Thế cờ mới cho thương hiệu hàng Việt

00:00 12/10/2020

Liệu có nên ghi hàng Việt là “Made in VN” cho thông dụng như hàng Mỹ “Made in USA”? Và liệu mô hình thương hiệu chứng nhận sẽ hỗ trợ cho thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu? Hàng Việt đang đứng trước nhiều “thế cờ mới” để phát triển thương hiệu tốt hơn.

Trong việc xuất khẩu (XK) hàng Việt liên quan đến vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu, kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung đã đưa ra đề nghị khá táo bạo là nên dùng nhãn hiệu “Made in VN” thay vì “Made in Việt Nam” để nhãn hiệu của hàng Việt sau này sẽ thông dụng như “Made in USA” của hàng Mỹ, “Made in UK” của Vương quốc Anh, “Made in ROK” của Hàn Quốc…

Có nên “Made in VN”?

Như lý giải của ông Cung, Việt Nam đang XK 3 loại hàng tùy ở hàm lượng giá trị gia tăng nội địa chứa trong giá trị FOB (giao tận bến) của thành phẩm được XK.

Thứ nhất là những mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng nội địa cao, có khi lên tới gần 100% như khoáng sản thô, gạo, cà phê và nhiều lương thực khác, hàng thủ công…

Thứ hai là mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng nội địa kém của các ngành công nghiệp lắp ráp như cơ khí, điện cơ, điện tử, hàng may mặc… Trong các ngành này, mọi thứ phải nhập từ nước ngoài, chi phí nhân công chỉ đóng góp một phần nhỏ giá trị gia tăng. Các loại hàng này làm tăng thống kê về kim ngạch ngoại thương nhưng đóng góp ít vào GNP (tổng sản phẩm quốc gia).

Thứ ba là các cảng biển, cảng sông và nút giao thông trên bộ được dùng làm nơi lưu kho cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam đã là nơi quá cảnh cho hàng Trung Quốc. Dịch vụ này đã có từ trước thương chiến Mỹ – Trung, một số DN dán trái phép nhãn hiệu “Made in Vietnam” lên hàng của mình để lách thuế quan của các nước khác. Dịch vụ lưu kho làm tăng thống kê về kim ngạch ngoại thương nhưng không đóng góp gì cho GNP của nước nhà.

Ông Cung cho rằng vì có 3 loại hàng đóng góp vào kim ngạch ngoại thương nên phải có 3 nhãn hiệu khác nhau. Thứ nhất là “Made in VN” dành cho các sản phẩm chứa nhiều giá trị gia tăng nội địa. Thứ hai là “Assembled (lắp ráp) in VN” dành cho các sản phẩm chứa ít giá trị gia tăng nội địa.

Thứ ba là “Product (sản xuất) of XXX” (XXX là tên nước xuất xứ của sản phẩm) dành cho các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng nội địa không đáng kể và không mang nhãn hiệu của nước xuất xứ. Nhãn hiệu này dùng để bác bỏ trách nhiệm của Việt Nam đối với những mặt hàng chúng ta không sản xuất.

Do đó, ông Cung khuyến nghị Chính phủ cần định rõ thế nào là hàm lượng giá trị gia tăng nội địa cao, thấp và không đáng kể. Đó là phẩm chất của thổ nghi Việt Nam.

“Về chất lượng thì Chính phủ chỉ cho phép gắn nhãn hiệu “Made in VN” hay “Assembled in VN” đối với những DN và chính quyền địa phương có chứng chỉ của một cơ quan kiểm định độc lập bảo đảm hàm lượng giá trị gia tăng nội địa, chất lượng, an toàn cho con người và toàn vẹn môi trường”, ông Cung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tại hội thảo cuối tuần qua ở Tp.HCM để bàn về việc phát triển thương hiệu sản phẩm, giới chuyên gia lưu ý vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương thì chủ yếu nhất vẫn là tiếp cận theo quá trình xây dựng thương hiệu nhóm DN và thương hiệu địa phương.

Tức là đề cập đến các mô hình xây dựng thương hiệu tập thể mang chỉ dẫn địa lý, thương hiệu làng nghề, thương hiệu chứng nhận. Chẳng hạn, ở cấp độ DN thì là thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN. Ở cấp độ nhóm DN hoặc ngành hàng là thương hiệu ngành hàng, thương hiệu chứng nhận, thương hiệu hiệp hội, thương hiệu mang chỉ dẫn địa lý.

 Thủ công mỹ nghệ Việt đang hướng đến mô hình thương hiệu chứng nhận

Mô hình thương hiệu chứng nhận

PGs.Ts Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia thương hiệu, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, đưa ra dẫn chứng thương hiệu gạo Việt Nam (Vietnam Rice) là một thương hiệu chứng nhận hướng đến tạo dựng hình ảnh cho gạo của Việt Nam, dựa trên bộ tiêu chí khắt khe về chất lượng sản phẩm. Nghĩa là chỉ những sản phẩm gạo vượt qua được những quy định mới được cấp quyền sử dụng dấu hiệu (logo) và uy tín, danh tiếng của Gạo Việt Nam.

“Sự chứng thực này sẽ hỗ trợ cho thương hiệu của các DN sản xuất và XK cũng như thương hiệu sản phẩm của họ khi tham gia thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước”, ông Thịnh nói.

Theo vị chuyên gia này, vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của địa phương chủ yếu gắn với một nhóm sản phẩm cụ thể có tính đại diện, đặc trưng cho địa phương.

Thế nhưng, thực tế tại mỗi địa phương lại không chỉ có một nhóm sản phẩm đặc thù, mà thậm chí có đến cả trăm nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thậm chí được xem là thế mạnh của địa phương.

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho đa dạng các nhóm sản phẩm địa phương, trong phần nhiều các trường hợp, mô hình được lựa chọn thường là thương hiệu chứng nhận.

Hiện nay, Chương trình thương hiệu thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft Exellence) và Chương trình thương hiệu thực phẩm Việt Nam (Food of Viet Nam) cũng đang hướng đến một thương hiệu chứng nhận (dù chưa thật sự được triển khai một cách rõ ràng).

Tuy nhiên, ông Thịnh tỏ ra băn khoăn khi ở Việt Nam, không ít trường hợp, chủ sở hữu của thương hiệu chứng nhận là một cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, chủ thể quản lý và sử dụng thương hiệu chứng nhận lại là một tổ chức tập thể (thường là hiệp hội nghề nghiệp). Vì vậy, quá trình phát triển thương hiệu đôi khi chưa thu hút được sự tham gia thực sự tích cực từ các thành viên tham gia.

Thế Vinh