Thị trường M&A: Thay đổi để bứt phá

00:00 12/10/2020

Hội nhập kinh tế quốc tế, cộng với những thay đổi tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang tạo thêm cơ hội bứt phá cho thị trường mua bán, sáp nhập DN (M&A) tại Việt Nam. Song để tận dụng được những cơ hội này, đòi hỏi sự quyết tâm của Chính phủ và cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp Hàn Quốc lấn sân

Theo dự báo của Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, giá trị các thương vụ M&A năm nay có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% của năm 2018. Trong đó, 6 tháng đầu năm, giá trị các thương vụ M&A được thống kê chính thức đạt 1,9 tỷ USD, bằng 53% của cùng kỳ 2018 với 3,55 tỷ USD. Tuy nhiên con số thực tế được giới chuyên gia nhận định sẽ lớn hơn rất nhiều.

thi truong ma thay doi de but pha

M&A giúp DN Việt Nam nâng cao trình độ quản trị

Các lĩnh vực M&A sôi động nhất trong giai đoạn 2018 - 2019 tập trung vào các lĩnh vực khai thác thế mạnh thị trường 96 triệu dân của Việt Nam, bao gồm: Sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản. Trong đó, các thương vụ đáng chú ý tập trung vào các lĩnh vực tài chính tiêu dùng, thủy sản, bán lẻ và logistics, giáo dục…

Nếu năm 2017 là năm của nhà đầu tư Thái Lan với rất nhiều thương vụ M&A đình đám, trong đó nổi bật là thương vụ Tập đoàn Thaibev mua lại SABECO với tổng giá trị thương vụ lên tới trên 4 tỷ USD thì năm 2018 - 2019 lại đánh dấu sự khởi sắc của các nhà đầu tư Hàn Quốc với những thương vụ lớn. Trong đó, điển hình phải kể đến SK Group đã chi 1 tỷ USD để sở hữu 6,15% vốn của Tập đoàn Vingroup; Ngân hàng KEB Hana đã chi 885 triệu USD để mua lại 15% cổ phần Ngân hàng BIDV vào ngày 22/7.

Ông Michael Dc Choi – Phó giám đốc Trung tâm M&A Hàn Quốc thuộc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) - cho biết: Ngoài KEB Hana, còn 4 ngân hàng khác của Hàn Quốc cũng đang rất quan tâm đến thị trường tài chính tại Việt Nam và mong muốn thực hiện các thương vụ M&A trong lĩnh vực này.

"Cú huých" từ chính sách

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, thành viên Ban tổ chức M&A Việt Nam 2019, chuyển đổi chính sách đang được coi như "cú huých" cho M&A tại Việt Nam. Cụ thể, Luật Đầu tư năm 2014 đã đơn giản hóa các thủ tục pháp lý liên quan đến hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt tới đây, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong DN.

Hơn nữa, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống, trong định hướng thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, chủ trương của chính phủ Việt Nam là sẽ áp dụng các hình thức đầu tư mới, đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM), mở rộng phương thức M&A trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đây là những cơ sở quan trọng để thị trường M&A bứt phá trong giai đoạn tới.

Cơ hội rất lớn, song thị trường M&A Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức đến từ yếu tố khách quan và nội tại của nền kinh tế. Trong đó, yếu tố khách quan là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc, yếu tố chủ quan là trở ngại trong cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước; chất lượng DN Việt Nam và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, khiến nhiều thương vụ M&A bị thất bại trong quá trình thương thảo. Để thị trường M&A bứt phá, đòi hỏi Chính phủ và các bên liên quan cần có những thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước vào lĩnh vực M&A.

Việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)… đang mở ra triển vọng lớn cho thị trường M&A.

Nguyễn Hòa

Tags: