Thâu tóm đại gia ngoại, bán lẻ nội lật ngược thế cờ?

00:00 12/10/2020

Thị trường bán lẻ đang chứng kiến tốc độ mở rộng độ phủ của các doanh nghiệp bán lẻ nội thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập. Liệu các doanh nghiệp bán lẻ Việt có làm chủ được cuộc chơi này trong thời gian tới, thay vì trước đây chủ yếu bị khối ngoại thâu tóm?

Theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình cứ 100.000 dân cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; 1.000 dân cần 1 – 3 cửa hàng tiện lợi.

Đây chính là khoảng trống để các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần. Cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng…, DN bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển.

Lợi thế thị trường ngách

Nửa đầu năm 2019, thị trường bán lẻ chứng kiến tốc độ mở rộng độ phủ của các DN bán lẻ nội thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Mới đây, lần đầu tiên một DN bán lẻ Việt Nam tiếp nhận một thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới. Sau nhiều đồn đoán, Saigon Co.op đã đạt thỏa thuận chuyển giao tất cả hoạt động bán lẻ của Auchan tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, Saigon Co.op sẽ nhận chuyển giao 15 cửa hàng đã đóng cửa và 3 cửa hàng đang hoạt động cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online của Auchan Việt Nam. Saigon Co.op sẽ quản trị thương hiệu Auchan tại Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán (đầu năm 2020). Sau thời gian này, hai bên sẽ cùng bàn thảo lại.

Trước Saigon Co.op, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp ViCommerce – đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động mang thương hiệu Shop&Go với giá chỉ 1 USD.

Sau hai thương vụ M&A trên thị trường bán lẻ nửa đầu năm nay, bức tranh thị phần đã có sự thay đổi đáng kể với ưu thế nghiêng về DN nội.

Phân tích những bước thành công của các DN bán lẻ nội này, bà Vũ Thị Hồng Phượng (Đại học Thương mại) nhìn nhận mỗi tập đoàn, DN đều có một chiến lược riêng nhưng kinh nghiệm chung của họ là phải nhìn ra được thị trường tiềm năng phù hợp với bối cảnh cạnh tranh gay gắt và thực sự phù hợp với thế mạnh cũng như điểm yếu của bản thân.

Chẳng hạn, Saigon Co.op đã tìm hiểu rất kỹ lưỡng thế mạnh và động thái của các tập đoàn bán lẻ ngoại, thận trọng nghiên cứu thị trường ở các tỉnh, thành khác – nơi mà thị trường chưa bão hòa và các đối thủ nước ngoài chưa để ý tới.

Từ đó, DN này đã khá thành công khi mở thêm nhiều siêu thị ở nhiều tỉnh, thành ngoài Tp.HCM như tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Cai Lậy (Tiền Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp), Gò Dầu (Tây Ninh), Tân Châu (An Giang) và tăng số lượng siêu thị ở các tỉnh, thành đã có.

Đặc biệt, Saigon Co.op cũng hết sức nhanh nhạy trong nắm bắt xu hướng tiêu dùng và cơ hội kinh doanh, mà việc xây dựng thành công thương hiệu riêng Co.op Food chuyên cung cấp thực phẩm sạch đặt bán ở khắp các khu dân cư đông đúc là một ví dụ điển hình.

Đối với Vingroup, DN này đã không băn khoăn nhiều khi đầu tư nghiên cứu và xây dựng hệ thống hơn 30 phòng/trạm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm đặt ở các vị trí phù hợp trên khắp cả nước; phát triển thêm hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco (hơn 3.000ha) để trồng và cung cấp nông sản sạch cho thị trường và phân phối độc quyền tại các hệ thống VinMart & VinMart+ của chính mình.

Ngoài ra, DN này cũng đánh vào tâm lý ưa thích sự tiện lợi và hứng thú với các chương trình khuyến mãi của người tiêu dùng khi bố trí các điểm bán hàng xen kẽ trong khu dân cư.

Trong khi đó, với quy mô nhỏ hơn, hệ thống siêu thị Lan Chi, Citimart, Bách hóa Xanh cũng xác định rõ những hạn chế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và kiểm soát quy trình… Từ đó, các DN này lựa chọn chiến lược thâm nhập thị trường ngách và tập trung vào việc tìm hiểu kỹ lưỡng tập tục, thói quen mua sắm, sở thích người tiêu dùng từng địa phương và coi đây là lợi thế so với DN ngoại.

Theo bà Phượng, đây là hướng đi đúng, bởi một mặt, DN nội không đủ khả năng để cạnh tranh trực tiếp với các DN nước ngoài giàu tiềm lực, một mặt họ hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt hơn trên một phân khúc thị trường nhỏ.

Đánh giá về các thương vụ M&A vừa qua, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho biết rất vui vì DN bán lẻ nội đã đủ sức thâu tóm khối ngoại, mở rộng hệ thống phân phối, từ đó giải quyết bài toán đầu ra cho hàng Việt, tránh tình cảnh như Big C vừa qua đột ngột hủy đơn hàng may mặc với 200 nhà cung cấp Việt Nam.

Thau-tom-dai-gia-ngoai-ban-le-3010-6151-

Doanh nghiệp bán lẻ nội đang có tốc độ mở rộng độ phủ cao

Liên kết để tạo sức mạnh

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, ngoài một số DN trên, đa phần các DN Việt Nam hiện nay vẫn là DN nhỏ và vừa. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa.

Thời gian vừa qua, các DN lớn của nước ngoài đã liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới.

Nền kinh tế Việt Nam có tới 96% là DN nhỏ và vừa, trong số đó có tới hơn 60% là DN siêu nhỏ. Trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn, nghĩa là tuyệt đại bộ phận các DN hoạt động trong ngành bán lẻ là siêu nhỏ.

Các DN bán lẻ nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh như khả năng tiếp cận với nguồn vốn, mức thuế và phí cao, thủ tục hành chính và các chi phí khác để tiếp cận đất đai khi mở chuỗi siêu thị, chi phí xin cấp phép xây dựng, xin cấp phép dựng biển quảng cáo, thuê mặt bằng kinh doanh cao do giá bất động sản cao.

Trước thực tế trên, ông Vũ Vinh Phú cho rằng các DN bán lẻ cần liên kết lại với nhau để tạo thành sức mạnh. “Tại sao các DN không mua chung – bán chung, liên kết xúc tiến thương mại, trao đổi kinh nghiệm thương mại? Tuy nhiên, các DN bán lẻ khó làm được điều này vì điểm yếu của họ là thích giữ tâm lý mạnh ai nấy làm, sợ lộ bí mật kinh doanh”, ông Phú chia sẻ.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Hồng Phượng cho rằng trong trường hợp thị trường thành thị đã bão hòa và bản thân không đủ sức cạnh tranh với các DN lớn của nước ngoài hoặc DN nội có quy mô lớn hơn và tiềm lực mạnh hơn…, DN nhỏ cần phải chuyển hướng mở siêu thị ở các vùng nông thôn phù hợp. Siêu thị quy mô lớn đã hết “đất” để hoạt động thì chuyển hướng sang mở siêu thị mini tiện lợi hoặc cửa hàng tiện ích…

Về phía Nhà nước, việc đưa ra các chính sách ưu đãi là cần thiết để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cần ưu tiên DN nội (nếu không vi phạm các cam kết quốc tế), ưu đãi trước hết đối với trường hợp tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa mang lại lợi ích cho quốc gia vừa đảm bảo lợi ích của DN trong nước.

Hiện nay, các DN bán lẻ ngoại đang có ưu thế trong việc đề xuất vị trí mặt bằng, do đó cần tạo điều kiện thuận lợi hoặc công bằng giữa DN trong và ngoài nước trong việc tiếp cận địa điểm kinh doanh.

Để bảo vệ và phát triển các DN bán lẻ trong nước, Việt Nam cần tận dụng triệt để quyền kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi còn có thể thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý, làm rõ tiêu chí mở điểm bán lẻ thứ hai trở đi để tránh nguy cơ thị trường bị các DN ngoại lấn sân, thôn tính.

Đặc biệt, dù sở hữu độ phủ ít hơn nhưng DN nước ngoài lại nổi trội hơn về khả năng áp dụng các phương thức bán lẻ mới, hiện đại để thu hút người tiêu dùng Việt Nam. Đây là một điểm DN bán lẻ Việt cần phải học tập.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam

Đối với DN trong nước, để cạnh tranh thành công với DN nước ngoài, việc nỗ lực là điều cần thiết. Bên cạnh đó, các DN sản xuất của Việt Nam cũng cần phải thay đổi tư duy, thay đổi cách thức, ứng dụng công nghệ hiện đại để sao cho chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá thành hợp lý, mẫu mã đa dạng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng nội địa.

Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội

Các DN bán lẻ cần áp dụng công nghệ, đáp ứng các tiện ích cho người tiêu dùng, áp dụng phương thức bán hàng đa kênh online và offline. Tuy nhiên, dù phương thức nào cũng cần phải lấy lợi ích của người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. Về phía Nhà nước, DN cần nhất là được đối xử công bằng, vì vậy cơ quan quản lý cần phải có cơ chế kiểm soát những DN làm ăn gian dối, trốn thuế, chuyển giá.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước

Bên cạnh chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của toàn xã hội cả trong và ngoài nước cho việc hiện đại hóa hạ tầng thương mại, các cơ sở bán lẻ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho thương mại điện tử bán lẻ, Nhà nước cần có chính sách phù hợp bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ, bảo vệ hàng hóa và thị trường trong nước trước sự cạnh tranh của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ.

Lê Thúy

 

Tags: