Thành tỷ phú Hàn Quốc sau 2 năm bán mặt nạ dưỡng da

00:00 12/10/2020

Khi người Trung Quốc chuộng mỹ phẩm Hàn, Kim Jung-woong bán hàng trăm triệu mặt nạ dưỡng da giấy qua đường xách tay và giàu chóng vánh một năm qua.

Danh sách người giàu nhất Hàn Quốc do Forbes công bố tháng 7/2019 ghi nhận xu hướng sụt giảm tài sản chiếm ưu thế. 37 trong số 50 cá nhân là tỷ phú hoặc gần tỷ phú nước này được ước tính mất tiền sau một năm.

Xuất khẩu giảm sút, chỉ số chứng khoán KOSPI tụt gần 14% và đồng won mất giá năm qua khiến tổng tài sản của 50 người Hàn giàu nhất giảm 17%, từ 132 tỷ USD xuống 110 tỷ USD. Người tăng tài sản nhanh và nhiều nhất năm ngoái là ông chủ hãng dược Celltrion Seo Jung-jin, cũng "bốc hơi" một phần ba gia tài.

Tuy nhiên, trái ngược xu thế đó, tháng 7, Forbes vinh danh gương mặt tỷ phú tự thân Hàn mới hiếm hoi là Kim Jung-woong, 44 tuổi, người đi lên từ mỹ phẩm. Anh Kim có 1,15 tỷ USD sau chỉ hai năm bán mặt nạ dưỡng da.

Tỷ phú mặt nạ dưỡng da sứa và ốc sên Hàn Quốc Kim Jung-woong. Ảnh: Forbes.

Tỷ phú mặt nạ dưỡng da sứa và ốc sên Hàn Quốc Kim Jung-woong. Ảnh: Forbes.

Hơn 1 tỷ là con số mặt nạ dưỡng da công ty GP Club của Kim Jung-woong đã bán dù mới ra mắt năm 2017. Phần lớn các mặt nạ sáp ong, tinh chất gạo hay ốc sên... mang thương hiệu JM Solution này đến tay người tiêu dùng Trung Quốc và cực phổ biến ở đó.

"Nó là mặt nạ bán chạy số 1 Trung Quốc", người xách tay mỹ phẩm Hàn Liu Jing cho hay. "Tôi sang Seoul liên tục trong 6 tháng qua". Cô Liu nói có thể lãi 20% khi bán hàng JM ở quê mình, tỉnh Sơn Đông. Chính các daigou như cô - khái niệm Trung Quốc gọi người kinh doanh hàng xách tay - đã đưa mặt nạ JM thành hiện tượng và biến Kim thành tỷ phú.

Mặt nạ dưỡng da giấy là thị trường 15 tỷ USD hàng năm ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Mặt nạ dưỡng da giấy là thị trường 15 tỷ USD hàng năm ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Hành trình thâm nhập Trung Quốc của Kim dù thế bắt rễ từ nhiều năm về trước. Anh là con út một giám đốc ngân hàng sa sút. Anh mất bố khi 15 tuổi. "Đó là những ngày tháng cơ cực", Kim kể. Bố anh bị ung thư và có lúc gia đình không có gạo để ăn.

Từ chỗ sung túc, Kim phải kiếm việc làm thêm tại một quán game, nhưng rồi tiết kiệm đủ và vay gia đình để tự mở quán riêng lúc còn học phổ thông. Game Paradise  Thiên đường Trò chơi – chính là tiền thân của GP Club. Ở tuổi 20, Kim đã thu nhập 300 triệu won (500.000 USD hiện thời) từ kinh doanh trò chơi điện tử.

Sau này, khi muốn mở rộng, Kim nhận ra ngoài các tựa game, game thủ còn đặc biệt quan tâm tới túi đeo vai bảo vệ máy chơi cá nhân. Vì thế năm 2003, anh lên hành trình đầu trong chuỗi vô số chuyến sang Trung Quốc của mình, tới nơi xuất xưởng loại túi và liên kết vùng nguyên liệu.

Đó cũng khởi đầu hành trình học tiếng Trung và tìm hiểu "rất nhiều về văn hóa, thói quen con người Trung Quốc" của Kim Jung-woong. Anh phát hiện văn hóa đại chúng Hàn đang hồi sinh sức hút tại quốc gia đông dân, dưới dạng làn sóng K-Pop thứ hai, kể từ khi càn quét lần một khắp châu Á những năm 1990. Lần này, nó có thêm mạng xã hội làm bệ phóng khổng lồ.

Ngoài lòng sùng mộ, nhiều khán giả khao khát có làn da đẹp và long lanh như ca sĩ, diễn viên truyền hình Hàn Quốc, khiến thêm một xu hướng khuấy đảo: K-Beauty. Nó kéo theo nhãn lớn, nhãn nhỏ Hàn ăn nên làm ra từ bán mỹ phẩm trực tuyến hay xách tay cho người Trung Quốc. Với lợi thế hiểu biết của mình, Kim trở thành nhà phân phối một hãng mỹ phẩm năm 2013.

"Mọi thứ diễn ra tuyệt vời... lúc đầu", anh kể. Nhưng càng bán được, vị trí trung gian của Kim càng lung lay khi không còn cần thiết, các nhãn hàng có thể bán trực tiếp cho đơn vị bán lẻ Trung Quốc. Năm 2016, quay sang bắt tay một xưởng mỹ phẩm nhỏ, Kim chính thức ra mắt thương hiệu sữa tắm và chăm sóc da của riêng anh – JM Solution – mang nghĩa "Hành trình tới phép màu" (Journey to Miracle).

Ông chủ hàng game GP năm 18 tuổi. Ảnh: GP Club.

Ông chủ hàng game GP năm 18 tuổi. Ảnh: GP Club.

Dòng sản phẩm đầu của JM vừa nhận sự hưởng ứng mùa hè năm 2016, thì vấp ngay trở ngại. Năm đó, giữa Seoul và Bắc Kinh xảy ra mâu thuẫn chính trị lớn, dẫn đến Trung Quốc cấm người dân đi tour đoàn sang Hàn Quốc. "Trước khủng hoảng này, 800.000 người Trung Quốc tới Hàn Quốc mỗi tháng", Park Hyun-jin, nhà phân tích thuộc công ty môi giới tài chính DB Financial Investment, cho hay. "Con số sau đó còn một phần tư".

Người tiêu dùng Trung Quốc được truyền thông trong nước cổ vũ tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc. Hãng mỹ phẩm Hàn lớn nhất, Amorepacific, mất 9% doanh thu trong hai năm chiến dịch tẩy chay, còn lợi nhuận ròng của họ giảm một nửa. "Khẩu vị dành cho K-Beauty vẫn rất mạnh", chuyên gia tài chính Lee Sun-hwa ở Seoul giải thích. "Nhưng cấm du lịch đồng nghĩa làm mất kênh cho người dùng Trung Quốc trực tiếp đi mua những mặt hàng đó".

GP của Kim cũng không nằm ngoài cuộc đối đầu. "Tôi mất 1 tỷ won và không thể lấy lại từ tay một đối tác bán lẻ. Các đơn đặt hàng tổng giá trị 3 tỷ won thì bị hủy", anh nhớ. "Mọi người gần như khuyên tôi, 'Hãy dừng sản xuất'".

Nhưng Kim đã không nghe theo. Thay vào đó, anh dốc toàn bộ tiền có bấy giờ – 1,5 tỷ won – vào dòng sản phẩm mới: mặt nạ dưỡng da giấy. Trong khi mặt nạ truyền thống là hỗn hợp được quét lên da mặt, rồi để khô trước khi bóc và rửa, mặt nạ giấy là tấm giấy thấm và chứa chất hóa học dưỡng ẩm, trẻ hóa da, phần mắt và miệng được khoét để đắp khít lên mặt. Người Trung Quốc tiêu thụ 15 tỷ USD giá trị những chiếc mặt nạ giấy này hàng năm, theo Bain & Co.

Giữa năm 2017, GP cho ra đời mặt nạ sáp ong JM Solution. Các loại khác sớm nối đuôi gồm mặt nạ tổ yến, mặt nạ sứa và mặt nạ ốc sên (chứa chiết xuất từ ốc sên thật)...  Công ty này không quảng cáo mà tặng mặt nạ cho giới ảnh hưởng mỹ phẩm tại Trung Quốc, để các KOL sau đó viết nhận xét miễn phí cho họ trên mạng xã hội Weibo và TikTok.

Một số KOL bắt đầu hứng thú mua sỉ mặt nạ này và bán qua mạng, nhưng các daigou – một lớp người ảnh hưởng khác – mới đem đến khác biệt cho GP. Giữa bối cảnh tẩy chay hàng hóa Hàn tiếp diễn nhưng mặt nạ JM đã "lây lan" tại Trung Quốc nhờ KOL, cộng đồng bán hàng xách tay nhận ra một thị trường "xám" để khai thác, nơi phục vụ những người bớt lòng yêu nước để quan tâm hơn tới nước da của mình.

Mạng lưới daigou giúp Kim "ăn mòn" thị phần từ tay "ông lớn" như Amorepacific và Gia dụng & Y tế LG, đưa doanh thu GP Club tăng trưởng đột biến, gấp gần 10 lần và đạt 460 triệu USD năm ngoái, trong khi lãi tăng 30 lần.

Kim Jung-woong trong cửa hàng JM Solution tại thủ đô của làn sóng K-Beauty - phố mua sắm Myeongdong. Ảnh: Forbes.

Kim Jung-woong trong cửa hàng JM Solution tại "thủ đô" của làn sóng K-Beauty - phố mua sắm Myeongdong. Ảnh: Forbes.

GP cũng hưởng lợi từ chính nề nếp kinh doanh của các đối thủ đã có chỗ đứng vững chãi. Công ty lớn như Amorepacific giới hạn lượng mua hàng của mỗi cá nhân, cho biết họ quan tâm tới bảo vệ và nâng cao hình ảnh thương hiệu hơn ép doanh số trong ngắn hạn.

Trong khi đó, GP không tự đặt cho mình giới hạn nào. Cuối năm 2018, họ ghi nhận bán 800 triệu mặt nạ và tới nay, đã ngoài 1 tỷ. Chuyên gia tài chính Lee mô tả: "Du lịch giảm. Nhưng doanh số sản phẩm nhãn JM tại các cửa hàng miễn thuế cứ thế tăng. Người mua không dùng chúng mà chính là những người bán chúng".

Tháng 10/2018, hấp dẫn bởi thành công chóng vánh của GP, ngân hàng Mỹ Goldman Sachs đã chi 75 tỷ won để đổi lấy 5% cổ phần công ty này. Nhờ vậy, GP được định giá lại, và Kim, với 95% cổ phần nắm cùng vợ và con gái, vào xếp hạng giàu của Forbes.

Công ty khởi đầu bán game và phụ kiện GP Club hiện tại ghi nhận 90% doanh thu từ mỹ phẩm. Phần lớn đóng góp bởi Trung Quốc, với một nửa từ trang thương mại điện tử Tmall của Alibaba. Game và hàng đi kèm giờ chiếm chỉ 6% nguồn thu của họ.

Dưới sự đỡ đầu của Goldman Sachs, GP dự tính sẽ niêm yết cuối năm nay, trong màn chào bán cổ phiếu được giới phân tích ước tính giá trị 10 nghìn tỷ won. Kim Jung-woong hy vọng nó cho anh tiền đề mở rộng sang thị trường tiềm năng mới là Đông Nam Á. Nhưng còn đó một nguyện vọng khác của người sớm mất cha: "Ước mơ của tôi là dành phần tốt hơn của cuộc đời mình sống êm ấm với gia đình".

Thanh Tùng (Theo Forbes)