Thợ mỏ - Cha truyền con nối

10:16 10/11/2020

Ai cũng biết nghề mỏ hầm lò nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, không dễ yêu. Nhưng nếu không yêu nó thì vì cái gì mà biết bao thế hệ con nối tiếp cha, em nối tiếp anh, tạo thành đội quân trùng trùng điệp điệp như vậy?

Ngày mai, giai cấp công nhân Vùng Mỏ kỉ niệm 84 năm, Ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ-Truyền thống ngành Than (12/11/1936-12/11/2020). Nhân ngày này, tôi chợt nhớ đến bài viết “Người thợ nghiện đi lò!”, đăng trên tờ báo nọ. Bài viết ca ngợi một công nhân khai thác than hầm lò chăm chỉ, yêu nghề - yêu nghề đến mức…“nghiện”! Đọc xong, tôi nghĩ bụng, người ta có thể nghiện rượu, nghiện thuốc lá, thuốc lào nay có người lại “nghiện” vào hầm lò được ư? Tôi đã nhiều năm làm nghề hầm lò; nếm trải nỗi vất vả của người thợ làm việc dưới lò sâu nên không tin có người lại đi “nghiện” cái nghề hầm lò nặng nhọc nhất trong những nghề nặng nhọc này! Thậm chí, cái nghề này, yêu được nó còn khó chứ đừng nói là “nghiện”…


Thợ mỏ hầm lò vào ca (ảnh: Cao Thâm).

Thế nhưng, 10 năm làm báo trong ngành Than tôi đã biết, rất nhiều gia đình thợ mỏ gồm 2 thậm chí 3 thế hệ, gắn bó với nghề mỏ hầm lò nặng nhọc, độc hại này. Riêng ở Công ty Than Vàng Danh, nhiều gia đình cả nhà làm mỏ; vào ngày lễ, ngày Tết, gia đình làm cỗ, nếu tính cả dâu, rể, “cánh” thợ mỏ quây tròn hai mâm. Ở làng mỏ Mông Dương, đa số hiện làm việc ở các công ty than hầm lò như: Than Mông Dương, Than Khe Chàm và Hầm lò 1. Ở Công ty than Mạo Khê, ông Nhữ Xuân Hinh, Phó văn Phòng Công ty, mới nhẩm tính sơ qua đã ngót chục gia đình thợ lò “Cha truyền con nối”...

Đáng chú ý là, nhiều người con của thợ mỏ sinh ra trong đạn bom khốc liệt, lớn lên trong thời bao cấp thiếu đói nhưng học giỏi; thi đỗ Đại học Mỏ- Địa chất, ra trường, trở về vùng Mỏ nối nghiệp cha ông. Trong đó, không ít người đã phấn đầu trở thành lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn TKV, của các công ty mỏ hầm lò và của tỉnh Quảng Ninh như ông Đặng Thanh Hải, hiện là Tổng Giám đốc TKV; ông Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh ...Họ là con của những thợ mỏ thực thụ; không phải “con ông cháu cha”.

Ai cũng biết nghề mỏ hầm lò nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, không thể “nghiện” - đương nhiên rồi! - Nhưng nếu không yêu nó thì vì cái gì mà biết bao thế hệ con nối tiếp cha, em nối tiếp anh, tạo thành đội quân trùng trùng điệp điệp như vậy? Và, vì cái gì mà biết bao chàng trai đưa vợ con ra mỏ - dù vợ không có việc làm vẫn quyết gắn bó với mỏ, sinh con đẻ cái, tạo thành cộng đồng thân ái, quấn túm bên nhau?

 Tôi đã đặt câu hỏi này với nhiều thợ lò và được họ giải thích, đại để, ai cũng cần có một nghề, nhưng mỗi người một hoàn cảnh, một cơ hội lựa chọn nghề. Mà một khi đã chọn nghề hầm lò, đã xỏ ủng, khoác áo thợ xuống lò thì vào “gương” mà làm (nơi trực tiếp sản xuất), có thêm thu nhập bù vào cho vợ con; láng cháng phất phơ trong lò, yếu người! Và, khi đã làm cùng nhau, cùng gian khổ, anh em càng thương yêu nhau hơn.

 Có người lại giải thích rằng, nghề hầm lò như bố mẹ mình ngày xưa lấy nhau do sự sắp đặt vậy - đó là sự sắp đặt của số phận. Nhưng ăn ở miệt mài bên nhau, có con với nhau phải có trách nhiệm với con cái, với bố mẹ già, với họ hàng. Như vậy, ai dám bảo bố mẹ mình ngày xưa không yêu nhau!

Tôi đồng tình với những giải thích trên của thợ lò. Hay khái quát hơn, lí do chính để lớp lớp thế hệ thợ mỏ gắn đời mình với công việc nặng nhọc là phấn đấu vì cuộc sống no đủ, bình yên và là sự đồng cam cộng khổ, thương yêu nhau như anh em ruột thịt, tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn vì lí tưởng đó. Đó cũng chính là truyền thống tốt đẹp của của giai cấp công nhân mỏ trong trong trang sử vẻ vang của dân tộc.

Cao Thâm