Theo đàn trâu tránh rét

00:00 12/10/2020

Từ đêm ngày 23/1, toàn huyện Sa Pa chìm sâu trong đợt giá rét kỷ lục với nền nhiệt độ âm 4 độ C. Hiện tượng băng, tuyết xuất hiện khiến sản xuất nông nghiệp ở Sa Pa bị ảnh hưởng năng nề nhất là sự an toàn của đàn gia súc.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, đợt rét này sẽ còn kéo dài đến giữa tuần sau với cường độ có thể ngày một khắc nghiệt hơn.
Ngược dòng khách du lịch đổ lên Sa Pa là cảnh người dân lùa gia súc xuống vùng thấp.
Để bảo vệ đàn gia súc, nhiều gia đình nông dân ở các xã vùng cao như Tả Phìn, Hầu Thào, Trung Chải, Bản Khoang, Tả Giàng Phình… đã sơ tán đàn trâu, bò, ngựa xuống vùng thấp tránh rét. Địa điểm quen thuộc vẫn là hai xã Tòng Sành và Cốc San của huyện Bát Xát như mọi năm. Cách thị trấn Sa Pa gần 20 km, hai “địa bàn chiến lược tránh rét” này hiện đã có hơn 1.000 đại gia súc của người dân Sa Pa về đây “tạm trú”.
Người dân “hạ trại” tránh rét cho gia súc tại xã Cốc San (Bát Xát.
Anh Giàng A Do, xã Sa Pả có 5 con trâu đều đã di chuyển đến xã Toòng Sành từ chiều ngày 22/1, ngay sau khi có thông tin dự báo thời tiết có thể có băng tuyết và rét hại, rét đậm. “Đợt rét này khắc nghiệt quá, nhà mình đã làm chuồng khá tốt rồi nhưng vẫn lo lắng nên vẫn quyết định di chuyển đàn gia súc đi tránh rét để đề phòng rủi ro. Xa nhà, vất vả lắm nhưng đàn trâu là tài sản lớn nhất, nó lại phục vụ mình sản xuất mùa vụ nên mình phải cố thôi”, anh Giàng A Do tâm sự. Tại xã Toòng Sành, anh Do dựng tạm cái lán bằng tre, vầu rồi lấy bạt làm mái. Nơi ở của gia đình anh cũng chỉ là lều bạt căng tạm nằm cách khu nhốt trâu không xa, dưới đất lót áo mưa và tấm chăn cũ, nhưng anh và cả gia đình sẽ phải ở như vậy đến khi nào thời tiết ấm trở lại. Khi đưa đàn gia súc đi tránh rét, tôi phải mang theo quần áo, chăn màn, nồi niêu, dụng cụ cá nhân, anh Do nói.
Một chuyến hái cỏ cần đến 30 nghìn đồng mua xăng.
Đang chuẩn bị bữa cơm tối với rau cải và ít cá khô mang theo, hai anh em Giàng A Châu (11 tuổi) và Giàng A Minh (8 tuổi), nhà ở thôn Giàng Tra, xã Sa Pả được nhà trường cho nghỉ học nên theo giúp bố mẹ chăm sóc 5 con trâu của gia đình. Tập trung nhiều trâu một điểm, không đủ cỏ nên bố mẹ của Châu phải xuống các xã vùng ven thành phố Lào Cai cắt cỏ, hai anh em cậu phải ở nhà chuẩn bị bữa tối.
Giàng A Châu và Giàng A Minh phụ giúp bố mẹ chăm sóc đàn trâu.
Cuộc sống “du mục” bất đắc dĩ của một số hộ dân đưa trâu đi tránh rét những ngày này là vô cùng vất vả. Theo họ, không còn cách nào khác, bởi nếu để gia súc ở nhà thì nguy cơ trắng tay là rất cao. Điều người dân mong mỏi nhất hiện nay là làm sao nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đàn gia súc mỗi khi mùa đông  đến.
Phạm Khánh - Báo Lào Cai