Thị trường M&A hậu Covid-19: Đón sóng trong sự cẩn trọng

00:00 12/10/2020

Vào đầu năm 2020, nhiều dự báo về việc mua bán và sáp nhập (M&A) của Việt Nam sẽ rất sôi động sau nhiều thương vụ thành công của năm 2019. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra đã và đang tác động rất lớn đến hoạt động này.

thi truong ma hau covid 19 don song trong su can trong 128147

Thị trường M&A năm 2020 sẽ khó sôi động bằng các năm trước do dịch Covid-19. Ảnh: ST

Phải tạm hoãn hoặc định giá lại

Trong nửa cuối năm 2019, nhiều thương vụ và kế hoạch M&A ở mức “khủng” từ các doanh nghiệp (DN), tập đoàn tư nhân trong và ngoài nước đã gây tiếng vang trên thị trường.

Điển hình và “dậy sóng” nhất là thương vụ hợp nhất, hoán đổi cổ phần giữa VinCommerce và VinEco (Vingroup) với Masan Comsumer (Masan Group), KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đã mua lại 15% vốn điều lệ của BIDV...

Bên cạnh các thương vụ thành công, nhiều kế hoạch M&A cũng đã được định hình như: Kido Group lên kế hoạch sáp nhập các công ty thành viên cũng như kế hoạch hợp tác với Vinamilk trong mảng đồ uống, Thaco Group tái cấu trúc và đầu tư vào mảng nông nghiệp từ Hoàng Anh Gia Lai và Hùng Vương Group…

Chính vì thế, vào cuối năm 2019, Nhóm nghiên cứu MAF và CMAC (Nhóm Nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu Đầu tư và Mua bán DN) dự báo giá trị M&A năm 2020 tiếp tục ở quy mô 7-7,5 tỷ USD, tương đương với giá trị M&A năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, đến cuối tháng 1/2020, “cú sốc” mang tên đại dịch Covid-19 đã làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đã khiến thị trường M&A chịu nhiều ảnh hưởng.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Cần sự kiểm soát với các DN cốt lõi

Nhiều nước trên thế giới cũng đã có cảnh báo về nguy cơ thâu tóm DN qua M&A trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19. Do đó, việc góp vốn, mua cổ phần tại những DN bình thường thì nên để diễn ra tự nhiên, nhưng với những DN hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn thì cần phải có sự kiểm soát. Hiện Cục Đầu tư nước ngoài chưa có thống kê, cập nhật cụ thể về các lĩnh vực DN FDI thực hiện góp vốn mua cổ phần, nhưng nhìn chung nguồn vốn này đa dạng về loại hình đầu tư, gồm bất động sản, sản xuất, dịch vụ... cũng như quy mô đầu tư. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập hợp nghiên cứu các làn sóng đầu tư từ các nước trên thế giới để có thể đón đầu dòng vốn này.

Hiện Việt Nam đã xuất hiện thông tin về một số thương vụ lớn nhưng lại chủ yếu là thương vụ cũ, đã đàm phán từ các năm trước đến nay mới công bố. Đơn cử như việc Tập đoàn Mitsubishi và Nomura Real Estate công bố mua 80% cổ phần giai đoạn 2 của dự án Vinhomes Grand Park của Vinhomes (VHM) tại quận 9, TPHCM.

Theo các chuyên gia, các yếu tố trở ngại hoạt động M&A gồm tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà nước đang quá lớn; báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch, định giá quá cao, thời gian thực hiện thương vụ quá dài. Ngoài ra còn có các trở ngại khác liên quan đến yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, tiếp cận DN... Nhưng trong thời gian nay, trở ngại vì dịch bệnh đã khiến nhiều thương vụ bị tạm hoãn, hoặc muốn xem xét lại mức giá do các DN đều gặp khó khăn, phải thay đổi chiến lược về định hướng dòng tiền một cách hiệu quả nhất.

Vẫn hấp dẫn nhà đầu tư

Mặc dù khó khăn, nhưng chuyên gia của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam (Công ty chuyên về dịch vụ bất động sản) đã nhận định, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến được ưa thích cho dòng vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, thị trường M&A vẫn có những “gợn sóng” nhất định. Theo đó, thị trường tiếp tục ghi nhận làn sóng đầu tư từ Thái Lan, như Công ty Năng lượng Thái Lan Super Energy Corporation (SUPER) sẽ đầu tư vào cụm 4 dự án nhà máy điện tại Bình Phước; Tập đoàn Stark của Thái Lan đã hoàn tất thương vụ mua lại 100% vốn tại Công ty Cổ phần Cáp điện Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Kim loại màu và nhựa đồng Việt (Dovina)…

Nhìn chung, do tính chất bảo mật, nên các thương vụ đang trong quá trình đàm phán, thẩm định sẽ không được tiết lộ. Nhưng trong mùa Đại hội cổ đông năm nay, lãnh đạo nhiều DN đã “bật mí” một vài thông tin về định hướng mua bán cổ phần.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết ngân hàng này đang trong kế hoạch đàm phán để bán cổ phần FE Credit cho các nhà đầu tư. Vị này chia sẻ, FE Credit là công ty tài chính tiêu dùng nên có thể kêu gọi bán vốn tới 49%, điều này sẽ giúp đem lại tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị điều hành… Nguồn tiền này cũng sẽ giúp ngân hàng mẹ tăng vốn, giúp tập trung hơn vào các mảng bán lẻ và DN nhỏ và vừa.

Tương tự, mới đây, lãnh đạo Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng và khoáng sản Bình Dương (KSB) cũng cho biết đang ủy thác đầu tư vào một công ty vật liệu xây dựng ở Đồng Nai với quy mô các mỏ đá rất lớn. Mục tiêu của KSB khi mua công ty trên là mở rộng kinh doanh và hướng tới trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực đá xây dựng. Ngoài ra, một số DN như Công ty Cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM và Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định cũng đang được thị trường kỳ vọng vào thương vụ M&A với đối tác ngoại đến từ Hàn Quốc và các quỹ đầu tư lớn…

Cẩn trọng bị thâu tóm giá rẻ

Có thể thấy, tình hình M&A hiện vẫn đang “âm ỉ” để chờ thời điểm bứt tốc, tất nhiên là cũng có sự sụt giảm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn chung sau đại dịch Covid-19, thị trường M&A trong nước lại nổi lên vấn đề về khả năng “thâu tóm” DN với giá rẻ.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cảnh báo về nguy cơ thâu tóm DN nội sau đại dịch Covid-19 thông qua hình thức mua bán cổ phần. Thậm chí, Bộ này còn đề cập đây là một trong 5 thách thức lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2020. Trong kiến nghị lên Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã lên tiếng về vấn đề xem xét bảo vệ DN nội, thậm chí đề xuất phương án tạm dừng các hoạt động M&A trong giai đoạn dịch bệnh này.

Theo các chuyên gia, nhiều quỹ đầu tư vẫn rất “rủng rỉnh” tiền đề sẵn sàng đầu tư, tìm cơ hội cho sự phát triển trong tương lai. Vì thế, việc chào mời mua và đi mua DN trong thời điểm này là hết sức bình thường, theo quy luật thị trường. GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho rằng, cần cởi mở để đón nhận, bởi chúng ta đều mong chờ làn sóng dịch chuyển đầu tư, hơn nữa, nhiều DN gặp khó khăn do Covid-19, nếu được bơm thêm vốn thì cũng là điều tốt.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên có chính sách, kế hoạch để thu hút đầu tư một cách hợp lý, việc chọn ngành nghề mời gọi đầu tư cũng phải đi cùng với quy định tỷ lệ đầu tư của DN FDI để có sự khống chế tỷ lệ hợp lý. Hiện dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã tính đến các biện pháp để phòng ngừa, như đưa ra các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận một số ngành nghề, lĩnh vực; giao Chính phủ công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Bình Nam