Thất nghiệp tăng sẽ phá hủy kinh tế toàn cầu

00:00 12/10/2020

Công nhân khắp thế giới đang quay cuồng với cú sốc suy thoái kinh tế vì dịch Covid-19, hàng triệu công việc và những chính sách phúc lợi đã mất đi trong tuần qua. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo gần 25 triệu người sẽ bị sa thải nếu virus SARS-CoV-2 không được kiểm soát.

Thất nghiệp tăng sẽ phá hủy kinh tế toàn cầu

Mỹ hứng chịu nặng nề

Việc cắt giảm việc làm từ Áo sang Mỹ đã phản ánh cuộc suy thoái trong thời bình sâu nhất kể từ những năm 1930, khi các nền kinh tế đều bị đóng băng bởi đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ và châu Âu đang tăng lên từng ngày, đặc biệt ở độ tuổi thanh niên. 

Thất nghiệp gia tăng sẽ ngày càng gây áp lực lên chính phủ và các ngân hàng trung ương, buộc họ phải có các chương trình hỗ trợ cho những người lao động bị sa thải, hoặc cố gắng thuyết phục các nhà tuyển dụng giữ lại nhân viên cho đến khi dịch Covid-19 biến mất. Nếu các nỗ lực trên thất bại sẽ khiến nền kinh tế suy thoái sâu hơn và sau đó nếu phục hồi cũng rất yếu ớt.

Các chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại các nền kinh tế phát triển sẽ tăng 2,7 điểm phần trăm vào giữa năm nay, từ mức thấp nhất trong bốn thập kỷ qua. Mặc dù sẽ có một số cải thiện khi các nền kinh tế phục hồi, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ được dự báo sẽ tăng 4,6%, trong khi khu vực đồng euro là 8,3% vào cuối năm 2021.

Mỹ sẽ chứng kiến số lượng công việc bị mất nhiều hơn so với khu vực đồng euro hoặc Nhật Bản, nơi thường có sự hỗ trợ tích cực đối với việc giữ chân nhân viên trong các cú sốc kinh tế.

Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 3/4/2020 cho biết, 701.000 việc làm đã bị cắt giảm trong tháng 3/2020, là mức giảm hằng tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2009, tháng mất việc làm tồi tệ nhất trong giai đoạn suy thoái 2008-2009. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 lên 4,4%, từ mức 3,5% của tháng 2. Đây là mức tăng lớn nhất trong một tháng, kể từ tháng 1/1975. 

Đại dịch đã khiến hàng triệu người Mỹ phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong nửa cuối tháng 3, với tuần gần nhất đã tăng gấp đôi, lên mức 6,65 triệu người so với tuần trước đó. Khoản tiền bồi thường trợ cấp thất nghiệp trong hai tuần này đã lên tới 9,96 tỷ USD, tương đương với tổng số tiền trợ cấp đã chi ra trong 6 tháng đầu của cuộc suy thoái 2007-2009.

Nếu tính thêm số việc làm bị cắt giảm trong ít tuần gần đây, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể còn tăng cao hơn nữa. Oxford Economics dự báo, đến tháng 5/2020, Mỹ sẽ mất 27,9 triệu việc làm và có tỷ lệ thất nghiệp 16%, xóa sạch số công việc tạo thêm từ năm 2010. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 3 cũng cho biết tỷ lệ thất nghiệp sẽ vượt 10% trong quý II, gần với mức kỷ lục 10,8% vào cuối năm 1982, thời điểm nước này rơi vào tình trạng suy thoái sâu dưới thời Tổng thống Reagan. Goldman Sachs trong tuần trước cũng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ sớm tăng vọt lên mức kỷ lục là 15%.

Phần còn lại của thế giới cũng chẳng khá hơn

Ở châu Âu, một báo cáo cho thấy gần một triệu người Anh đã nộp đơn xin thanh toán phúc lợi trong vòng hai tuần, gấp 10 lần số tiền chi ra trong giai đoạn bình thường. Anh đã công bố một cuộc khảo sát các doanh nghiệp, trong đó 27% trong số này đang cắt giảm nhân viên trong ngắn hạn.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha cũng leo lên mức kỷ lục, gần 14%, thuộc hàng cao nhất trong các nước phát triển. Thất nghiệp tại Áo tăng vọt lên 12%, cao nhất kể từ sau Thế chiến II. Trong khi thất nghiệp của Đức hầu như không tăng trong tháng 3, nhưng chủ yếu do con số thống kê này được lấy trước khi các biện pháp phong tỏa và đóng băng hoạt động kinh tế có hiệu lực. Theo đó, dữ liệu thất nghiệp tại Đức sẽ cho thấy ngày càng tăng lên trong các tháng tới.

Trong khi đó, đã có 470.000 công ty nộp đơn xin hỗ trợ tiền lương trong tháng 3 lên chính phủ Đức, và còn tiếp tục tăng, trong khi khoảng 1/5 lực lượng lao động nước này có thể bị giảm giờ làm việc. Các doanh nghiệp Pháp cũng vội vã cầu cứu và xin nhận viện trợ của chính phủ để giữ việc làm cho người lao động, với 84% lương của người lao động sẽ do nhà nước chi trả. Khu vực Bắc Âu cũng đang hứng chịu một cú sốc việc làm lớn, với hơn 800.000 người mất việc, trong đó có hơn 620.000 người làm việc tạm thời ở Phần Lan và Na Uy.

Tại châu Á, tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản tuy ở mức thấp 2,4% trong tháng 2, nhưng các vị trí công việc khả dụng thường xuyên gần đây. Ở Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức kỷ lục, 6,2% trong tháng 2, khi sản xuất, kinh doanh ngừng trệ khiến khoảng 8 triệu người bị mất việc.

Trước các con số trên, có vẻ như khủng hoảng kinh tế không sớm kết thúc và tương lai vẫn khá ảm đạm khi có thể còn tiếp các đợt bùng phát dịch bệnh nữa, trong khi sức cầu trong nền kinh tế có thể phải mất nhiều thời gian mới phục hồi về mức như trước đại dịch. 

Khả Hân