Tháo gỡ "điểm nút" để tạo “bước nhảy” cho dịch vụ logistics của Việt Nam

17:12 26/11/2020

Thời gian qua, dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, năm 2020 là một năm rất đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 đã tác động sâu sắc đến đời sống – kinh tế - xã hội, trong đó có ngành dịch vụ logistics. Nhìn chung, các doanh nghiệp (DN) logistic vẫn còn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là những DN vừa và nhỏ với quy mô vốn thấp, để vượt qua được giai đoạn khó khăn này cũng là cả một thách thức lớn. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì cũng rất cần sự chung tay của cộng đồng…

Chi phí logistics hiện nay ở Việt Nam được đánh giá là cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới

Chi phí logistics hiện nay ở Việt Nam được đánh giá là cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới. (Ảnh: Internet)

Điểm nghẽn logistics

Thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, Việt Nam có khoảng 4.000 - 4.500 DN cung cấp logistics trực tiếp và hơn 30.000 công ty liên quan, trong đó có khoảng hơn 90% là các DN vừa và nhỏ.

Trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn hạn chế, việc kết nối với các nước trong khu vực còn chậm; sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistic chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam chưa có các doanh nghiệp lớn, cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch VLA cho biết, do đường biển nước ta khá dài, chi phí đường bộ cao và có nhiều chi phí khác. Cụ thể chi phí logistics gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… chiếm tỷ lệ khá lớn nên giá thành bị đẩy lên cao khiến giảm sức hút đầu tư và cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành vật cản đối với DN khi thâm nhập thị trường mới
Chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành vật cản đối với DN khi thâm nhập thị trường mới. (Ảnh: Internet) 

Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may trong nước so với các nước trong khu vực dù Việt Nam được cho là quốc gia có chi phí nhân công thấp. Đặc biệt, chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành vật cản đối với DN khi thâm nhập thị trường mới.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc ví von, ngành logistics giống như bánh xe của cỗ xe kinh tế đang hoạt động không ngừng nghỉ, Việt Nam đang trên xa lộ hội nhập quốc tế với nhiều FTA thế hệ mới đã đi vào thực thi, càng đòi hỏi cỗ xe kinh tế mạnh hơn, đi nhanh hơn và một trong những động lực quan trọng đó chính là một ngành logistics phát triển, có năng lực cạnh tranh quốc tế cao hơn... Nhưng thẳng thắn thừa nhận, với hơn 4.000 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, thách thức lớn nhất là chi phí logistics tại Việt Nam còn cao. Dẫn số liệu thống kê của Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), ông Lộc cho biết, chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, và cao gấp gần 2 lần các nước phát triển, cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%. 

Trong chi phí logistic tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hoá của các doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay, với số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics khoảng 400.000 doanh nghiệp, song thực tế chỉ khoảng 10% là doanh nghiệp lớn còn lại hầu hết đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên khả năng phát huy các kết nối về tài chính và công nghệ vẫn còn hạn chế
Trong lĩnh vực logistics hiện có khoảng 400.000 doanh nghiệp, song thực tế chỉ khoảng 10% là doanh nghiệp lớn còn lại hầu hết đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên khả năng phát huy các kết nối về tài chính và công nghệ vẫn còn hạn chế. (Ảnh: Internet)

Theo bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Phương logistics, việc chi phí logistics tại Việt Nam còn ở mức cao, một phần là do cơ sở hạ tầng chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế. Cộng thêm những hạn chế về sử dụng dịch vụ thuê ngày… là những yếu tố đẩy chi phí logistics tăng lên.

Đặt vấn đề cạnh tranh không cân sức giữa các doanh nghiệp nội-ngoại, bà Phương cho rằng, nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc… hỗ trợ doanh nghiệp tối đa khi doanh nghiệp của họ đầu tư ra nước ngoài, song tại trong nước nhiều doanh nghiệp vẫn phải "tự bơi".

“Lợi nhuận thấp cộng với chi phí vốn tăng dẫn đến sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại không cân sức. Bên cạnh đó tự các doanh nghiệp dịch vụ trong nước còn cạnh tranh lẫn nhau, cố gắng hạ giá dẫn đến chi phí lợi nhuận không cao, đây là bất cập của doanh nghiệp logistics hiện nay,” bà Mai Phương nói.

Thực tế hiện nay, với số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics khoảng 400.000 doanh nghiệp, song thực tế chỉ khoảng 10% là doanh nghiệp lớn còn lại hầu hết đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên khả năng phát huy các kết nối về tài chính và công nghệ vẫn còn hạn chế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet)

Nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp

Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP. Cùng với đó, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Với vấn đề chi phí logistic cao là một trong những rào cản để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, theo ông Trần Thanh Hải  Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng: Để cắt giảm chi phí logistic cần một kế hoạch vừa cụ thể, vừa tương đối bao quát, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Trước hết đó là hệ thống về hạ tầng, về cơ sở vật chất cần được nâng cấp, hoàn thiện. Đặc biệt là sự kết nối giữa những phương thức vận tải cần được cải thiện, để tránh việc dồn quá nhiều vào một phương thức vận tải như đường bộ, trong khi đó không khai thác hiệu quả được các phương thức khác như đường sắt, dường thủy.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện về hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách thúc đẩy cho dịch vụ logistic phát triển.

Mặt khác, bản thân DN logistic cũng cần có một kế hoạch của mình để chủ động nâng cấp dịch vụ, đáp ứng được chất lượng theo đúng yêu cầu của khách hàng. Qua đó phát triển thị trường trong nước và nước ngoài.

Ngành logistics cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong đổi mới sáng tạo, giúp DN giảm chi phí vận hành, tăng sức cạnh tranh
Ngành logistics cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong đổi mới sáng tạo, giúp DN giảm chi phí vận hành, tăng sức cạnh tranh. (Ảnh: Internet)

Đáng chú ý, các yếu tố về nhân lực và công nghệ cũng vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì đây là những yếu tố giúp cho DN trong điều kiện nguồn vốn chưa nhiều, quan hệ chưa có…, thì công nghệ sẽ giúp DN hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và tiết giảm chi phí.

Ngoài ra, yếu tố về sự liên kết giữa các DN logistic khá cần thiết khi mà đa số các DN trong ngành này đều nhỏ và sự liên kết hiện nay vẫn còn đang rất rời rạc, chưa tạo nên sức mạnh tập thể để cùng phát triển. Về yếu tố này, vai trò của các hiệp hội, chính quyền địa phương là rất cần thiết.

Đồng quan điểm trên, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra 3 vấn đề cần phải cải thiện về logistics, gồm cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước. Tổng chiều dài đường cao tốc đang vận hành chưa đến 2.000km, trong khi có tới 80% lượng hàng hóa của DN vận chuyển bằng đường bộ.

Hệ thống đường sắt trong nước còn lạc hậu, thiếu kết nối; đường thủy nội địa cũng chưa được khai thác hiệu quả. Chi phí không chính thức về thủ tục hành chính còn phổ biến, sự kết nối giữa các DN trong nước với các DN nước ngoài còn lỏng lẻo, và cũng như thực tế chung, khối FDI vẫn là chủ đạo.

Đến nay, thị phần dịch vụ logistics của Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn do các DN nước ngoài, DN trong nước chỉ chiếm 25% thị phần.

Do đó, việc tăng cường kết nối và hình thành được hệ sinh thái cộng sinh với nhau với các DN FDI là vô cùng cần thiết để khơi thông dòng chảy logistics, thúc đẩy hình thành các dịch vụ  môi giới trung gian trong ngành logistics. Việc hình thành các dịch vụ môi giới trung gian sẽ giúp các DN tối ưu hóa hiệu quả hoạt động vận tải hàng hóa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, trong thời đại số hóa, ngành logistics cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong đổi mới sáng tạo, giúp DN giảm chi phí vận hành, tăng sức cạnh tranh.

Ngoài ra, ở góc độ doanh nghiệp,  ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải, việc giảm chi phí logistics không đơn thuần chỉ cắt giảm giá trên từng công đoạn mà quan trọng nhất là cần giải pháp tổng thể từ khách hàng đến người cuối cùng, tức là đồng bộ trên nền tảng công nghệ thông tin với quy trình chuẩn.

Lấy ví dụ về chi phí nâng hạng cho 1 tấn hàng ngô tại cảng của Việt Nam chỉ khoảng 2,5 USD (tương đương 80.000-90.000 đồng), nhưng cùng 1 tấn đó và thiết bị đó tại một Liên doanh của Công ty ở nước ngoài lại cao gấp 10 lần, ông Trung cho rằng, chi phí trên từng công đoạn không phải quan trọng nhất mà mấu chốt chính là khả năng kết nối giữa các công đoạn, từ tàu đến cảng, kho, xe tải để phân phối hàng hóa đó.

“Thời gian mới là tiền bạc”, làm sao giảm tối thiểu chi phí chờ của tàu, chi phí lưu kho cũng như có giải pháp đưa hàng kịp thời đáp ứng tiến độ nhà máy mới là giải pháp căn cơ giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh,” Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam nói.

Gia Gia