Thêm ‘cửa sáng’ xuất khẩu gạo thương hiệu Việt

00:00 12/10/2020

Việc xuất khẩu gạo mang thương hiệu Việt với giá trị cao vào những thị trường "khó tính" đang cho thấy thêm nhiều “cửa sáng” từ nỗ lực của một số doanh nghiệp trong nước với sự chuẩn bị bài bản từ trước.

CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) - thành viên Tập đoàn PAN, trong tuần này sẽ tiếp tục xuất khẩu (XK) gạo trắng Ban Mai và gạo lứt Phúc Thọ sang thị trường Australia đầy tiềm năng. Đây là những sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. 

Nỗ lực từ phía doanh nghiệp

Trong tháng 7 vừa qua, tại thị trường EU, Vinaseed đã XK thành công gạo mang thương hiệu Việt là VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Séc với giá 1.040 USD/tấn. 

HINH-6300-1597743247.jpg

 Nhờ chuẩn bị bài bản từ phía DN, XK gạo chất lượng cao mang thương hiệu Việt đang có thêm nhiều “cửa sáng”

Điểm đáng ghi nhận là việc XK các sản phẩm gạo chất lượng cao này đều được sử dụng giống bản quyền của Việt Nam, gieo trồng, thu hoạch và chế biến tại Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện khắt khe từ xây dựng vùng trồng đến sản phẩm cuối cùng.

Mới đây, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) của Vinaseed cũng đã đạt chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSSC 22000) về chế biến, đóng gói và xuất hàng bởi Bureau Veritas – tổ chức chứng nhận độc lập hàng đầu thế giới của Vương quốc Anh. 

Việc đạt được chứng nhận này có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa sản phẩm gạo thương hiệu Việt Nam tiến tới thị trường EU. Bởi, đây là một trong những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn diện được thiết lập dựa trên sự kết hợp 2 chứng chỉ ISO 22000 và PAS 220, đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất để tiếp cận các thị trường "khó tính" như EU, Mỹ.

Điều đó có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, khi từ 1/8/2020, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với thuế suất 0%. Chứng nhận này chính là lời khẳng định tiêu chuẩn cao cấp của hệ thống nhà máy, góp phần giúp sản phẩm gạo Việt chất lượng cao vươn ra toàn cầu.

Ông Nguyễn Quang Trường, Tổng giám đốc Vinaseed, cho biết: "Chúng tôi đã có sự chuẩn bị ngay từ khi Hiệp định EVFTA đang được đàm phán. Công ty xây dựng vùng trồng nguyên liệu bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ sản phẩm gạo đạt chứng nhận quốc tế FSSC về an toàn thực phẩm, đủ điều kiện để XK sang thị trường "khó tính" như EU". 

Năm 2019, tổng sản lượng XK của Vinaseed sang thị trường EU đạt khoảng 2.000 tấn với kim ngạch khoảng 2 triệu USD. Khi mức thuế suất giảm về 0%, gạo Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ tại thị trường "khó tính" này. Năm 2020, Vinaseed đặt mục tiêu XK  sang EU khoảng 5.000 tấn gạo, gấp đôi sản lượng năm ngoái.

Chuẩn bị bài bản

Ở một doanh nghiệp (DN) XK gạo có uy tín khác tại Cần Thơ là Công ty nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Tổng giám đốc Phạm Thái Bình cho biết công ty đang kỳ vọng lớn vào XK gạo chất lượng cao mang thương hiệu Việt vào thị trường EU thông qua ưu đãi thuế quan của EVFTA sau khi gạo Việt đã trải qua quãng thời gian chịu mức thuế suất từ 5% đến 45%. 

Mức giá thu mua gạo Việt của thị trường EU đang rất tốt cho DN XK. Sắp tới, Công ty Trung An sẽ tập trung đưa mặt hàng gạo chất lượng cao mang nhãn mác “Trung An Rice” vào siêu thị của các quốc gia EU. 

Còn hiện nay, theo ông Bình, công ty đang tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm thêm các đối tác ở EU như Pháp, Ba Lan, Đan Mạch... để gia tăng XK gạo chất lượng cao mang thương hiệu Việt.

So với nhiều mặt hàng nông sản đang trầy trật trên thị trường XK do ảnh hưởng của dịch Covid-19, XK gạo của Việt Nam từ đầu năm đến nay được cho là rất khả quan. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch XK sản phẩm gạo đạt 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái dù sản lượng sụt giảm 1,4%.

Nhờ coi trọng chất lượng hơn là số lượng nên tính đến nửa đầu tháng 8/2020, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 493-497 USD/tấn, vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước và vượt Thái Lan (chỉ ở mức 473-477 USD/tấn) để vươn lên dẫn đầu thế giới.

Giám đốc một DN XK gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long lý giải, từ việc nông dân và DN đang có nhiều thay đổi trong việc tăng chất lượng, phát triển thương hiệu gạo chất lượng cao đã giúp giá trị của gạo Việt được nâng lên rất nhiều.

Theo giới chuyên gia, cần ghi nhận những nỗ lực, sự chuẩn bị bài bản từ phía DN trong việc nâng tầm XK gạo Việt, nhất là việc XK thành công gạo mang thương hiệu Việt Nam sang những thị trường cao cấp.

Chẳng hạn với với thị trường EU thông qua tận dụng EVFTA, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Phạm Thái Bình cho rằng không phải đến bây giờ các DN XK gạo mới chuẩn bị mà là từ trước đó. Đơn cử như quy trình canh tác sản xuất, các DN cần làm sao để gạo Việt vào EU không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì thị trường sẽ chấp nhận. 

“Bây giờ, gạo của chúng tôi đã đạt về tiêu chuẩn, mà thuế suất của nhà nhập khẩu ở EU lại trở về 0% thông qua EVFTA. Vì vậy, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Việt của công ty chắc chắn sẽ tăng vọt trong thời gian tới”, ông Bình khẳng định.

Thế Vinh