Theo chân nhiều quốc gia, Việt Nam bắt đầu chính sách tiền tệ nới lỏng?

00:00 12/10/2020

Cùng với việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước vừa tiến hành giảm lãi suất tín phiếu, liệu đây có phải tín hiệu nới lỏng?

Theo chân nhiều quốc gia, Việt Nam bắt đầu chính sách tiền tệ nới lỏng?

Ảnh minh họa.

Nhiều ngân hàng được nới “room”

Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, phổ biến từ 7% - 13%. 

Tuy nhiên, đến hết tháng 6 vừa qua, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng rất tốt, đạt quá nửa chỉ tiêu hoặc dùng gần hết “room” được giao, phổ biến là các ngân hàng đang trong diện tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng khác, hoặc đã áp dụng sớm Thông tư 41 về an toàn vốn để áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II. 

Trong đó, 9 ngân hàng đáp ứng sớm Basel II bao gồm Vietcombank, VIB, MB, ACB, Techcombank, OCB, VPBank, MSB và TPBank đã được cấp thêm room tăng trưởng tín dụng, phổ biến nâng từ 13% lên 17%. 

Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 cho ACB từ 13% lên 17%, VPBank từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%, MBBank từ 13% lên 17%...

Cùng với việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cuối tuần trước đã giảm lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước kỳ hạn 7 ngày về còn 2,75%/năm sau khi đã duy trì mức lãi suất 3%/năm suốt từ 10/10/2018 đến nay. 

“Nới van”?

Với những diễn biến trên, có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, giống như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang làm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - MSB, thực tế cho thấy, hạn mức tín dụng phân bổ cho từng ngân hàng đầu năm phổ biến từ 11%-13%, tức là ở mức thấp hơn so với kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành (14%), thậm chí một vài ngân hàng chỉ là 7%. 

Hơn nữa, tính toán tương đối cho thấy, nếu không tính Vietcombank thì 8 ngân hàng còn lại trong nhóm đã được cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ bơm thêm vào nền kinh tế được hơn 100 nghìn tỷ đồng tín dụng trong 6 tháng cuối năm. 

Ngoài ra, một số ngân hàng không trong diện được nới "room" nhưng do đang tái cấu nên cũng muốn xin thêm để đẩy nhanh hoạt động, làm cơ sở và nguồn lực để xử lý nợ xấu. Do vậy, tín dụng có thể cao hơn chút ít so với kế hoạch ban đầu. 

Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhất trí, phần tín dụng tăng trưởng thêm vào khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng sẽ là không quá nhiều so với con số hơn 7,6 triệu tỷ đồng tổng dư nợ hiện nay. 

Và do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của cả năm về cơ bản sẽ đạt được. 

Thậm chí, theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế năm 2019 sẽ vào khoảng 12 - 13%, thấp hơn so với ước tính từ 15 - 16% của năm 2018, và cũng thấp hơn mục tiêu 14% đề ra đầu năm. 

Theo nhóm phân tích, với kịch bản tăng trưởng GDP thực từ 6,6 - 6,8% và lạm phát bình quân từ 3,5 - 4% như mục tiêu Chính phủ đề ra, tốc độ tăng GDP danh nghĩa trong năm 2019 ước đạt 10 - 11%, xấp xỉ mức tăng của năm 2018. 

Tốc độ tăng GDP gần như không thay đổi cho thấy vòng quay tiền tệ năm 2019 cũng sẽ không có nhiều biến động so với năm trước. 

Như vậy, nếu không có sự thay đổi đáng kể về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán M2 có thể cũng chỉ sẽ tăng ở mức 12 - 13%, xấp xỉ mức tăng năm 2018. 

Bên cạnh đó, động thái giảm lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước cũng được các chuyên gia nhận định là để khuyến khích các thành viên thị trường đẩy tiền vào nền kinh tế, thay vì chuyển về Ngân hàng Nhà nước. 

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - MSB, chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, bám theo diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng cũng như bảo đảm an toàn cho hệ thống.

Trần Thúy