổ đông.

Sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai. Dù không gây sốt bằng những phiên tăng trần liên tiếp, nhưng thị giá của mã này cũng đang trên đà leo dốc trở lại sau đợt điều chỉnh ngắn hạn hồi nửa cuối tháng 3/2020.

Kể từ đầu tháng 4 đến nay, QCG đã tăng gần 56% từ mức giá 5.710 đồng lên 8.900 đồng/cp (phiên 8/6). Nhiều nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng vào thương vụ chuyển nhượng 35% vốn tại CTCP Bất động sản Sông Mã của Quốc Cường Gia Lai.

Cụ thể, ngày 29/5/2020, Quốc Cường Gia Lai thông báo đã chuyển nhượng 35% vốn tại Bất động sản Sông Mã với giá trị 121,65 tỷ đồng, bên nhận chuyển nhượng là cá nhân bà Lê Thị Thanh Thuý.

Hay như cổ phiếu ROS của FLC Faros, dù vướng phải sự “rút lui” của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết - người vốn được coi là "linh hồn của doanh nghiệp", vẫn tăng liên tiếp 4 phiên gần đây, trong đó có 3 phiên tăng trần.

"Nóng" quá liệu có "bỏng tay"?

Thực tế, việc nhận định ITA có thể tiến về vùng mệnh giá (10.000 đồng/cp) đã khiến nhiều người hoài nghi liệu rằng có hợp lý? Theo một chuyên gia phân tích, dưới góc nhìn kỹ thuật chưa có cơ sở nào để tính toán cho vùng giá này.

Hiện, giá của ITA đã vượt được mức đỉnh cũ hồi tháng 7/2017 (4.600 - 4.900 đồng/cp). Vậy, theo nguyên lý đối xứng trong phân tích kỹ thuật (symmetry), ITA chỉ có khả năng tiến đến vùng 7.900 - 8.200 đồng/cp.

Đáng chú ý, phía sau con số lợi nhuận đột biến vừa qua thì bức tranh tài chính, kinh doanh của Tân Tạo vẫn có nhiều dấu hỏi. Điển hình như khoản tiền thuê đất một lần tại KCN Tân Tạo và KCN Tân Đức có thể khác với số tiền đã được trích lập trước (886 tỷ đồng) được nhắc đến tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019.

Hay như trường hợp của HQC, dù tăng trần liên tiếp song thị giá cổ phiếu này vẫn đang rất thấp so với các mã cùng ngành. Trong quá khứ, đã có thời điểm, thị giá cổ phiếu HQC đạt mức đỉnh 38.000 đồng/cp. Nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu lao dốc được cho là do kết quả kinh doanh sụt giảm.

Báo cáo tài chính cho thấy quý I/2020, HQC đạt doanh thu thuần hơn 138 tỷ đồng, tăng gần 18,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận lại giảm 67% chỉ đạt hơn 3,5 tỷ đồng; nợ phải trả chiếm tới 35% cơ cấu nguồn vốn.

Không chỉ dừng lại ở mức nghi ngại như HQC và ITA, cổ phiếu QCG còn được các nhà đầu tư có kinh nghiệm đưa ra cảnh báo cẩn trọng, bởi kỳ vọng chính là thương vụ tại Bất động sản Sông Mã thực tế chỉ mang lại lợi ích rất nhỏ cho doanh nghiệp (khoản chênh lệch chỉ đạt gần 5 tỷ đồng), trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi lại chưa có chuyển biến tích cực.

Trong nhiều quý gần đây, Quốc Cường Gia Lai chủ yếu thu lãi từ các hoạt động tài chính, mà cụ thể là việc thoái vốn tại các công ty con. Sang quý II năm nay, nếu không có hoạt động tài chính đáng kể nào khác, lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai sẽ đến thuần túy từ hoạt động kinh doanh.

Hiện, dự án Phước Kiển đang chiếm tỷ trọng chủ yếu trong lượng hàng tồn kho hơn 7.700 tỷ đồng nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn do vướng thủ tục pháp lý. Nếu chưa tìm được lối thoát, rất khó để công ty có thể duy trì hiệu quả.

Nhìn chung, các mã cổ phiếu nhỏ có thể mang lại cho các nhà đầu tư một khoản lợi nhuận kếch xù chỉ trong vài phiên giao dịch, nhưng cũng có thể làm “cháy túi” trong cùng một thời gian. Để đảm bảo khoản đầu tư của mình, nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi "xuống tiền".

Vân Linh