Thị trường ôtô đang "gượng dậy"

00:00 12/10/2020

Trong tháng 5/2018, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 23.065 xe, xe lắp ráp trong nước đạt 19.467 xe và xe nhập khẩu là 3.598 xe…

Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường tháng 5/2018 đã tăng 9% so với tháng liền trước, đạt 23.065 chiếc.

Trong đó, lượng xe du lịch đạt 15.397 chiếc, tăng 13%; lượng xe thương mại đạt 6.890 chiếc, giảm 8%; lượng xe chuyên dụng đạt 778 chiếc, giảm mạnh 36%.

Thị trường ôtô tháng 5/2018 cũng chứng kiến sự cân bằng về tăng trưởng của cả hai mảng xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU).

Tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA tính đến hết tháng 5/2018

Cụ thể, tổng sản lượng bán hàng các loại ôtô lắp ráp trong nước đạt được trong tháng vừa qua là 19.467 chiếc, tăng 9% so với tháng liền kề trước đó. Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc nhập khẩu về nước cùng thời gian này cũng đạt đến 3.598 chiếc, tăng 12%.

Cũng theo báo cáo của VAMA, tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường 5 tháng đầu năm 2018 đạt 103.746 chiếc, thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, sản lượng xe du lịch đạt 68.835 chiếc, tăng 6%; sản lượng xe thương mại đạt 30.883 chiếc, giảm 19%; sản lượng xe chuyên dụng đạt 4.028 chiếc, giảm 37%.

Như vậy, thị trường ôtô đã bắt đầu gượng dậy trở lại sau quãng thời gian dài phải mệt mỏi chờ đợi. Nếu như suốt năm 2017, các hãng ôtô mệt mỏi với trò thi gan chờ xe giá rẻ nhập khẩu ASEAN của người tiêu dùng thì sang năm 2018, sự mệt mỏi lan sang cả người tiêu dùng bởi giá xe không những không giảm mà thậm chí còn không có xe để mua.

Tình trạng khan hiếm của thị trường quãng thời gian nửa đầu năm 2018 được lý giải bởi xe xe nhập khẩu nguyên chiếc vướng phải các quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ. Mặc dù nhiều hãng xe đã giải quyết xong thủ tục từ tháng 3 song lượng xe về nước sau đó vẫn rất nhỏ giọt.

Theo các chuyên gia nhận định, việc xe trong nước tăng trưởng còn xe nhập khẩu giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2018 cũng là dễ hiểu, vì hiện tại mới có Honda Việt Nam và GM Việt Nam đáp ứng được những quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô do Chính phủ ban hành và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 để nhập khẩu xe và hoàn tất các thủ tục đăng kiểm, hải quan... nên lượng xe nhập khẩu về Việt Nam và bán ra trên thị trường vẫn rất khiêm tốn.

Còn nhiều hãng như: Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam Mitsubishi Việt Nam… hiện vẫn chưa có những dòng xe nhập khẩu để tung ra thị trường. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị phần của nhiều hãng xe tại Việt Nam những tháng đầu năm 2018.

Dù không khó khăn như xe xe nhập khẩu nguyên chiếc song xe lắp ráp trong nước cũng không đủ nguồn cung ra thị trường. Lý do một phần bởi người tiêu dùng dồn sang mua xe lắp ráp trong nước khi không có xe nhập khẩu nguyên chiếc. Nhưng một lý do khác cũng ít nhiều tương đồng với xe xe nhập khẩu nguyên chiếc là do các hãng xe chiếm thị phần lớn đã hạn chế nhập khẩu linh kiện ở giai đoạn cuối năm 2017 để chờ sang năm 2018 được nhập khẩu linh kiện hưởng thuế ưu đãi 0% theo Nghị định 125 của Chính phủ. Bởi vậy, những tháng đầu năm 2018, sản lượng lắp ráp xe lắp ráp trong nước không kịp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đây cũng chính là câu trả lời cho sự gượng dậy của sức mua ôtô trên toàn thị trường tháng 5/2018. Khi xe nhập khẩu nguyên chiếc bắt đầu về nước nhiều hơn, nhất là xe mang xuất xứ từ các nước nội khối ASEAN như Thái Lan và Indonesia, cùng với sự chủ động hơn về nguồn cung của xe lắp ráp trong nước, sức mua ôtô theo đó cũng tăng lên. 

Dự báo, trong những tháng cuối năm 2018, thị trường ô tô sẽ có nhiều thay đổi trước sự "đổ bộ" của nhiều dòng xe nhập khẩu. Đặc biệt, trong đó có nhiều mẫu xe thuộc diện được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% (theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA). Điều này sẽ giúp mức giá của các mẫu xe giảm từ 10 - 30%, đồng thời, tăng sự lựa chọn cho khách hàng.

Tiến Minh