Thị trường thiết bị y tế tỉ USD, doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài

00:00 12/10/2020

Bộ Y tế triển khai y tế điện tử, với công nghệ và thiết bị chủ yếu nhập khẩu và cơ sở dữ liệu không được chia sẻ.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu công nghệ, thiết bị y tế từ nước ngoài

Ông Nguyễn Văn Tiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu công nghệ, thiết bị y tế từ nước ngoài.

Theo ông Tiên, Nhật Bản, châu Âu, Singapore và Trung Quốc là những thị trường nhập khẩu chính công nghệ và thiết bị y tế của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam chỉ sản xuất được những dụng cụ giản đơn, như giường, tủ,  banh, kéo…, lĩnh vực chiếm tỉ  lệ tài chính thấp. Sản xuất trong nước chiếm từ 1,5-2% tổng thị phần trong nước.

Thị trường thiết bị và vật tư y tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh. Tổng vốn đầu tư vào trang thiết bị y tế tại Việt Nam năm 2010 ước đạt 515 triệu USD, nhưng đến năm 2016 tổng vốn đầu tư là 950 triệu USD và đến năm 2017 con số này tăng lên 1,1 tỉ USD, theo số liệu của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% số bệnh viện trực thuộc Bộ có hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, trong đó có 70% số bệnh viện tích hợp hệ thống quản lý xét nghiệm, 50% tích hợp hệ thống thông tin lưu trữ và truyền hình ảnh y học, 100% các đơn vị có hệ thống thông tin tích hợp phục vụ công tác điều hành…

Chủ trương ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực khám chữa bệnh, Bộ Y tế đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác khám, chữa bệnh, ưu tiên tập trung triển khai ba chương trình y tế điện tử.

Thứ nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế.

Thứ hai, thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã theo tiêu chuẩn chung để bảo đảm kết nối liên thông các phần mềm này với nhau và với giám định khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thứ ba, xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa Bộ Y tế, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.

Dù vậy, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác khám, chữa bệnh, của nước ta tiến triển chậm, trong khi tỷ lệ dân số già hóa ngày càng nhanh, nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng.

Những trở ngại trong lĩnh vực y tế ngày một rõ ràng trong bối cảnh đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân của Việt  Nam còn hạn chế. Đặc biệt, nhu cầu chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đang rất lớn, nhưng nguồn cung ứng để giải quyết vấn đề này còn khiêm tốn, trong khi cơ sở dữ liệu không được chia sẻ giữa các cơ sở y tế và khám chữa bệnh. 

Đại diện Novartis, một tập đoàn trong lĩnh vực y tế của Thụy Sỹ, ông Roeland Roelofs, cho biết, vấn đề bảo mật thông tin người dân sẽ tốt hơn khi hệ thống kỹ thuật số được đầu tư đầy đủ. Theo ông, Diễn dàn Y tế tương lai năm 2018 sẽ đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là hai giải pháp về công nghệ dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đầu tư sáng tạo đổi mới.

“Việc đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số sẽ  tạo điều kiện cho người dân Việt Nam bảo vệ sức khỏe tốt hơn”, Đại diện Novartis nói. Ông Roeland Roelofs cũng tin rằng công nghệ phát triển sẽ tạo sự tương tác tốt hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và các công ty trong lĩnh vực y tế.

Vân Nguyễn